(vhds.baothanhhoa.vn) - Bộ GD&ĐT vừa ra Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, ngày 22/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó yêu cầu giáo viên các trường phổ thông phải sử dụng được ngoại ngữ. Yêu cầu này đang khiến nhiều giáo viên băn khoăn, lo lắng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần có lộ trình

Bộ GD&ĐT vừa ra Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, ngày 22/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó yêu cầu giáo viên các trường phổ thông phải sử dụng được ngoại ngữ. Yêu cầu này đang khiến nhiều giáo viên băn khoăn, lo lắng.

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 20 - PV), quy định về 5 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn gồm nhiều tiêu chí, với tổng số 15 tiêu chí, dành cho giáo viên phổ thông. Trong đó, tiêu chí số 14, thuộc tiêu chuẩn số 5 yêu cầu giáo viên phải sử dụng được ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ 2, đối với giáo viên dạy ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh yêu cầu giáo viên phải sử dụng được ngoại ngữ.

Giáo viên chuẩn, phải biết ngoại ngữ

Theo quy định, Thông tư 20 yêu cầu giáo viên phải biết ngoại ngữ chia làm ba mức. Mức đạt là giáo viên có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản. Mức khá là giáo viên có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc chủ đề đơn giản, quen thuộc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục. Mức tốt là giáo viên có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục.

Thầy giáo Mai Thanh Hoan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lộc (Hậu Lộc) nêu quan điểm: Thông tư 20 đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá giáo viên một cách toàn diện và rất chặt chẽ. Tất nhiên, để đánh giá giáo viên ngoài những tiêu chuẩn do bộ quy định thì mỗi nhà trường sẽ còn có những nội quy, quy chế riêng. Môi trường giáo dục là môi trường yêu cầu luôn luôn phải theo quy chuẩn. Khi thông tư ra đời thì nhà trường sẽ bám sát thông tư để thực hiện. Hiện nay, tinh thần tự học, tự đổi mới của một bộ phận giáo viên còn nhiều hạn chế, nếu không đưa vào quy định bắt buộc việc giáo viên phải biết ngoại ngữ thì lo sợ rằng sẽ không nâng cao được trình độ của giáo viên.

Thầy giáo Đỗ Xuân Tuấn - Hiệu trưởng Trường TH Xuân Khang 1 (Như Thanh) cho biết:Đối với các giáo viên ở miền núi, đặc biệt là giáo viên tuổi cao thì việc tự học, tự bồi dưỡng ngoại ngữ là rất khó khăn, tuy nhiên theo quy định về việc xét thăng hạng của giáo viên cũng yêu cầu giáo viên phải đạt trình độ ngoại ngữ theo chuẩn Châu Âu. Do đó, Thông tư 20 ra đời cũng là phù hợp với xu thế và khi thực hiện nhà trường sẽ tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học tập trong hè, ngày nghỉ để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.

Nhiều giáo viên cũng cho rằng trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thì yêu cầu đội ngũ giáo viên biết ngoại ngữ là cần thiết. Dù sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện, nhưng các giáo viên sẽ cố gắng phấn đấu để đạt tiêu chuẩn này.

Nên có lộ trình phù hợp yêu cầu giáo viên phải biết Ngoại ngữ.

Nên có lộ trình phù hợp

Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc yêu cầu giáo viên phải biết ngoại ngữ theo Thông tư 20 nên có lộ trình phù hợp.

Bà Lê Thúy Lan - Trưởng phòng GD&ĐT Như Thanh (huyện Như Thanh) cho biết: Yêu cầu giáo viên phải biết và sử dụng ngoại ngữ đối với giáo viên trẻ là hoàn toàn phù hợp, nhưng đối với những giáo viên đã có tuổi thì rất khó khăn, tuy nhiên, hiện nay Như Thanh đang có gần 100 giáo viên tham gia học lớp tiếng Thái tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện do Trường Đại Học Hồng Đức mở. Trong các hội nghị, thì nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn, liệu khi thực hiện cải cách tiền lương thì sẽ chuyển đổi như thế nào?

Còn cô giáo Đặng Thị Hồng, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Hậu Lộc 2 (Hậu Lộc) cho biết: Với thông tư mới này, giáo viên không dạy Ngoại ngữ thật sự là khó khăn. Thứ nhất là vùng nông thôn không có điều kiện phát huy vốn ngoại ngữvà do không phải chuyên môn nên không đầu tư thời gian nghiên cứu để trau dồi.

Cô giáo Bùi Thị Hiền, giáo viên dạy môn Toán, Trường THPT Hà Trung (Hà Trung) cũng băn khoăn: Với thế hệ giáo viên đã có tuổi, để học ngoại ngữ đạt trình độ để dạy là cả một vấn đề. Nên rất cần một lộ trình, việc bắt buộc thực hiện ngay thực sự rất khó cho những giáo viên tuổi đã cao.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc giảng dạy bằng ngoại ngữ cần sự đồng bộ về năng lực của giáo viên và học sinh, do đó cần có lộ trình phù hợp, việc thực hiện cứng nhắc dễ nảy sinh các vấn đề khác vì nhiều giáo viên sẽ không đạt tiêu chí này.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]