(vhds.baothanhhoa.vn) - Học đại học hay học nghề? Sự lựa chọn đúng, phù hợp sẽ là “dẫn lối” đến thành công. Ngược lại, những sai lầm trong chọn ngành, nghề học tập sẽ không chỉ lãng phí tiền bạc, thời gian mà cả sự nuối tiếc sau này. Để bạn trẻ có những sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, công tác giáo dục hướng nghiệp, tư vấn việc làm là yếu tố quan trọng. Xung quanh vấn đề giáo dục hướng nghiệp và tư vấn việc làm cho bạn trẻ, phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông, bà: Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và xã hội); Chu Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng tổ chuyên môn Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp Thanh Hóa.

Bạn trẻ và “bước ngoặt” cuộc đời: Lựa chọn nghề nghiệp - làm chủ cuộc đời

Học đại học hay học nghề? Sự lựa chọn đúng, phù hợp sẽ là “dẫn lối” đến thành công. Ngược lại, những sai lầm trong chọn ngành, nghề học tập sẽ không chỉ lãng phí tiền bạc, thời gian mà cả sự nuối tiếc sau này. Để bạn trẻ có những sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, công tác giáo dục hướng nghiệp, tư vấn việc làm là yếu tố quan trọng. Xung quanh vấn đề giáo dục hướng nghiệp và tư vấn việc làm cho bạn trẻ, phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông, bà: Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và xã hội); Chu Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng tổ chuyên môn Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp Thanh Hóa.

Bạn trẻ và “bước ngoặt” cuộc đời: Lựa chọn nghề nghiệp - làm chủ cuộc đời

Bà Bùi Thị Thanh: Giáo dục hướng nghiệp giữ vai trò quan trọng

Bạn trẻ và “bước ngoặt” cuộc đời: Lựa chọn nghề nghiệp - làm chủ cuộc đời

PV: Xin bà cho biết, hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường học hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Bà Bùi Thị Thanh: Giáo dục hướng nghiệp nằm trong chương trình học bắt buộc của học sinh THPT. Theo quy định, mỗi năm các em sẽ có 9 tiết học về giáo dục hướng nghiệp, thường sẽ là những buổi học tập trung toàn khối. Tuy nhiên, việc giáo dục hướng nghiệp không chỉ cố định trong 9 tiết học mà còn được giáo viên bộ môn lồng ghép thông qua chương trình dạy học.

PV: Theo bà, giáo dục hướng nghiệp có vai trò thế nào trong định hướng lựa chọn ngành, nghề của học sinh sau tốt nghiệp THPT?

Bà Bùi Thị Thanh: Hiện nay, giáo dục hướng nghiệp đang được quy định 9 tiết/năm học. Nhưng trong chương trình mới, giáo dục hướng nghiệp được điều chỉnh 30 tiết/năm học. Điều này cho thấy giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường giữ vai trò quan trọng. Không chỉ học các kiến thức về văn hóa, giáo dục hướng nghiệp sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức về nghề nghiệp, giúp các em hiểu rõ sở thích- khả năng bản thân, hiểu rồi thì sẽ có định hướng lựa chọn nghề nghiệp chính xác hơn.

Bà Chu Thị Hồng Hạnh: Cần giúp bạn trẻ có sự lựa chọn nghề phù hợp

Bạn trẻ và “bước ngoặt” cuộc đời: Lựa chọn nghề nghiệp - làm chủ cuộc đời

PV: Là người có gần 15 năm gắn bó với công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, bà nhìn nhận về vấn đề giáo dục hướng nghiệp hiện nay như thế nào, thưa bà Chu Thị Hồng Hạnh?

Bà Chu Thị Hồng Hạnh: Ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh được thực hiện từ cấp tiểu học, khơi dậy sở thích, năng khiếu, thiên hướng nghề nghiệp của trẻ từ rất sớm. Còn tại Việt Nam, phải đến THPT các em mới chính thức được giáo dục hướng nghiệp với thời lượng học chưa nhiều. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nhiều trường học, giáo dục hướng nghiệp chưa được coi trọng đúng mức. Nhà trường vẫn chủ yếu tập trung vào điểm số, thành tích, kết quả đỗ đại học... vô tình khiến học sinh trở thành những “rô-bốt” học tập.

Việc đầu tiên của giáo viên dạy giáo dục hướng nghiệp là giúp học sinh nhìn ra sở thích nghề nghiệp. Sở thích nghề nghiệp khác với những sở thích giải trí thông thường. Ví dụ, bạn thích chơi game, nếu chỉ dừng lại ở việc chơi các trò game để “đốt” thời gian thì đó là giải trí; nhưng từ sở thích chơi game, bạn thích được lập trình, mong muốn được tạo ra những trò chơi... thì đó lại là sở thích nghề nghiệp. Từ việc xác định sở thích, nhìn ra khả năng nghề nghiệp sẽ giúp các em lập ra kế hoạch chọn trường, chọn nghề. Bản thân mỗi người, nếu không xác định được sở thích, khả năng nghề nghiệp thì sẽ rất dễ lựa chọn sai ngành nghề theo học, dẫn đến hậu quả của việc học xong ra trường không muốn, không say mê thậm chí không làm nghề đã học. Đây là sự lãng phí rất lớn, không chỉ về tiền bạc mà còn cả tuổi trẻ.

Có nhiều yếu tố tác động đến sự lựa chọn nghề nghiệp của bạn trẻ, trong đó vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng. Dù thực tế, không phải lúc nào bố mẹ cũng luôn luôn đúng trong sự định hướng nghề nghiệp của con cái. Nhiều ngành nghề trong xã hội hiện đại không được các phụ huynh biết đến. Để giúp bạn trẻ có những sự lựa chọn ngành nghề phù hợp, theo tôi cần có sự gắn kết giữa học sinh - phụ huynh- giáo viên chủ nhiệm và các nhà tư vấn để nhìn ra sở thích, khả năng nghề nghiệp của bạn trẻ. Suy cho cùng, mọi nỗ lực của gia đình, nhà trường và xã hội trong câu chuyện lựa chọn ngành nghề của bạn trẻ cuối cùng cũng mong con có tương lai nghề nghiệp tốt nhất. Một trong những tiêu chí đánh giá thành công của con người là mức độ “hạnh phúc” đạt được trong công việc... Vì thế, định hướng và tôn trọng là mấu chốt trong câu chuyện giúp bạn trẻ lựa chọn nghề nghiệp.

Ông Hoàng Duy Xuyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động lựa chọn

Bạn trẻ và “bước ngoặt” cuộc đời: Lựa chọn nghề nghiệp - làm chủ cuộc đời

PV: Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động đang tìm kiếm việc làm, xin ông cho biết kết quả đạt được của trung tâm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thời gian vừa qua?

Ông Hoàng Duy Xuyên: Trong 6 tháng đầu năm, trung tâm đã tổ chức trên 20 phiên giao dịch việc làm với gần 200 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Ngoài các phiên giao dịch việc làm định kỳ, trung tâm đã tổ chức được 4 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương... Gần đây nhất là phiên giao dịch việc làm diễn ra tại Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa) với hơn 9.300 chỉ tiêu việc làm, thu hút 37 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Trong đó, 16 doanh nghiệp tuyển dụng việc làm trong nước, 19 doanh nghiệp tuyển dụng việc làm ngoài nước và 2 đơn vị tuyển sinh, đào tạo nghề...

PV: Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Duy Xuyên: Có thể khẳng định, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung là rất lớn. Điều này tạo thuận lợi cho các bạn trẻ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm với chế độ đãi ngộ, mức lương phù hợp với vị trí việc làm.

Bên cạnh các ngành da giày, may mặc, lắp ghép điện tử, xây dựng... thì xuất khẩu lao động cũng là một trong những xu hướng việc làm được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Sau khi học nghề, các bạn trẻ đăng ký đi xuất khẩu lao động để có cơ hội việc làm với thu nhập cao. Một số thị trường du học - xuất khẩu lao động được nhiều người lao động lựa chọn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức...

PV: Ông đánh giá như thế nào về xu hướng lựa chọn ngành, nghề theo học gắn với việc làm của bạn trẻ hiện nay?

Ông Hoàng Duy Xuyên: Như đã nói ở trên, cơ hội việc làm dành cho bạn trẻ hiện nay rất lớn, vấn đề là lựa chọn ngành nghề theo học, công việc làm phù hợp khả năng, sở thích bản thân. Đã từng có thời gian thị trường lao động của chúng ta ở trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và không hiếm gặp tình trạng nhiều bạn trẻ phải “cất” bằng đại học để đi làm công nhân, đó thực sự là sự lãng phí nguồn nhân lực rất lớn. Tuy nhiên hiện nay vấn đề đó đã và đang thay đổi tích cực. Việc lựa chọn học ngành, nghề đã bám sát nhu cầu thực tế. Điều này có nghĩa, công tác định hướng, tư vấn, hướng nghiệp dành cho bạn trẻ của chúng ta đã, đang đạt kết quả tích cực.

Khánh Lộc (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]