(vhds.baothanhhoa.vn) - Người dân tộc thiểu số rất quý trọng thầy mo vì cho rằng thầy mo là “cầu nối” giữa đấng siêu nhiên và con người. Đa số họ mang trong mình vai trò và trọng trách tự nhiên rất tích cực. Tuy nhiên, cũng có những người có những hạn chế, ít nhiều làm ảnh hưởng đến tôn chỉ của nghề mo.

Thầy mo và những “bảo bối” bất ly thân

Người dân tộc thiểu số rất quý trọng thầy mo vì cho rằng thầy mo là “cầu nối” giữa đấng siêu nhiên và con người. Đa số họ mang trong mình vai trò và trọng trách tự nhiên rất tích cực. Tuy nhiên, cũng có những người có những hạn chế, ít nhiều làm ảnh hưởng đến tôn chỉ của nghề mo.

Thầy mo và những “bảo bối” bất ly thân

Thầy mo Hà Văn Nước giới thiệu bảo bối bất ly thân của mình.

Thầy mo khác thầy bói

Những ngày ở huyện Quan Hóa, tôi được nghe nhiều câu chuyện kỳ bí về rừng, núi, thần linh... Và từ lời giới thiệu của anh Thạch, công tác tại Trạm kiểm lâm Phú Lệ, tôi đã tìm đến nhà thầy mo Hà Văn Nước, 68 tuổi, ở bản Tân Phúc, xã Phú Lệ, cách thị trấn Hồi Xuân chừng hơn 3km.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về công việc của những người được gọi là thầy mo, ông cho biết mình đã hành nghề gần 20 năm.

“Người Thái có hai ngành gọi là “mo một” và “mo môn” (mo mùn). Tôi là mo mùn chuyên lo các việc xem giờ tốt xấu, đặt móng nhà, cưới hỏi, gọi hồn vía, xua đuổi tà ma yểm khiến trẻ con hay khóc…”, ông nói.

Nhiều người cứ nghĩ rằng các thầy mo đều là những người tài giỏi, có đức độ, biết làm nhiều thủ thuật xua đuổi tà ma để chữa bệnh cho mọi người. Ngược lại, cũng không ít người cho rằng, việc làm mo mang tính chất lừa gạt, dối trá, chuyên dùng các loại bùa phép tà thuật để hại người. Chính vì lẽ đó, thầy mo Nước rất vui khi được chia sẻ, hy vọng sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về công việc của những thầy mo. Theo ông, đó chính xác là nghề cúng bái.

“Thực ra hầu hết những người làm mo đều biết ít nhiều bài thuốc Nam được học từ gia đình. Nhưng không phải ai cũng hiểu nghề mo và nghề thuốc là hai nghề khác nhau hoàn toàn. Thấy chúng tôi làm nghề cúng bái có phần huyền bí, rồi lại chữa được bệnh, cứ một đồn mười, mười đồn trăm, rồi từ ấy chúng tôi trở thành những “phù thủy” từ lúc nào không hay”, mo Nước nói.

Tuy nhiên, thầy mo khác với thầy bói, họ chỉ trừ ma, cúng linh hồn, giải trừ tai ách như một liệu pháp về tinh thần giúp con người vượt qua bệnh tật, may rủi, chứ không hành nghề bói toán hay tuyên truyền mê tín dị đoan.

Thầy mo thường được nhờ đi hành lễ khi có “phán” truyền của thầy bói. Một người gặp giấc mơ không lành, ốm đau lâu ngày, đi nằm viện thường mang áo, đôi khi là những lá trầu đến thầy bói nhờ xem giúp. Nếu thầy bói “nhìn” ra một cái hạn, thậm chí là linh hồn đi lạc, bị bắt giam lại bởi một thế lực thần linh nào đó, người nhà phải nhờ đến thầy mo vào cuộc để giải cứu. Như vậy ít nhiều thì những người xem bói và thầy mo cũng có những liên quan.

Những bảo bối trừ tà

Trong cuộc trò chuyện, thầy mo Nước nói nhiều về những bảo vật giúp một thầy mo trở nên bản lĩnh cao cường, có uy tín, được đồng nghiệp và bà con kính trọng. Theo đó, mỗi thầy mo đều có riêng cho mình một chiếc túi phép, nhưng không phải túi nào cũng thiêng và phát huy tác dụng khi đi làm lễ mo cho các gia đình.

Trước khi làm lễ, thầy mo đội chiếc khăn trắng được gọi là “phái chước chạng” (dây trói voi) trên đầu. Khi mang dây này, thầy mo được cho là có sức mạnh trói được voi. Đây còn là trang phục để đấng siêu nhiên nhận biết họ là thầy mo, là người làm cầu nối trong buổi lễ.

Trên mâm cúng luôn có một miếng vải trắng được gọi là “phen hoóng khài”, khăn này để trải vào mâm sau đó đặt các lễ vật lên trên. Mỗi khi ngồi làm lễ, trên tay thầy mo luôn phe phẩy chiếc quạt để xua đuổi người khác lại gần, cũng như xua đuổi tà ma trong buổi làm lễ. Chiếc quạt được làm bằng giấy và nan tre. Trên quạt có những dòng chữ mà chỉ thầy mới biết ý nghĩa. Khi bắt đầu lễ, thầy sẽ quàng chiếc khăn màu đỏ lên cổ. Đây là chiếc khăn được cho là của bà nội thầy mo để lại.

Trong túi còn có nhiều chiếc chén nhỏ mang theo, mỗi chén tượng trưng cho một người thầy truyền nghề của mo và một cái chén riêng của chính thầy mo. Đây là một cách để thầy mo tưởng nhớ mang ơn công lao của các thầy đã dạy dỗ truyền thụ lại cho mình thành mo. Trong túi còn có hai chiếc vòng bạc, hai đồng xu âm dương và sáp ong. Hai chiếc vòng bạc như là lá bùa hộ thân, hai đồng xu âm dương để xin đấng siêu nhiên có đồng ý hay là không đồng ý, còn sáp ong mang theo dùng làm nến thắp trong mâm lễ. Ngoài ra còn có một cây sáo được làm bằng nứa để đuổi tà ma, gọi hồn trở về với thân xác trong các nghi lễ.

Đặc biệt, các thầy còn mang theo cây kiếm gọi là “láp mùn”. Kiếm do thầy truyền nghề truyền lại cho học trò chính của mình qua các đời. Kiếm thầy mo thường được rèn riêng bằng thép và có in hoa văn. Khi hành lễ, thầy mo mặc áo dài đỏ, mũ trùm đen hoặc đỏ. Thầy mo thường xuất hiện trong vai trò như người hùng giải trừ tà ma đang ám vào một gia đình, một cá nhân hay vùng đất nào đó. Trong bài cúng của mình, thầy mo thường cầm kiếm cúng và đôi khi phải “giao chiến” với ma quỷ. Người xem lễ có thể thấy cảnh thầy cúng bất thần tuốt kiếm chém vào không khí sau khi bài cúng kết thúc. Đôi khi là những màn rượt đuổi gay cấn giữa thầy mo và ma quỷ.

Trong khi làm lễ thầy mo như nhập đồng. Theo quan niệm của những người hành nghề thì đó là lúc mo thực sự sống trong thế giới tâm linh.

Đối với thầy mo, đó là những cuộc kịch chiến thực sự, đôi khi là một mất một còn với thế lực siêu nhiên. Để đánh đuổi ma quỷ ban đầu hai bên phải thi gan bằng lời qua tiếng lại, bằng những thứ binh khí đeo bên mình. Gặp phải kẻ “có sừng, có mỏ” mới phải tuốt kiếm. Nếu chạm trán với con ma lớn, một trận quyết đấu xảy ra là điều khó tránh khỏi. Đôi khi kẻ chiến bại lại chính là thầy mo.

Có thể nói, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng thầy mo vẫn là một phần trong đời sống của nhiều người dân vùng cao. Cùng với già làng, trưởng bản, thầy mo có một vị thế quan trọng, được xem như đại diện tiếng nói của quần chúng Nhân dân trong việc ứng xử giữa con người với thần linh, môi trường tự nhiên xung quanh. Họ cũng là người kết nối mang nguyện vọng, tâm tư của người dân đến các thần linh trong mỗi nghi lễ của dân tộc.

Chúng ta lên án những thầy mo mượn danh nghĩa để trục lợi, làm điều mà pháp luật và đạo đức không cho phép, nhưng cũng cần tôn trọng những giá trị văn hóa thông qua tín ngưỡng của đồng bào, trong đó có những ghi thức rất huyền bí mà chưa thể có sự giải mã thỏa đáng ngay được.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]