Duối chín bờ ao
Cây duối mọc hoang dại, quả chỉ bằng cúc áo nhỏ, khi chín thì vàng rực, vị hình như cũng chỉ nhàn nhạt ấy thế mà lại có sức hấp dẫn kỳ lạ với đám trẻ con một thuở còn thiếu ăn, thiếu mặc chúng tôi.
(Ảnh minh hoạ)
Hôm rồi, ghé nhà bà cụ Lại ở cuối xóm mới bất chợt phát hiện ra ở góc vườn nhà bà vẫn còn cây duối to đang cho những quả vàng chín mọng. Hỏi cụ Lại mới biết, cây duối ấy, tuổi đời cũng đã đến nửa thế kỷ. Bà cụ bảo, ngày trước ở làng mình duối dại mọc đầy hai bên đường, nhưng giờ nào có còn. Nghe người ta nói, bây giờ nhiều nhà lại tìm cây duối nhỏ để trồng trong chậu làm cảnh... Một thuở người ta thi nhau chặt hết từ chè mạn đến duối, giờ thì chính những thứ cây hoang dại ấy lại được coi trọng, đúng là thời thế - thế thời... Vừa nói, bà cụ vừa lần tay lấy lá trầu trên bàn, phết thêm tí vôi, cùng miếng cau tươi đưa lên miệng nhai bõm bẽm.
Quê tôi - một làng quê thuần nông yên ả, cái sự yên ả đúng nghĩa có lẽ cũng phải cách đây đến hơn 2 thập kỷ về trước. Tôi nhớ ngày ấy, ít nhà xây tường rào gạch lắm. Thay vào đó, hầu như nhà nào cũng có bờ rào là đám mây gai chằng chịt, xen lẫn với cây chè mạn. Nhà tôi cũng vậy, nhìn thì đơn giản nhưng đám dây mây gai cũng “được việc” lắm, không chỉ chống kẻ trộm chui rào, thi thoảng, bố tôi lại ra vườn tìm những nhánh mây đã già, bóc lớp gai bên ngoài để lấy lõi bên trong, sau đó chẻ lấy “cật” mây, vót mỏng, phơi cho khô để buộc rá rổ, dần, sàng... cực kì chắc chắn. Còn ngọn mây thì khỏi phải nói, cứ gác ở dưới hẻm bên ngoài hè, trẻ con đứa nào không sợ roi mây chứ, quất vào mông thì đau điếng vô cùng.
Còn với những gia đình có ao trước nhà, kiểu gì cũng có vài cây duối dại mọc san sát, sà bóng mát. Cái giống duối dại kể cùng kì lạ, những cây mọc bờ ao thường rất tươi tốt, thân cây dẻo như uốn. Chẳng thế mà, đám trẻ con đứa nào cũng thích đứng trên ngọn duối nghiêng mình bên bờ ao nhún nhảy đầy thích thú. Nhưng đứa nào chẳng may bị bố mẹ “bắt gặp”, kiểu gì về nhà cũng xoắn đít với vài roi mây. Đau là thế nhưng chẳng hiểu sao những bụi duối dại mọc bờ ao vẫn cứ hấp dẫn đám trẻ con trong những ngày nghỉ hè đến thế?!
Nói đến cây duối dại, tôi lại nhớ, không chỉ bị bị cấm ra bờ ao trèo lên cây duối chơi mà bố mẹ còn không cho chị em tôi ăn quả duối chín. Mẹ thường bảo, quả duối chín có mùi thơm, sẽ bị rắn độc “phun” nên ăn vào sẽ nguy hiểm.
Đến bây giờ, tôi cũng chẳng biết liệu có thật sự những quả duối khi chín sẽ bị rắn “phun” nọc độc không nữa. Nhưng thú thật, những trưa hè lang thang cùng đám bạn trong xóm đi bắt chuồn chuồn, thấy những quả duối chín vàng mọng, thật sự hấp dẫn. Vậy là chị em tôi lại quên hết lời dặn của người lớn, cùng bọn thằng Tí, thằng Bờm, con Tẹt thi nhau hái cho đầy túi áo, túi quần. Ngày ấy, không nhớ đã ăn bao nhiêu duối chín. Nhưng cũng là điều kỳ lạ, ăn nhiều là thế nhưng đến giờ, tôi lại chẳng thể nhớ được mùi vị duối chín như thế nào?!
Chúng tôi lớn lên, làng quê cũng dần đổi thay. Những bờ rào gai mây, chè mạn dần biến mất, nhà nào cũng kín cổng, cao tường. Rồi đến những ao nhà, ao làng cũng bị người ta lấp đi để thành vườn, thành đất ở. Dĩ nhiên, những cây duối cũng theo đó mà không còn. Nhưng dường như, chẳng ai bận tâm đến sự biến mất của những thứ cây hoang dại mọc bờ rào ấy cả. Tôi cũng vậy, tôi chẳng nhớ đã bao lâu rồi mình không còn bắt gặp những cây duối chín vàng mọng ven đường. Cho đến hôm nay, nếu chẳng ghé thăm nhà bà cụ Lại, phải chăng tôi cũng chẳng mảy may nhớ - quên sự hiện hữu của loài cây hoang dại gắn bó với mình một quãng tuổi thơ.
Và tôi, bất chợt nhớ đến một câu văn, đã từng đọc được ở đâu đó, đại ý: Chúng ta thường vô tâm, mơ hồ với những điều bình dị ở ngay bên mình!.
Minh Chi
{name} - {time}
-
2024-11-20 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Cô giáo của tuổi thơ
-
2024-11-16 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Lớp học của tình yêu thương
-
2024-07-14 09:31:00
Kỳ nghỉ hè của Tý
Về nhà với bố
52 tác phẩm tham gia cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Thiệu Hóa”
Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới là xây dựng “đại lộ” trong tinh thần, tư tưởng
Nóng - lạnh đời người
Bài học từ câu chuyện khởi nghiệp của những gã khổng lồ công nghệ
Văn học nghệ thuật Thanh Hóa - 50 năm đồng hành cùng quê hương, đất nước
“Gửi lại thời gian”- Hạt tinh thần óng ánh của nhà thơ Võ Quyết
Hè này về đi bắt cua đồng nhé!
Mùi của tuổi thơ