(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều năm gần đây, nhất là khi Thông tư số 50/2020/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được ban hành, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Cẩm Thủy nói riêng đã tích cực tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, ngành giáo dục huyện Cẩm Thủy gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Cẩm Thủy: Nhiều khó khăn cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh

Nhiều năm gần đây, nhất là khi Thông tư số 50/2020/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được ban hành, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Cẩm Thủy nói riêng đã tích cực tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, ngành giáo dục huyện Cẩm Thủy gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Cẩm Thủy: Nhiều khó khăn cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng AnhMột giờ làm quen với tiếng Anh của các cháu học sinh Trường Mầm non Cẩm Ngọc.

Thực hiện chủ trương của ngành, từ đầu học kỳ II, năm học 2022-2023, Trường Mầm non Cẩm Lương tổ chức cho 77 trẻ làm quen với tiếng Anh. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Lương cho hay: “Bước đầu tổ chức cả cô và trò rất hào hứng; phụ huynh cơ bản đồng tình ủng hộ, tuy nhiên, quá trình hoạt động nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là về trang thiết bị. Hiện nhà trường mới chỉ có 1 tivi màn hình lớn phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Do mới chỉ có 1 tivi, trang thiết bị thiếu nên mỗi lần tổ chức lớp học phải di chuyển học sinh từ lớp này sang lớp khác làm mất thời gian và ảnh hưởng đến việc bố trí không gian lớp học. Ngoài ra nhà trường chưa có giáo viên chuyên tiếng Anh, các buổi cho trẻ làm quen đều do giáo viên của nhà trường được tham gia bồi dưỡng cấp chứng chỉ thực hiện giảng dạy nên cũng còn những băn khoăn bước đầu.

Tại Trường Mầm non Cẩm Ngọc, hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh cũng mới bắt đầu được vài tháng nay, song đã có những khó khăn đặt ra. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Ngọc, khó khăn lớn nhất của nhà trường khi triển khai thực hiện chương trình là không có giáo viên chuyên tiếng Anh. Bên cạnh đó, mỗi tháng trẻ tham gia học phải đóng 120.000 đồng tiền học phí cũng được xem là trở ngại đối với việc thu hút học sinh tham gia lâu dài khi điều kiện kinh tế của nhiều gia đình tại địa phương vẫn còn khó khăn.

Cô giáo Lê Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy, cho biết: Với mong muốn cho trẻ em được tiếp cận sớm với tiếng Anh - ngôn ngữ được xem là phổ biến và thông dụng hiện nay nên sau khi tham dự tập huấn triển khai nhiệm vụ này tại Sở GD&ĐT, ngành giáo dục huyện Cẩm Thủy đã tổ chức hội nghị giao ban với lãnh đạo các trường mầm non bàn giải pháp triển khai thực hiện và tổ chức hội thảo tập huấn cho đội ngũ giáo viên mẫu giáo trên địa bàn huyện. Cùng với đó, tổ chức các buổi thực hành thao giảng rút kinh nghiệm tại các cụm chuyên môn; tổ chức hội đàm giữa gia đình - nhà trường, giải đáp những khúc mắc, nguyện vong của phụ huynh khi cho học sinh tham gia chương trình. Đồng thời, cử giáo viên cốt cán tham gia học tập, bồi dưỡng sử dụng việc ứng dụng robot, cũng như chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh theo yêu cầu của khung chương trình giáo dục mầm non. Hiện 100% trường mầm non trong huyện đều đã tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh với khoảng 2.000 trẻ tham gia. Tuy nhiên, qua đánh giá từ thực tiễn, việc cho trẻ làm quen tiếng Anh trên địa bàn huyện chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Việc này liên quan tới những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, chất lượng giáo viên và các điều kiện khác theo quy định.

Nhận định chung khi triển khai thực hiện Thông tư số 50/2020/TT của Bộ GD&ĐT ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo trên địa bàn huyện, cô Hạnh cho rằng, thông tư đã gắn với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, tạo điều kiện học tập, làm quen tiếng Anh cho con em mình. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ là rất khó với những địa phương còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, nhất là khi đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong trường mầm non không có. Hiện, 100% giáo viên tham gia giảng dạy cho trẻ làm quen với tiếng Anh trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đều là giáo viên mầm non đã tham gia khóa bồi dưỡng cấp chứng chỉ 5 SE.

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh là yêu cầu cần thiết. Thế nhưng, để hoạt động này mang lại hiệu quả thực sự, ngành giáo dục cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ và cái nhìn thực tế hơn. Trong đó, cần nêu cao trách nhiệm theo dõi, giám sát thường xuyên việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở các trường mầm non cũng như bảo đảm việc thực hiện thí điểm dạy ngoại ngữ có chất lượng, theo đúng quy định. Quan tâm trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết như tranh ảnh, đồ chơi, thiết bị nghe nhìn cùng với chương trình giảng dạy bảo đảm về mặt nội dung, thời lượng, cường độ cũng như tính liên tục và sự chuyển tiếp để trẻ có thể học tiếng Anh hiệu quả ở những bậc học tiếp theo.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]