(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, người dân ở nhiều thôn, bản khu vực miền núi luôn khắc khoải mong chờ được sử dụng điện lưới quốc gia. Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư... nhưng các cấp, các ngành đã luôn nỗ lực để đưa điện về thôn, bản giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Xuân này, Bản ta có điện: Đưa điện về bản

Thời gian qua, người dân ở nhiều thôn, bản khu vực miền núi luôn khắc khoải mong chờ được sử dụng điện lưới quốc gia. Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư... nhưng các cấp, các ngành đã luôn nỗ lực để đưa điện về thôn, bản giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Xuân này, Bản ta có điện: Đưa điện về bảnĐiện về thôn, bản. (Ảnh do Công ty Điện lực Thanh Hóa cung cấp)

Bữa cơm tối của gia đình chị Hờ Thị Sáng ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát) trong căn nhà đất với ngọn đèn leo lét do kéo từ máy phát tua bin nhà hàng xóm, khiến chúng tôi không thể nhìn rõ mặt 2 đứa con chị đang chơi ở phía cửa sổ. Chị còn để sẵn chiếc đèn dầu, phòng khi điện yếu quá. Dùng đèn dầu cũng phải tiết kiệm lắm, vì mỗi lần hết dầu phải đi hơn 40 km mới mua được. Chị Sáng giãi bày: “Không có điện khổ lắm, những ngày nắng nóng đành dùng quạt tay. Tivi không có mà xem. Cả nhà chỉ biết thông tin qua chiếc đài chạy pin. Tối đến già trẻ đều leo lên giường ngủ sớm. Tội nhất là bọn trẻ, kiếm cái chữ cũng khó”.

5 giờ chiều, tiếng gọi trẻ về ăn cơm réo rắt khắp thôn Thung, xã Đồng Lương (Lang Chánh). Đây là thôn 135 và cũng là thôn duy nhất của xã chưa có điện lưới quốc gia. Từ năm 2012, lác đác một vài hộ gia đình đã dùng điện năng lượng mặt trời. Đến năm 2016, 57 hộ dân đã rất vui mừng khi Chính phủ Ấn Độ tài trợ điện năng lượng mặt trời cho cả thôn. Cụ thể, mỗi hộ được tài trợ 1 bình ắc quy 25 kg; 2 tấm pin (tấm nhỏ dùng xạc đèn, tấm to dùng cho bóng điện). Đến nay sau hơn 5 năm sử dụng, về cơ bản các thiết bị đã hỏng, bà con phải tự đầu tư lại. Loại rẻ nhất gồm bình, tấm pin, bóng, dây điện cũng trên 2 triệu đồng. Là 1 trong 2 hộ thoát nghèo, anh Phạm Văn Thành có ngôi nhà to nhất thôn giới thiệu với chúng tôi bộ kích điện, ắc quy anh mới mua hơn 15 triệu đồng. Anh nói: “Từ bữa có bộ mới này, hàng xóm thường sang đây nạp nhờ điện thoại đấy cô ạ. Tốn kém nhưng cũng phải đầu tư”.

Cũng trên địa bàn xã Đồng Lương, chỉ cách trung tâm xã 3 km, nhưng đến cuối năm 2020, thôn Xuốm Chỏng mới có điện. Thôn Xuốm Chỏng được sáp nhập từ thôn Xuốm và thôn Chỏng (riêng thôn Chỏng có điện từ năm 1997). Năm 2020, hơn 80 hộ dân thôn Xuốm cũ được đầu tư hệ thống điện theo vốn vay của Liên minh châu Âu (EU). Theo chị Phạm Thị Cẩm, một hộ dân ở đây cho biết: “Dù nằm gần thị trấn lại thêm trụ sở Điện lực Lang Chánh nằm trên địa bàn nhưng thôn Xuốm lại có điện rất muộn. Trước đây chúng tôi phải dùng điện “chui”, tức là lấy từ thị trấn vào theo mỗi cụm từ 10 - 20 hộ và chia tách vào từng hộ. Đường dây nhỏ lại mắc chung công tơ tổng nên điện yếu. Nhiều gia đình không thể nấu nổi nồi cơm, thắp điện mà vẫn phải dùng thêm đèn dầu mới tạm đủ sáng. Có thời điểm chúng tôi phải trả 3.000 đồng/1 số điện. Ngoài ra, cột điện là những cây luồng, cây thân gỗ chỉ cao quá đầu người, dây điện kéo chằng chịt nhiều đoạn thắt, nối không được bọc kín nên tình trạng đứt dây, chập cháy, cột đổ gãy và mất điện thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa mưa bão”. Từ khi có điện đời sống bà con thay đổi hẳn. Nhiều nhà thêm nghề máy xát, nghề mộc, rồi sắm tivi, tủ lạnh...

Nhằm xóa vùng trắng điện lưới, Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện Dự án cấp điện nông thôn vùng núi giai đoạn 2018 - 2020 sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi do EU tài trợ. Theo đó, tại Quyết định số 415/QĐ-UBND ngày 28-1-2019, UBND tỉnh đã duyệt danh mục đầu tư cho 28 thôn, bản chưa có điện ở 20 xã của 7 huyện, gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân. Quy mô đầu tư với tổng chiều dài đường dây trung thế là 87,3 km; 75,31 km dây hạ thế; 28 trạm biến thế với công suất 1935 kVA. Đến nay đã đóng điện đưa vào sử dụng để cấp điện cho Nhân dân...

Mường Lát là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và có nhiều bản chưa được sử dụng điện lưới lớn nhất trong tỉnh. Hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn 21/88 bản (Trung Lý 8 bản; Quang Chiểu 6 bản và Mường Lý 7 bản), với hơn 1.300 hộ dân, 7.496 nhân khẩu chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Điều này ảnh hưởng nhiều đến công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Theo kết quả rà soát cuối năm 2021, Mường Lát có 56,18% hộ nghèo, tương đương với 4.950 hộ; số hộ cận nghèo là 12,64% (1.104 hộ). Theo kế hoạch, trong năm 2022, huyện sẽ có 7 bản là: Xa Lao (Trung Lý); Pù Đứa, Cúm (Quang Chiểu); Mau, Kít, Chà Lan (Mường Lý) được đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia.

So với số bản chưa có điện thì 7/15 bản có điện ở xã Trung Lý (Mường Lát) cuộc sống người dân khá hơn nhiều. Chia sẻ điều này, ông Ngân Văn Lon, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết: Trong năm 2021, trên địa bàn xã Trung Lý chỉ có cụm trung tâm bản Pá Búa được đóng điện và đến tháng 4-2022, 44 hộ dân còn lại của bản Pá Búa sẽ có điện.

Nói về thực trạng của huyện Lang Chánh, ông Lê Thanh Nghị, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng cho biết: Thực hiện Dự án cấp điện nông thôn vùng núi giai đoạn 2018 - 2020, đến cuối năm 2020, trên địa bàn huyện đã kết thúc và bàn giao 6 công trình ở 5 xã. Ngoài thôn Húng (xã Giao Thiện) đang khảo sát lập dự án để có điện trong năm 2022, Lang Chánh còn thôn Thung (xã Đồng Lương) chưa có điện.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn của người dân ở thôn Thung, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Đồng Lương, cho biết: Thôn Thung chỉ cách trung tâm huyện khoảng 12 km. Xã đã nhiều lần có văn bản trực tiếp kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương sớm đầu tư điện lưới cho bà con. Chưa có điện khiến tiến độ về đích nông thôn mới của xã vào năm 2021 đã bị đẩy lùi.

Với mục tiêu đặt ra hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5% trở lên, Thanh Hóa đang phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn. Để đạt được điều đó, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực miền núi, trong đó có hệ thống điện lưới quốc gia.

Khi những ánh điện sáng lên đồng nghĩa với việc thắp thêm niềm tin về sự đổi thay trong cuộc sống.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]