(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực để khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Nỗ lực gỡ “thẻ vàng trong khai thác thủy sản

Cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực để khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Nỗ lực gỡ “thẻ vàng trong khai thác thủy sảnTàu cập bến Ngư Lộc (Hậu Lộc).

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 15-11, trên địa bàn tỉnh có 6.689 tàu cá khai thác hải sản. Trong đó, có 2.145 tàu có chiều dài từ 12m trở lên (gồm 977 tàu hoạt động vùng lộng, 1.168 tàu hoạt động vùng khơi); 4.544 tàu có chiều dài dưới 12m (hoạt động ven bờ). Trong số 1.168 tàu cá hoạt động ngoài khơi có chiều dài trên 15m, hiện có 41 tàu thường xuyên nằm bờ, không tham gia khai thác; số còn lại phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) là 1.127 tàu.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về ngăn chặn tình trạng ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các ban quản lý cảng cá đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, chống khai thác IUU, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi hoạt động khai thác; về chính sách hỗ trợ lắp đặt TBGSHT theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND ngày 17-7-2021 của HĐND tỉnh, phí dịch vụ thuê bao GSHT trên tàu cá... Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành của ngư dân với pháp luật về thủy sản được nâng cao. Trong số 1.127 tàu cá phải lắp đặt TBGSHT, đến nay đã có 1.119 tàu cá thực hiện lắp đặt (đạt 99,3% tổng số tàu cá tham gia khai thác). Số tàu cá thực hiện đăng kiểm đạt 69,4%; gần 3.000 tàu được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase)...

Hiện nay, huyện Hậu Lộc có 677 tàu cá, trong đó tàu vươn khơi (chiều dài trên 15m) là 259 chiếc; tàu khai thác vùng lộng là 219 chiếc và tàu khai thác ven bờ là 199 chiếc. Để ngăn chặn tình trạng ngư dân khai thác IUU, huyện thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi đi khai thác; phát tờ rơi về nội dung quy định chống khai thác IUU. Đến nay, ngoài đã hoàn thành lắp đặt TBGSHT, chủ tàu cá và ngư dân đã cơ bản chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nên không có tình trạng tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ... Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc, ông Nguyễn Văn Toản: “Khó khăn hiện nay của địa phương trong việc gỡ “thẻ vàng” khai thác thủy sản đó là vẫn còn tình trạng chủ tàu, thuyền trưởng chưa duy trì kết nối TBGSHT khi hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, do Cảng cá Hòa Lộc hiện bị bồi lắng, cộng với thói quen của ngư dân tiện đâu cập cảng đó, không vào cảng cá theo chỉ định nên lượng tàu cập cảng rất hạn chế, dẫn đến sản lượng cá tại cảng thấp hơn nhiều so với thực tế. Vì vậy, huyện Hậu Lộc mong muốn đề xuất mở rộng cảng cá về quy mô, công suất. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu cho tàu thuyền cập cảng và mới tạo điều kiện gỡ được “thẻ vàng”...

Trao đổi về những vướng mắc của huyện Hậu Lộc, ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Vướng mắc ở huyện Hậu Lộc cũng là vướng mắc chung của nhiều địa phương ven biển trong việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Để từng bước khắc phục tình trạng này, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật thủy sản và các quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, các tổ chức, đơn vị liên quan. Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển, cửa lạch, bãi ngang, cảng cá. Kiên quyết không cho các tàu cá tham gia hoạt động trên biển khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định. Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU. Lập danh sách tàu cá có nguy cơ vi phạm, như: tàu hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, tàu cá cam kết nằm bờ khi chưa lắp đặt TBGSHT gửi các lực lượng chức năng để phối hợp, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời động viên, khen thưởng gương điển hình và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU. Đối với những cảng cá quá tải và bị bồi lắng (trong đó có Cảng cá Hòa Lộc), tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư, nâng cấp các cảng cá chỉ định, khu neo đậu tránh trú bão để phục vụ cho công tác xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác, chống khai thác IUU.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVIII, xung quanh vấn đề các cảng cá bị bồi lắng và quá tải, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 18 cảng cá và 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tuy nhiên, do tàu cá trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô dẫn đến các cảng cá quá tải. Mặt khác, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão lũ xảy ra thường xuyên, đất phù sa từ thượng nguồn đổ ra các cửa lạch, làm cho luồng lạch, khu neo đậu tránh trú bão bị bồi lấp không đảm bảo cho tàu ra vào. Khắc phục tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho tỉnh tăng cường các nguồn lực đầu tư cảng cá và các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Trong đó, tập trung đầu tư các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng trong giai đoạn 2021-2025, như: Dự án Khu neo đậu tàu thuyền phục vụ di dân tái định cư xã Hải Hà và Dự án Nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu, khu vực cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn); hoàn thành thi công Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá sông Lý, huyện Quảng Xương trong năm 2022. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển thủy sản bền vững, vốn vay Ngân hàng thế giới (WB), như: Dự án Nâng cấp cảng cá Hòa Lộc kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão Lạch Trường; Dự án Nâng cấp cảng cá Hoằng Trường; Dự án Nâng cấp cảng cả Lạch Hới và Dự án Nâng cấp cảng cá Lạch Bạng. Ưu tiên bố trí vốn định kỳ để duy tu, bảo dưỡng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và nạo vét luồng vào, vùng nước trước cảng, trong âu trú bão. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân vào đầu tư mới, đầu tư nâng cấp các cảng cá hiện có; phối hợp rà soát quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đề nghị bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và các quy định của Luật Thủy sản, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU.

Hy vọng rằng, với những giải pháp trên, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong tỉnh, lực lượng chức năng và sự đồng lòng của ngư dân, Thanh Hóa sẽ góp phần cùng ngành Thủy sản Việt Nam lấy lại được “thẻ xanh” từ Ủy ban châu Âu trong thời gian sớm nhất.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]