(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ việc bạo lực học đường (BLHĐ) nghiêm trọng. Đáng buồn hơn khi trước đây tình trạng BLHĐ chỉ xảy ra ở các học sinh nam, giờ đây các nữ sinh chân yếu tay mềm cũng sẵn sàng “tấn công” bạn cùng giới.

Bạo lực học đường: Vấn nạn nhức nhối

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ việc bạo lực học đường (BLHĐ) nghiêm trọng. Đáng buồn hơn khi trước đây tình trạng BLHĐ chỉ xảy ra ở các học sinh nam, giờ đây các nữ sinh chân yếu tay mềm cũng sẵn sàng “tấn công” bạn cùng giới.

Bạo lực học đường: Vấn nạn nhức nhốiHọc sinh cấp trung học, với sự thay đổi tâm sinh lý cùng những áp lực dễ có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. (ảnh minh họa)

Ám ảnh... những vụ việc

Với các thầy, cô giáo Trường THPT Quảng Xương 4 (huyện Quảng Xương), ngày 20-11-2020 đáng lẽ là một ngày hội vui thì một vụ việc đáng tiếc xảy ra đã để lại những ký ức ám ảnh. Một nữ sinh lớp 12 bị nhóm học sinh lớp dưới tấn công bằng cách đập liên tiếp mũ bảo hiểm vào mặt, bắt quỳ gối xin lỗi. Trước sự lạnh lùng, hung hãn của nhóm nữ sinh, nạn nhân trong vụ việc chỉ có thể che mặt, quỳ gối chịu đựng đầy bất lực. Việc hành hung còn được nhóm nữ sinh quay clip, đăng tải công khai trên mạng xã hội. Nguyên nhân sự việc sau đó được nhà trường xác định là do mâu thuẫn cá nhân.

Trước đó chỉ 2 ngày, vào ngày 18-11-2020, vụ việc một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) cũng bị một nhóm 6 nữ sinh cùng trường và các trường khác đánh hội đồng. Xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, nhóm nữ sinh đã hẹn nạn nhân ra địa điểm cách trường khoảng 2km để “nói chuyện”. Khi đến điểm hẹn, nhóm nữ sinh đã thay nhau túm tóc, dùng tay chân đấm đá liên tục vào người nạn nhân. Đáng buồn, sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của không ít học sinh cùng trường. Tuy nhiên, thay vì can ngăn lại hò reo cổ vũ rồi quay clip tung lên mạng xã hội. Ngoài sự đau đớn của nạn nhân, người xem clip không khỏi bức xúc trước sự vô cảm của những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Cuối năm 2019, dư luận cũng không khỏi rúng động trước vụ việc một nam sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) bị một đối tượng cùng trang lứa đâm tử vong tại Công viên Hội An. Nguyên nhân vụ việc cũng được xác định do xích mích, mâu thuẫn trước đó. Thay vì nói chuyện tháo gỡ vướng mắc thì những trẻ vị thành niên lại chọn cách manh động nhất để giải quyết vấn đề. Để rồi, người mất mạng, còn hung thủ phải đối diện những năm tháng tuổi trẻ với vòng lao lý trả giá cho lỗi lầm của mình. Một kết cục đau lòng và quá đắt cho mâu thuẫn tưởng chừng chỉ là “chuyện không đâu”.

Dẫn lại một vài vụ việc để thấy rằng, BLHĐ hiện nay đang thực sự là nỗi đau gây ám ảnh cộng đồng. Ngoài hành vi bạo lực thô bạo, bất chấp đạo lý, tình cảm, một điều dễ nhận thấy ở nhiều vụ việc là hình thức giải quyết mâu thuẫn theo kiểu hội đồng. Thái độ lạnh lùng vô cảm của những bạn bè cùng chứng kiến, một vài lời hò reo, khích bác cũng đủ để “những trái tim lạnh dần” và sự hiếu thắng điều khiển hành vi ra tay tàn bạo. Sau những hả hê bốc đồng phút chốc có thể là ăn năn hối hận. Nhưng còn nỗi đau tinh thần của những nạn nhân, bao giờ có thể nguôi!

Đáng buồn hơn khi hầu hết nguyên nhân những vụ việc BLHĐ sau khi xảy ra đều được xác định là do mâu thuẫn cá nhân nhỏ nhặt: Một vài bình luận không thuận trên mạng xã hội, một nụ “cười đểu”, “nhìn đểu”... Đều có thể khiến những học sinh mặc áo trắng tinh khôi những tưởng “ăn chưa no, lo chưa tới” sẵn sàng ra tay với bạn cùng lớp, cùng trường, thậm chí là chưa từng quen biết. Và dù cho bất cứ nguyên do gì, thay vì yêu thương và sẻ chia theo cách văn minh, đúng lứa tuổi thì người ta chỉ thấy ở các em sự vô cảm đến nhói lòng.

Cần những giải pháp đồng bộ

Nói về tình trạng BLHĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Lê Quang Huy, chuyên viên phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết: “BLHĐ là vấn đề của không riêng bất cứ trường học nào. Nếu nhìn rộng ra thì ngay các quốc gia trên thế giới, tình trạng BLHĐ vẫn đang diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Tại Thanh Hóa, Sở GD&ĐT chưa có thống kê cụ thể số lượng vụ việc BLHĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh những năm gần đây. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đã kịp thời nắm bắt, phối hợp với các phòng chuyên môn, địa phương và trường học kịp thời xử lý công khai minh bạch trên tinh thần giáo dục nhân văn song vẫn đủ sức răn đe theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”. Được biết, thời gian qua, để phòng, chống, ngăn chặn BLHĐ, ngành GD&ĐT cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp.

Theo đó, thực hiện chương trình phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và dạy nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021, ngành GD&ĐT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống BLHĐ để các em nhận thức về hành động, hậu quả. Tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống BLHĐ vào các hoạt động giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa. Đồng thời, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong các cơ sở giáo dục; nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý về BLHĐ. Thiết lập các kênh thông tin về BLHĐ của cơ sở giáo dục theo dõi, thống kê và phân tích các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Trong Công văn số 1141 ngày 15-5-2019 của Sở GD&ĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục cũng nêu rõ trách nhiệm: Đối với các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc sở thì “Trưởng phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các nhà trường chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trường học trong các cơ sở giáo dục”; đối với các cơ sở giáo dục “Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống BLHĐ; phân công rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong nhà trường để thực hiện kế hoạch hiệu quả. Lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực, trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý giáo dục học sinh. Quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp"...

Bên cạnh việc nâng cao hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường nhằm thường xuyên nắm bắt thông tin, nguy cơ xảy ra BLHĐ để kịp thời ngăn chặn, các nhà trường cũng chú trọng phổ biến, quán triệt đến học sinh kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng; kỹ năng phòng tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra; không tham gia chia sẻ, bình luận thông tin xấu, độc hại, không gây mâu thuẫn giữa các học sinh do việc chia sẻ, bình luận. Mới đây, thực hiện Công văn số 424 của Bộ GD&ĐT, ban hành ngày 29-1-2021, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn triển khai hệ thống phòng ngừa BLHĐ đến các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc.

Dẫu ngành GD&ĐT đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp và thu được kết quả nhất định, song để phòng, chống BLHĐ không chỉ là trách nhiệm chỉ riêng của ngành giáo dục, mà cần có sự quan tâm của gia đình, cộng đồng, đặc biệt là sự bảo ban, sâu sát con em mình của các bậc phụ huynh.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]