(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thạch Lập là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, giao thông đi lại không thuận tiện, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, hành trình tìm con chữ của con em học sinh nơi đây cũng đầy gian nan, vất vả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gian nan sự học ở Thạch Lập

(VH&ĐS) Thạch Lập là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, giao thông đi lại không thuận tiện, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, hành trình tìm con chữ của con em học sinh nơi đây cũng đầy gian nan, vất vả.

Để có được con chữ, từ nhiều năm nay, các em học sinh từng ngày phải vượt qua cung đường nhiều cây số, băng khe suối, đường đất lầy lội đầy nguy hiểm để đến trường, có những em nhà cách trường hơn 8km. Cũng vì đường đi xa xôi và khó khăn nên thường phải thức dậy từ rất sớm để đến lớp đúng giờ. Vào những ngày mưa gió, đường đi lại trơn trượt, nước suối dâng cao nhiều em đành phải nghỉ học.

Trước thực trạng này, huyện Ngọc Lặc đã đầu tư xây dựng khu nhà bán trú, với 9 phòng ở cho Trường THCS Thạch Lập để giảm việc đi lại vất vả cho học sinh. Thầy giáo Bùi Văn Nhàn - Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Lập cho biết: Được sự quan tâm của Nhà nước, nhà trường xây dựng được khu bán trú cho học sinh ở lại sinh hoạt, học tập. Nói là xây dựng nhà bán trú cho học sinh nhưng các em học sinh của trường ở lại cả tuần để học và ngày nghỉ mới về với gia đình. Việc ở lại của các em học sinh khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Bởi lẽ, Trường THCS Thạch Lập không phải là trường nội trú nên không được bố trí nhân viên quản sinh. Lo lắng cho sự an toàn của các em học sinh nhà trường phải thuê bảo vệ trực 24/24 và cắt cử giáo viên ở lại quản lý, đôn đốc các em học hành đúng giờ.

Dù khu nhà bán trú có thể giảm đi phần nào sự vất vả của các em học sinh, nhưng sự thiếu thốn thì vẫn trăm bề. Hơn 70 em, chỉ có 2 phòng tắm, 2 phòng vệ sinh rất bất tiện cho việc sinh hoạt.

Việc ở lại nội trú, hay thuê trọ để ở lại học tập đối với học sinh cấp 2, cấp 3 khá phổ biến ở nhiều huyện miền núi nhưng ở Thạch Lập học sinh tiểu học vẫn ở trọ lại nhà dân để kiếm “con chữ” khiến mọi người không khỏi lo lắng, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Thầy Nguyễn Văn Huynh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Lập 2 cho biết: Lứa tuổi học sinh tiểu học rất cần sự quan tâm, chăm sóc của gia đình nhưng một số học sinh của nhà trường vì đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa bão chỉ cần một trận mưa to nước suối dâng cao các em phải nghỉ học nên các gia đình ở xa đành gửi gắm con mình ở nhà dân gần trường, cuối tuần mới đến rước các cháu về. Hiện tại nhà trường có 26 em học sinh ở trọ để tiện cho việc học tập”.

Những bữa cơm đạm bạc của học sinh Trường THCS Thạch Lập (Ngọc Lặc) liệu có đủ dinh dưỡng phát triển thể chất?

Em Phạm Quốc Việt, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Thạch Lập 2 tâm sự: Đi học xa nhà cháu nhớ bố mẹ và em lắm nhưng đi học được cô giáo nói về nhiều việc làm, em thích được như các thầy, cô giáo của em, sau này em muốn làm thầy giáo để dạy các em nhỏ”.

Trao đổi với chúng tôi ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Thạch Lập cho biết: Giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn phải đi qua suối mới đến được trung tâm xã, mùa mưa bão nước suối dâng cao khiến cho việc giao thương gặp nhiều khó khăn, điển hình như cơn bão số 6 vừa qua mưa lớn khiến nhiều thôn bị cô lập trong nhiều ngày. Cũng vì giao thông không thuận lợi khiến học sinh đi tìm con chữ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, cán bộ, nhân dân mong muốn sớm hoàn thành tuyến đường Thúy Sơn nối với Điền Thượng, Điền Hạ của huyện Bá Thước để cuộc sống người dân đỡ vất vả và các cháu học sinh sẽ được cha mẹ đưa đón, không còn cái cảnh đi ở trọ, ở nhờ. Đặc biệt hơn là các cháu được sống trong tình thương, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ.

Chia tay bản nghèo của Thạch Lập khi hoàng hôn đang dần buông xuống, khói bếp bắt đầu tỏa lên trên các mái nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc, dẫu biết rằng hành trình tìm con chữ còn nhiều chông gai, trắc trở nhưng chúng tôi tin vào một ngày không xa, với sự quan tâm của Nhà nước, Thạch Lập sẽ sớm đổi thay và sẽ không còn cảnh học sinh tiểu học phải ở trọ, ở nhờ.

Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]