(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, các trường học trong tỉnh đã tích cực triển khai việc giáo dục giá trị văn hóa, truyền thống cho các em học sinh thông qua việc lồng ghép vào các môn học, hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Từ đó, giúp các em hiểu hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và bồi đắp, khơi dậy lòng tự hào của các em đối với di sản văn hóa mà cha ông để lại.

Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh qua lễ hội

Những năm qua, các trường học trong tỉnh đã tích cực triển khai việc giáo dục giá trị văn hóa, truyền thống cho các em học sinh thông qua việc lồng ghép vào các môn học, hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Từ đó, giúp các em hiểu hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và bồi đắp, khơi dậy lòng tự hào của các em đối với di sản văn hóa mà cha ông để lại.

Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh qua lễ hộiTrường Tiểu học và THCS Newton TH (TP Thanh Hóa) đưa học sinh đến tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), trước dịp tổ chức lễ hội đền Bà Triệu năm 2024.

Bà Bùi Thị Vĩnh, trợ lý ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Newton TH (TP Thanh Hóa), chia sẻ: "Để bồi đắp tình yêu di sản văn hóa và tạo môi trường lý tưởng giúp học sinh chủ động tìm hiểu, khám phá, nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục học sinh từ các lễ hội truyền thống. Việc này được triển khai bằng nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt như: lựa chọn giới thiệu về truyền thống văn hóa, lễ hội tiêu biểu vào trong chương trình học, thông qua việc đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy từ dạy tích hợp, liên môn, hoặc lồng ghép nội dung chương trình với các hoạt động ngoại khóa. Vào các dịp trước khi tổ chức một số lễ hội lớn trong tỉnh như, lễ hội đền Bà Triệu (Hậu Lộc), lễ hội đền thờ Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh (Thọ Xuân)... nhà trường đều phối hợp với các ban quản lý di tích, chính quyền địa phương cho các em đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về nguồn gốc cũng như cách thức tổ chức lễ hội. Đây chính là cách “vừa học, vừa chơi” giúp các em thêm yêu, tự hào về di sản quê hương, từ đó tham gia trực tiếp vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị đó trong cuộc sống. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên trong trường đã chủ động, linh hoạt trong việc thiết kế các phương pháp giảng dạy học sinh về truyền thống văn hóa, lịch sử từ các lễ hội một cách phong phú và sinh động. Chúng tôi chủ động sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa về các di sản, lễ hội có liên quan đến bài học để phục vụ cho tổ chức các hoạt động của học sinh nhằm hỗ trợ hoạt động tìm tòi, khám phá của các em".

Mỗi lễ hội ở xứ Thanh đều chứa đựng những vẻ đẹp riêng của cộng đồng dân cư, kết tinh lại thành bức tranh văn hóa, tín ngưỡng sinh động, đa màu sắc về cuộc sống của con người. Hệ thống lễ hội cũng chính là kho tàng lịch sử vô giá từ thời dựng nước, mở cõi mà ông cha ta để lại cho muôn đời sau. Bởi vậy, việc giảng dạy nguồn gốc và giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp các em hiểu biết hơn về bản sắc văn hóa xứ Thanh. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng mà ngành giáo dục huyện Yên Định đang tích cực triển khai. Các trường học trên địa bàn huyện luôn bám sát sự kiện văn hóa, lịch sử, hay các dịp tổ chức lễ hội của địa phương để giảng dạy cho học sinh trong các giờ học Lịch sử, Ngữ Văn... Cùng với đó, việc đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại các di tích vào dịp lễ hội cũng được các nhà trường trong huyện thực hiện thường xuyên. Nhiều trường học còn đăng ký cho học sinh đảm nhận việc dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các di tích lịch sử - văn hóa... Thông qua những cách làm đó, góp phần hình thành và phát triển ở học sinh sự hứng thú tìm hiểu và thêm yêu, trân trọng các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương. Từ đó, để các em thấy được rằng mình phải có trách nhiệm hơn trong phấn đấu học tập, lao động và gìn giữ, phát huy hơn nữa truyền thống của quê hương.

Nói về việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các lễ hội truyền thống, ông Trương Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, phụ trách quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), chia sẻ: "Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta không chỉ được lưu lại trong sử sách, mà còn hiện diện trên từng mảnh đất, gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội. Đây chính là nguồn tư liệu phong phú có ý nghĩa nhiều mặt, nếu được phát huy tốt sẽ đóng góp quan trọng trong việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học của các nhà trường. Thực tế, trong những năm qua, mỗi dịp tổ chức lễ hội đền Bà Triệu thì có rất đông các trường học trong tỉnh đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Để hỗ trợ hoạt động tìm tòi, khám phá của học sinh, Ban Quản lý Khu di tích cũng đã chú trọng đến việc tạo cảnh quan, không gian xanh, hấp dẫn các em. Đồng thời, bố trí đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp để truyền tải một cách sinh động, hấp dẫn về giá trị của khu di tích và nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội cũng như nhân vật được thờ phụng".

Thanh Hóa có một kho tàng lễ hội phong phú và đặc sắc, bởi vậy việc khai thác giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội vào chương trình giáo dục cho học sinh không chỉ góp phần quảng bá các giá trị văn hóa - lịch sử, các lễ hội đặc sắc của xứ Thanh mà còn là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần triển khai và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]