(vhds.baothanhhoa.vn) - Sức ép từ công việc, học tập, sự nghiệp... trong cuộc sống hiện đại khiến cho tỷ lệ người trẻ mắc bệnh trầm cảm có xu hướng tăng cao. Đáng nói, rất nhiều người phát hiện ra bệnh khi bệnh đã chuyển xấu.

Nỗi lo tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm

Sức ép từ công việc, học tập, sự nghiệp... trong cuộc sống hiện đại khiến cho tỷ lệ người trẻ mắc bệnh trầm cảm có xu hướng tăng cao. Đáng nói, rất nhiều người phát hiện ra bệnh khi bệnh đã chuyển xấu.

Nỗi lo tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảmBác sĩ Lương Mỹ Linh, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa tư vấn tâm lý cho người bệnh.

Chị N.T.T 30 tuổi (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa. Chị T. và chồng là lao động tự do, 2 năm qua do dịch bệnh nên vợ chồng chị thất nghiệp, nguồn thu cho gia đình bị gián đoạn. Chị cho biết, mình bắt đầu lo lắng, suy nghĩ nhiều từ giữa năm ngoái, mức độ lo lắng ngày càng tăng qua thời gian. Sau đó, chị thường xuyên không ngủ được, hay buồn bực, cảm giác bất lực trước bản thân, thu mình, không muốn tiếp xúc với mọi người trong cả một thời gian dài. Thấy lo cho sức khỏe của người vợ, chồng chị đã đưa đi khám, bác sĩ kết luận chị bị trầm cảm.

Qua khảo sát, tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa còn có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi. Anh C.V.C 32 tuổi (TP Sầm Sơn) vốn làm công việc hành chính. Lo lắng quá mức về công việc trong thời gian dài khiến anh bị mất ngủ trầm trọng, khả năng làm việc giảm, không muốn nói chuyện và tiếp xúc với mọi người xung quanh. Khi đến khám tại bệnh viện, anh đã bắt đầu có suy nghĩ hoang tưởng. Theo thông tin bệnh án, thì nguyên nhân bị trầm cảm của anh C. ban đầu được xác định là do mất khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, hiện tại mỗi ngày có khoảng 200 người đến đây khám và tư vấn sức khỏe tâm thần. Trước đây, độ tuổi của trầm cảm thường là 60-65 tuổi, thì nay có nhiều bệnh nhân từ 18-35 tuổi, thậm chí có cả tuổi vị thành niên. Còn theo báo cáo của Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tự tử do trầm cảm; có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%; trong số đó, thanh thiếu niên ở thành thị có xu hướng dễ mắc bệnh hơn. Vấn nạn trầm cảm ở người trẻ không còn âm thầm nữa mà đã trở nên đáng báo động không chỉ ở riêng Thanh Hóa.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lương Mỹ Linh, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, cho biết: "Trầm cảm là căn bệnh đi liền với xã hội hiện đại. Xã hội càng phát triển thì tỷ lệ người mắc ngày càng nhiều. Thực tế, nhịp sống nhanh, liên tục thay đổi, mâu thuẫn trong gia đình khi cha mẹ quá bao bọc, kiểm soát, hay gặp khó khăn khi đi tìm việc, những bất hòa trong chuyện tình cảm... khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy lạc lõng, vô phương hướng trong các cơ hội học tập và công việc. Với một sự việc khó khăn mà nhiều người coi là bình thường, còn đối với những người đã gặp tổn thương về mặt tâm lý trong thời gian dài, đó có thể là một giọt nước tràn ly, khiến họ cảm thấy không đáng được yêu thương, mất niềm tin vào cuộc sống, dễ dàng có suy nghĩ tự tử”.

Cũng theo lý giải của bác sĩ Lương Mỹ Linh thì việc nhận thức của người dân đã thay đổi cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người mắc bệnh trầm cảm được phát hiện tăng. Theo đó, trước đây nhiều người thường cho rằng trầm cảm là buồn, chán chường và là vấn đề cá nhân nên thường không đi thăm khám. Nhưng hiện tại, mọi người đã có nhận thức đầy đủ hơn, ý thức được mức độ nguy hiểm từ căn bệnh nên đã chủ động đến bệnh viện hoặc đi tư vấn tâm lý.

Tiến sĩ Cao Xuân Hải, Phó trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hồng Đức, cho rằng: “Trầm cảm là một căn bệnh thuộc về sức khỏe tinh thần, thường xuyên gặp phải và phát triển mạnh mẽ trong xã hội hiện đại, với những biểu hiện như, khí sắc trầm buồn, dòng tư duy hoạt động chậm chạp hay kém hiệu quả, trí nhớ giảm sút, giảm hứng thú và nhu cầu trong tất cả các hoạt động... Và đặc biệt thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm là họ luôn có ý nghĩ và hành vi tự sát”.

Nỗi lo tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảmNgày nay số người trẻ đến bệnh viện điều trị sức khỏe tâm thần ngày càng nhiều.

Cũng theo Tiến sĩ Cao Xuân Hải, có nhiều nguyên nhân mắc bệnh trầm cảm, trong đó chủ yếu là do stress tâm lý - xã hội như: căng thẳng trong sinh hoạt gia đình, những khó khăn quá tải trong công việc, những đòi hỏi vượt quá khả năng đáp ứng trong công tác và trong học tập, tổn thất, mất mát quan trọng, giao tiếp xã hội của con cái có vấn đề... Dẫn đến người bệnh không ý thức được tầm quan trọng của bản thân đối với mọi người và đối với cuộc sống xung quanh, họ chỉ ý thức được một điều là họ bị bệnh rất nặng, chán sống có ý tưởng tự sát rất cao.

Không giống như những căn bệnh có thể nhìn, sờ thấy vết thương, tổn thương do trầm cảm ẩn giấu sâu thẳm trong mỗi người và tồn tại dai dẳng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Phương pháp chữa trị của bệnh cũng không theo phác đồ điều trị sẵn có, và không thể chữa trị hoàn toàn bằng thuốc. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh “mỗi người nên xây dựng cho mình một cuộc sống thoải mái, rèn luyện nhân cách mạnh mẽ để có thể đối diện với những tác động từ môi trường. Ngoài ra, phải xây dựng các mối quan hệ trong gia đình, công việc tốt đẹp và phải xác định hướng phấn đấu hợp lý, theo đúng hoàn cảnh, khả năng của bản thân, tránh áp lực và tiêu cực. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bệnh thì phải sớm đến các cơ sở y tế chuyên khoa”, bác sĩ Lương Mỹ Linh đưa ra lời khuyên.

Và đối với người trẻ trong cuộc sống hiện đại, hãy dành cho bản thân những khoảng lặng để sống chậm lại, yêu thương bản thân nhiều hơn... nhằm tăng sức đề kháng, vượt qua những nỗi buồn, áp lực của cuộc sống.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]