(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã hơn 6 tuần sống và làm việc tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, TP Thủ Đức, tình cảm riêng tư gác lại, những y, bác sỹ tăng cường từ Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, TP Sầm Sơn phải căng mình chiến đấu không chỉ để cứu những bệnh nhân đang cận kề cái chết, mà còn phải bảo vệ mình trước nguy cơ bệnh tật, rồi cả sự mệt mỏi, trông vắng và lo toan nhiều khi ập đến, và họ đã chiến thắng.

Tâm sự của “chiến sĩ áo trắng” nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh

Đã hơn 6 tuần sống và làm việc tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, TP Thủ Đức, tình cảm riêng tư gác lại, những y, bác sỹ tăng cường từ Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, TP Sầm Sơn phải căng mình chiến đấu không chỉ để cứu những bệnh nhân đang cận kề cái chết, mà còn phải bảo vệ mình trước nguy cơ bệnh tật, rồi cả sự mệt mỏi, trông vắng và lo toan nhiều khi ập đến, và họ đã chiến thắng.

Tâm sự của “chiến sĩ áo trắng” nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh

Y, bác sĩ xung kích của Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, TP Sầm Sơn tại phòng trực Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, TP Thủ Đức

Vui quên ăn khi bệnh nhân ra viện

Vào tâm dịch ai cũng phải tham gia điều trị trực tiếp bệnh nhân COVID-19 nặng, rồi trực. Ở đây ngày cuối tuần cũng như ngày thứ, đều làm thông suốt. Anh em cán bộ sau ca trực về còn ngủ ngon giấc, chứ trưởng đoàn, phụ trách khu điều trị về vẫn phải ôm điện thoại, máy tính làm việc như những người “tự kỷ”... Vậy nhưng vẫn vui lắm, vì ngày hôm nay lại tiếp tục cho bệnh nhân khỏi ra viện. Mải việc, mải vui mà mình quên mất là chưa ăn cơm tối. Lọ mọ xuống tầng trệt xin cơm trực thì hết cơm mặn, may còn hộp cơm chay đành lấy tạm về ăn cho qua bữa. Có lẽ, bạn hậu cần sợ mình đói nên cố nài lấy thêm hộp mì tươi từ thiện. Mang cơm về phòng trực, lại thấy bạn điều dưỡng của đoàn Thái Nguyên trực cùng đang chờ mình mang cơm về ăn cùng cho vui. Em nó áy náy tưởng mình có cơm rồi, chứ không lại xin luôn. Mình cười bảo thôi anh cũng ăn ít, hai anh em ăn đi kẻo muộn cơm nguội hết rồi.

Tình người trong tâm dịch mới quý giá làm sao. Người xa lạ thoắt thành thân quen.

Tâm sự của “chiến sĩ áo trắng” nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Hải được giao nhiệm vụ phụ trách Block 4B - Khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và hậu hồi sức - phút thảnh thơi sau ca trực.

Cơm xong, hai anh em lại mặc bảo hộ đi kiểm tra tình hình bệnh nhân nặng mới chuyển hồ sơ cấp cứu lên. Bệnh nhân vừa từ cõi chết trở về, thoát khỏi máy thở được chuyển về 4B thở mask, đo SPO2 đạt 96% là mừng. Bệnh nhân nói rõ tiếng là hi vọng lắm. Dẫu bệnh nặng thế vẫn không quên cảm ơn bác sĩ. Đi hết một lượt tất cả các phòng thấy bệnh tình ổn định là mình yên tâm. Dù thế, mình vẫn dặn các bệnh nhân có gì bất thường cứ gọi hoặc báo tin lên nhóm Zalo bệnh nhân 4B. Vào thang máy đi xuống phòng thay đồ bảo hộ thì cái thang máy “dở chứng. Thay đồ xong, hai anh em về phòng trực. Cậu em điều dưỡng tâm sự, em thấy khu 4B của mình làm rất khoa học, an toàn và quy củ nên các em không muốn bị điều đi khu khác.

Ngoài kia, bóng đồng nghiệp ngồi bệt xuống sân đợi đến lượt vào thay đồ bảo hộ... đêm rơi dần vào khuy vắng…

Đó là tâm sự của tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Hải, đoàn y, bác sĩ xung kích của Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, TP Sầm Sơn, hiện đang phụ trách Block 4B - Khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và hậu hồi sức, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, TP Thủ Đức.

Luôn tay vì bệnh nhân, và vì muốn thật bận để quên đi nỗi nhớ nhà…

Đoàn xung kích của Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, Sầm Sơn xung phong vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh lần này có 36 y, bác sĩ. Trong đó có đến 26 nữ. Họ cũng như bao người phụ nữ khác với đong đầy tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm trong thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Tâm sự của “chiến sĩ áo trắng” nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh

Bác sĩ Nguyễn Thị Chung lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân.

Gác lại công việc của một bác sĩ điều trị tại bệnh viện, gửi mẹ già mắc bệnh Alzheimer và 2 con nhỏ để người thân chăm sóc, hôm nay tròn 6 tuần bác sĩ Nguyễn Thị Chung có mặt nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Tăng cường cho Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, TP Thủ Đức, chị được phân công nhận nhiệm vụ bác sĩ điều trị tại Block 4B - Khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và hậu hồi sức.

Tâm sự của “chiến sĩ áo trắng” nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh

Cùng nhau đi trực ca.

Khó có thể diễn tả hết sự vất vả cũng như tốc độ công việc cần kíp tại nơi này. Block 4B được ví như “tầng tháp” thứ 4/5 trong khung mức độ diễn biến tình trạng bệnh. Do đó, áp lực công việc đòi hỏi phải luôn sát sao theo dõi và thao tác nhanh để có thể quan sát, xử lý tình huống kịp thời hoặc kịp báo cáo chuyển khoa cấp cứu khi bệnh nhân đột ngột trở nặng.

"Sốt ruột, lo lắng lắm khi mẹ già ở quê đau đáu mong chờ, hai con nhỏ mới học lớp 9 và lớp 5 phải tự chăm sóc nhau khi bố cũng bận rộn với công việc là bác sĩ, Phó Trưởng Ban phòng chống dịch của bệnh viện. Nhưng mỗi khi đối diện với công việc hiện tại, chứng kiến mức độ nguy cấp, sự sợ hãi của bệnh nhân, tôi lại tạm gác lại nỗi niềm riêng tư để hết lòng chú tâm vào công việc”, bác sĩ Nguyễn Thị Chung cho biết.

Tâm sự của “chiến sĩ áo trắng” nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh

Các y, bác sĩ tiêm truyền cho bệnh nhân.

Cũng trong đoàn công tác với bác sĩ Chung, suốt những tuần qua, điều dưỡng Trịnh Thị Trang luôn cố gắng để bận tay với công việc. Một ca làm việc của điều dưỡng Trang, ngoài tiêm thuốc, đi buồng thăm khám 4 lần mỗi ngày, thì tuần tự 48 giờ phải lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra lại cho bệnh nhân một lần.

Bản thân chị, 3-4 ngày cũng phải làm xét nghiệm RT-PCR tầm soát lây nhiễm chéo COVID-19 tại nơi mà nồng độ virus rất cao trong không khí. Mỗi khi có bệnh nhân nặng cần phải chuyển bệnh viện tuyến trên, điều dưỡng Trang luôn xung phong đi hộ tống dù trong suốt quá trình đó đến khi về đều phải mặc bảo hộ kín mít, vô cùng ngột ngạt và bức bí.

Mỗi khi thấy bệnh nhân được xuất viện bớt, điều dưỡng Trang lại đề xuất với Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Hải - phụ trách Block 4B nhận thêm bệnh nhân về.

“Có những đêm, vì vội vã cần cho bệnh nhân thở, tôi và đồng nghiệp phải chạy vội đi lăn những bình ô xy to tướng trên sàn nhà mà quên cả nỗi sợ cháy nổ. Sau mỗi ca trực, người đều tắm trong mồ hôi và ngồi thở dốc. Với những bệnh nhân tuổi cao, nằm liệt giường, mắc bệnh tâm thần, công việc lại càng nặng lên gấp bội. Có đôi khi, mình còn phải trở thành những người bạn, người thân để hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân trong giây phút yếu mềm, mất niềm tin chống chọi với bệnh tật”, điều dưỡng Trịnh Thị Trang nói.

Mỗi khi được nghỉ ngơi, nỗi nhớ nhà, thương con nhỏ lại trào dâng trong lòng điều dưỡng Trịnh Thị Trang. “Năm nay cháu mới vào lớp 1. Lần khai giảng đầu tiên trong đời của con mà cả bố mẹ đều phải đi chống dịch. Em thì vào TP Hồ Chí Minh chi viện, bố cháu thì đi gác chốt kiểm dịch COVID-19. Ngày con bé đi khai giảng, động viên mãi con mới đồng ý để hàng xóm đưa đi. Ngắm kỹ bức ảnh cô con gái nhỏ bé, đáng yêu trong ngày đầu đi khai giảng với đôi dép cọc cạnh, em đã khóc cả đêm vì thương xót, chỉ biết động viên con rằng: Ở nơi mẹ đang chiến đấu này còn nhiều bạn nhỏ như con không có cơ hội được đi khai giảng vì mắc bệnh COVID-19 nặng. Nhiều bạn nhỏ thì mất cả bố và mẹ rồi, nên con ở nhà ngoan ngoãn để mẹ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Con bé chỉ khóc một chút rồi thôi”, điều dưỡng Trịnh Thị Trang kể.

Tâm sự của “chiến sĩ áo trắng” nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh

Phút nghỉ ngơi của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương sau ca trực.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngọ Viết Chung, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, Sầm Sơn đi chi viện cho TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Vào “trận chiến” này, chúng tôi xác định sẽ vô cùng vất vả, và sự hi sinh này còn nhân lên gấp nhiều lần với chị em khi sức khỏe hạn chế hơn nam giới.

Đã hơn 6 tuần, tình cảm riêng tư gác lại, những y, bác sỹ ở nơi này phải căng mình chiến đấu không chỉ để cứu những bệnh nhân đang cận kề cái chết, mà còn phải bảo vệ mình trước nguy cơ bệnh tật, rồi cả sự mệt mỏi, trông vắng và lo toan nhiều khi ập đến, và họ đã chiến thắng.

Dr Hải Ngoại

(Đoàn công tác Bệnh viện Phục hồi chức năng TW, Sầm Sơn chi viện tâm dịch TP Hồ Chí Minh)


Dr Hải Ngoại

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]