(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng trong một bản, khoảng cách giữa khu vực có điện và không có điện cũng không hề nhỏ. Bản Pá Búa, xã Trung Lý (Mường Lát) là một ví dụ. Từ 6 tháng trước, khi công trình điện của cụm trung tâm bản Pá Búa bắt đầu thi công, bà con đã hồ hởi tiết kiệm tiền, thậm chí vay mượn để mua sắm các thiết bị điện, chờ ngày được sử dụng.

Xuân này, Bản ta có điện: Tết này bội phần vui hơn

Cùng trong một bản, khoảng cách giữa khu vực có điện và không có điện cũng không hề nhỏ. Bản Pá Búa, xã Trung Lý (Mường Lát) là một ví dụ. Từ 6 tháng trước, khi công trình điện của cụm trung tâm bản Pá Búa bắt đầu thi công, bà con đã hồ hởi tiết kiệm tiền, thậm chí vay mượn để mua sắm các thiết bị điện, chờ ngày được sử dụng.

Xuân này, Bản ta có điện: Tết này bội phần vui hơnTrước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người dân ở 3 thôn, bản: Xà Luốc, xã Văn Nho (Bá Thước); Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) và Pá Búa (cụm trung tâm), xã Trung Lý (Mường Lát) đã có điện.

Bản có 117 hộ. Trưởng bản Pá Búa, ông Sùng A Thể cho biết: “Tối đến chỉ nhìn 2 khu vực trong bản đã khác nhau lắm rồi. Nếu khu trung tâm với 73 hộ dân có điện sáng từ ngày 9-1-2022, trẻ nhỏ vui cười hớn hở tận đêm khuya thì ở khu vực phía trên gồm 44 hộ tối đen như mực. Nay, điện đã về bản. Thay vì ăn đồ khô, các nhà đã mua sắm tủ lạnh, thịt, cá có thể bảo quản được nhiều ngày".

Nhờ có điện, một số hộ dân ở khu trung tâm bản Pá Búa đã mạnh dạn mua các thiết bị điện phục vụ đời sống hàng ngày tại gia đình và phát triển kinh tế. Anh Cứ A Lộng, một người dân trong bản, chia sẻ: “Trước đây, không có điện, gia đình tôi chủ yếu chỉ buôn bán tạp hóa. Có điện, tôi sẽ đầu tư mua máy xay xát gạo để tăng thêm thu nhập”.

Nếu ai đã lên bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) một năm trước sẽ thấu hiểu tại sao bản này lại biệt lập với thế giới bên ngoài. Không điện, không sóng truyền hình,... Người dân chủ yếu tự cung, tự cấp. Dù có trồng một số loại nông sản như ngô, sắn, hay cây lấy gỗ, nhưng giao thông khó khăn nên rất khó bán. Học sinh ngại đến trường cũng vì đường đi quá vất vả. Ngày 17-12-2021, bản Mùa Xuân đã có điện.

Theo chia sẻ của anh Sung Văn Cấu, Trưởng ban Công tác mặt trận, kiêm Công an viên bản Mùa Xuân: "Bản hiện có 116 hộ dân với 556 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bản đã có đường nội thôn rộng 3m và hiện đang thi công đường từ khu trung tâm ra khu tái định cư. Không điện, giao thông đi lại khó khăn là nguyên nhân chính khiến bà con nghèo cứ hoàn nghèo. Bây giờ đã có điện lưới quốc gia, chắc chắn bà con sẽ có cơ hội để vươn lên thoát nghèo”.

Là một trong số ít hộ có điều kiện trong bản Mùa Xuân, anh Thao Văn Công (sinh năm 1983), chia sẻ: “Không riêng gì tôi, tết năm nay, nhiều hộ đồng bào Mông đã có nồi cơm điện. Có đường, rồi có điện chắc chắn bà con chúng tôi sẽ có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán và tư duy sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi”. Còn anh Thao Lâu Bó (sinh năm 1972) chủ hộ gia đình gồm 10 nhân khẩu với 4 thế hệ, cho biết: “Gia đình đông người, lại có 2 cháu nhỏ dưới 5 tuổi. Mới có điện được hơn một tháng thôi mà cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi nhiều. Tôi mới mua được chiếc nồi cơm điện. Sang năm, cố gắng mua tủ lạnh và tivi”.

Đến hết năm 2020, cụm dân cư Pi Xó, thôn Xà Luốc (xã Văn Nho) cùng với thôn Bá, Kịt, Cao Hoong (xã Lũng Cao), Eo Điếu (xã Cổ Lũng) là 5 thôn, bản cụm dân cư thuộc diện Chương trình 135 chưa có điện ở huyện Bá Thước. Ngày 17-12-2021, sau hơn 5 tháng thi công, công trình lưới điện cấp cho cụm dân cư Pi Xó đã hoàn thành. Cụm dân cư này nằm cách trung tâm thôn Xà Luốc hơn 4 km và cách trung tâm xã Văn Nho 9 km. "Đến nay, chỉ còn khoảng 30% số hộ chưa có tủ lạnh. Đây là tín hiệu tích cực về sự đổi thay trong cuộc sống người dân”, anh Hà Đình Mùi, Trưởng cụm dân cư Pi Xó, cho biết.

Vẫn biết, cuộc sống của người dân thôn Xà Luốc còn thiếu thốn nhiều bề. Thương nhất là lũ trẻ, vì đường sá khó khăn, nên phải thức dậy đi học từ lúc hơn 4 giờ sáng, trong khi nhiều gia đình thuộc diện khó khăn, không có xe máy đưa các cháu đến trường. “Nếu không có dự án cấp điện nông thôn được đầu tư hơn 8 tỷ đồng với chiều dài 5 km đường dây, 1 trạm biến áp và lắp đặt công tơ, bảng điện, bóng điện đến từng hộ gia đình, thật sự không biết bao lâu nữa người dân cụm dân cư Pi Xó mới hết khó khăn", ông Lương Văn Thêm, Trưởng thôn Xà Luốc, cho biết.

Không có điện, khiến các thôn, bản giữ mãi tỷ lệ 100% hộ nghèo. Nói như ông Lương Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Văn Nho: “Điện lưới về cụm dân cư Pi Xó sẽ góp phần cùng xã Văn Nho hoàn thành tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới. Có nguồn điện lưới quốc gia ổn định sẽ là điều kiện quan trọng để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nhiều người dân trong cụm dân cư đã bắt đầu có những hướng đi mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời có điều kiện tiếp cận thông tin về khoa học, kỹ thuật”...

Bài và ảnh: CHI BẢO



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]