(vhds.baothanhhoa.vn) - Hè đến, tai nạn đuối nước trẻ em lại trở thành nỗi ám ảnh với nhiều gia đình. Những vụ việc thương tâm xảy ra, không chỉ để lại mất mát về người mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự thiếu sót trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Để giảm thiểu tình trạng trên, giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước đã trở thành “chìa khóa” quan trọng giúp bảo vệ các em trước nguy cơ rình rập.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ - “chìa khóa” ngăn ngừa đuối nước

Hè đến, tai nạn đuối nước trẻ em lại trở thành nỗi ám ảnh với nhiều gia đình. Những vụ việc thương tâm xảy ra, không chỉ để lại mất mát về người mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự thiếu sót trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Để giảm thiểu tình trạng trên, giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước đã trở thành “chìa khóa” quan trọng giúp bảo vệ các em trước nguy cơ rình rập.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ - “chìa khóa” ngăn ngừa đuối nước

Giải bơi thanh thiếu nhi TP Sầm Sơn thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Khoảng cuối tháng 2/2025, hai học sinh lớp 6, Trường THCS Xuân Tín là Đ.V.Q. và T.V.Q.T. đã thiệt mạng do đuối nước trên sông Chu. Khi một em bị ngã xuống nước, em còn lại đã cố gắng cứu bạn nhưng cả hai đều bị dòng nước cuốn trôi. Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm trong điều kiện khắc nghiệt và sau 1 ngày, thi thể hai em mới được tìm thấy.

Tương tự, chiều 27/3, hai học sinh L.Đ.C. (sinh năm 2013) và N.V.H. (sinh năm 2012) tại xã Nông Trường (Triệu Sơn) đã tử vong khi đi tắm sông Mã. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ đã được huy động, phối hợp tìm kiếm suốt đêm. Cuối cùng, thi thể hai học sinh được tìm thấy trên sông Mã, đánh dấu thêm một vụ đuối nước đau lòng.

Mới đây, vào chiều 12/4, tại xã Vân Sơn (Triệu Sơn), một vụ đuối nước đã xảy ra khiến hai học sinh tử vong. Theo thông tin từ UBND xã, nhóm học sinh lớp 10 đã đến khu vực mỏ quặng Cromit để đá bóng và sau đó xuống tắm tại hồ nước gần đó. Trong lúc vui đùa, hai em không may bị đuối nước. Dù lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm, thi thể hai em chỉ được tìm thấy sau nhiều giờ nỗ lực.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ tai nạn đuối nước, khiến 40 trẻ em tử vong. Nguyên nhân chính được xác định xuất phát từ sự chủ quan của trẻ và sự thiếu giám sát từ phía gia đình, nhà trường. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em; nhiều nơi chưa có biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, các chương trình hướng dẫn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cho trẻ em còn hạn chế. Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên như sông suối, ao hồ tại các địa phương là môi trường tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Đặc biệt vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, trẻ em thường tự phát tổ chức vui chơi, bơi lội tại những nơi không an toàn, thiếu người giám sát.

Để trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai các lớp học bơi và hướng dẫn kỹ năng cứu hộ trong mùa hè. Tại Trung tâm hoạt động và bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi Thanh Hóa, vào mỗi buổi sáng mùa hè, hàng chục học sinh từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Sầm Sơn háo hức tham gia lớp học bơi. Dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên giàu kinh nghiệm, các em được học từ những kỹ thuật cơ bản như thở dưới nước, nổi người, đạp chân đến các động tác bơi đúng kỹ thuật như bơi sải, bơi ếch. Bên cạnh đó, các em còn được dạy cách xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm, biết cách kêu cứu và hỗ trợ người bị đuối nước an toàn. Em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 5, Trường THCS Trung Sơn hào hứng chia sẻ: “Trước đây, em rất sợ nước, nhưng sau khi tham gia lớp học bơi, em đã biết bơi và không còn sợ nữa. Em còn được dạy kỹ năng cứu bạn nếu không may bị đuối nước”.

Không chỉ là kỹ năng bơi, lớp học còn giúp trẻ nâng cao ý thức an toàn, nhận biết các khu vực nguy hiểm không nên tắm hoặc bơi lội. Phụ huynh cũng rất an tâm khi gửi con em đến tham gia lớp học bơi trong những ngày hè. Chị Lê Thị Lan, một phụ huynh tại TP Thanh Hóa, bày tỏ: “Tôi rất yên tâm khi cho con học bơi vì có thầy cô hướng dẫn và giám sát chặt chẽ. Con tôi không chỉ biết bơi mà còn học được cách tự bảo vệ mình”.

Bên cạnh các lớp học bơi tại trung tâm, nhằm chủ động ngăn ngừa tai nạn đuối nước trẻ em, đặc biệt là trong mùa hè và mùa mưa bão sắp tới, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đảm bảo an toàn cho trẻ em trên địa bàn. Trước hết, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng ngừa đuối nước cho trẻ em. Các hoạt động này không chỉ dừng lại ở việc phổ biến kiến thức lý thuyết mà còn chú trọng đến việc thực hành như tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập kỹ năng cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, các video, bài viết hướng dẫn phòng, chống đuối nước được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ - “chìa khóa” ngăn ngừa đuối nước

Tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho đoàn viên, học sinh tại TP Sầm Sơn.

Tại các địa phương, công an xã, phường, thị trấn đã chủ động rà soát, khảo sát các khu vực có nguy cơ đuối nước như ao, hồ, sông, suối, từ đó cắm biển cảnh báo nguy hiểm và xây dựng bản đồ cảnh báo các điểm dễ xảy ra tai nạn. Các tuyến đường gần khu vực sông nước, ao hồ cũng được tổ chức tuần tra thường xuyên, đảm bảo trẻ em không tự ý vui chơi, tắm tại những nơi này.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng tích cực phối hợp với các trường học, tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng sống, dạy bơi cho trẻ em. Đối với lực lượng công an cơ sở, việc huấn luyện kỹ năng cứu hộ, sơ cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước được đặc biệt chú trọng, đảm bảo sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Các hộ gia đình có trẻ em được phát khuyến cáo, ký cam kết phòng, chống đuối nước, nhằm nâng cao trách nhiệm của phụ huynh trong việc giám sát, bảo vệ con em.

Đuối nước ở trẻ em là một thực trạng đáng báo động, để lại những nỗi đau khó nguôi ngoai cho nhiều gia đình. Để giảm thiểu tai nạn này, không chỉ cần nỗ lực từ phía nhà trường, cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự quan tâm, giám sát sát sao từ gia đình. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống đuối nước, chính là “chìa khóa” quan trọng giúp bảo vệ các em, ngăn ngừa những mất mát không đáng có.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]