(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những ngôi nhà tránh lũ theo Quyết định 716/QĐ-TTg tại 2 huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành và nay là Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung trên phạm vi toàn tỉnh đã, đang là những giải pháp hữu hiệu trong mùa mưa lũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp nhà ở cho các hộ dân trong vùng lũ

(VH&ĐS) Những ngôi nhà tránh lũ theo Quyết định 716/QĐ-TTg tại 2 huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành và nay là Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung trên phạm vi toàn tỉnh đã, đang là những giải pháp hữu hiệu trong mùa mưa lũ.

Nhà chòi vùng rốn lũ

Ngày đầu tháng 8, theo dòng sông Bưởi tôi ghé lại xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc), nơi từng phải gánh chịu hậu quả nặng nề sau trận lũ lịch sử năm 2007. Tại công sở, ông Trịnh Đức Đông - Chủ tịch UBND xã hồ hởi khoe: “Sau 10 năm gánh chịu cơn lũ dữ, đến nay nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các cấp ngành chức năng cũng như sự quan tâm của Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa, nỗi lo vùng ngập lũ đã cơ bản được khắc phục”.

Nếu như trận lũ lịch sử năm 2007 nhấn chìm 10 xã vùng ngoài đê sông Bưởi, thì nay nhờ tuyến đê sông Bưởi mới khánh thành, đã đưa được 7 thôn của xã vào vùng trong đê. Đối với 3 thôn còn lại, những năm qua nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH chi nhánh Thanh Hóa cũng như các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ khác theo Quyết định 716 và nay là Quyết định số 48 đã cơ bản giải quyết được nỗi lo nhà ở cho các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Vĩnh Hưng.

Trực tiếp dẫn chúng tôi ghé thăm căn nhà chòi tránh lũ của hộ gia đình bà Phạm Thị Thu (58 tuổi, thôn Bưởi), ông Đông thông tin: “Đây là hộ nghèo năm 2015 của thôn, xã. Sau khi vay số tiền 15 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH và nguồn hỗ trợ khác theo Quyết định số 48 đến nay, gia đình bà Thu đã thoát nghèo, có kinh tế, thu nhập ổn định”.

Đứng trước căn nhà khang trang với trị giá 130 triệu đồng được xây dựng, bà Thu phấn khởi: “Thôn Bưởi với 80 hộ dân nằm cận kề sông Bưởi. Hằng năm, cứ đến mùa mưa lũ gia đình và các hộ dân trong thôn lại nơm nớp lo sợ. Không lo sao được khi chỉ một trận mưa chỉ cần kéo dài mươi mười lăm phút là nước sông dâng lên sâm sấp nền nhà. Nếu như không có sự vận động của cấp chính quyền thôn, xã. Không có nguồn vốn hỗ trợ vay từ Ngân hàng CSXH và các nguồn hỗ trợ, vay mượn họ hàng thân thích khác thì không biết bao giờ gia đình mới hết lo lũ dữ!”

Cũng kể từ khi có nhà mới, bà Thu cho biết: “Hễ nước con sông Bưởi dâng lên là mọi đồ đạc, thóc lúa của gia đình được di chuyển lên tầng 2 của căn nhà. Không còn nỗi lo mùa lũ, công việc làm ăn nông nghiệp thuận lợi; con cái đi làm thêm ở công ty may trên địa bàn huyện,… những nguồn thu nhập ổn định đó đã giúp gia đình từ hộ nghèo truyền thống vươn lên thoát được nghèo”.

Hộ gia đình bà Phạm Thị Thu thôn Bưởi, xã Vĩnh Hưng không còn lo lắng mỗi khi mùa lũ tới.

Không chỉ gia đình bà Thu, toàn xã Vĩnh Hưng số hộ thụ hưởng theo Quyết định 716 là 50 hộ (trong đó: Vốn Ngân sách Trung ương là 500 triệu đồng; vốn vay Ngân hàng CSXH là 500 triệu đồng; vốn địa phương huy động là 2 tỷ đồng). Vốn hỗ trợ theo Quyết định số 48, đợt 1 là 24 hộ (Nguồn vốn Ngân sách Trung ương 354 triệu đồng, vốn vay Ngân hàng CSXH là 345 triệu đồng; vốn hỗ trợ MTTQ huyện là 42 triệu đồng; vốn huy động khác 1,440 triệu đồng); đợt 2 là 9 hộ; đợt 3 là 3 hộ…

Nhân rộng mô hình

Theo Quyết định số 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Nằm trong chương trình thí điểm, Thanh Hóa có 100 hộ nghèo chưa có nhà ở ổn định thuộc 3 xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc), Thành Trực và Thạch Định (huyện Thạch Thành), được hỗ trợ xây dựng chòi tránh lũ. Đây là 3 xã thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ lụt từ con sông Bưởi. Sau khi hoàn thành, chòi tránh lũ đã giúp người dân chủ động trong việc phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, để giải quyết được hết nhu cầu nhà ở tại 3 xã cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh nhu cầu là rất lớn.

Để từng bước giải quyết nỗi lo nhà ở vùng ngập lũ, Quyết định số 48 của Chính phủ ra đời đã từng bước giải quyết được nhu cầu bức thiết trên. Là 1 trong những nguồn vốn vay ưu đãi thiết thực, bà Phạm Thị Thương - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Lộc cho biết: Hiện, Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Lộc đã và đang triển khai hiệu quả vốn vay ưu đãi theo Quyết định 48 tại 12 xã chịu ảnh hưởng từ 2 hệ thống sông (sông Mã và sông Bưởi) trên địa bàn huyện gồm: Xã Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Long, Vĩnh Hưng, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hùng, Vĩnh Tân, Vĩnh Thịnh, Vĩnh An. Tổng dư nợ 2.640 triệu đồng.

Cũng theo bà Thương: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Quyết định số 48 là một trong những giải pháp kịp thời sau khi thí điểm thành công Quyết định số 716. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyết định vẫn còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của các cấp chính quyền, các cấp ngành chức năng. Ví như, nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH tối đa cho mỗi hộ là 15 triệu đồng, nếu như không có những nguồn vốn huy động hỗ trợ khác từ chính quyền địa phương, các cấp ngành đoàn thể, các đơn vị doanh nghiệp tài trợ thêm thì khả năng vay vốn để xây dựng đối với các hộ nghèo, hộ gia đình già cả neo đơn, hộ khó thoát nghèo… vùng lũ là hết sức khó khăn. Thực tế, đã có nhiều hộ đăng ký vay mượn nhưng sau đó đã hủy đăng ký vì không đủ khả năng vay mượn thêm để xây dựng!?

Tính đến nay, tổng dư nợ toàn tỉnh theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg là 16.623 triệu đồng, với 1.109 hộ còn dư nợ.

Sơn Hạnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]