(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, kết thúc giai đoạn I thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 2-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ (Gọi tắt là Đề án 1008 - PV), 100% học sinh đã biết sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và học tập. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) - cuộc hành trình không đơn giản nhưng hiệu quả mang lại không hề nhỏ…

Câu chuyện tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, kết thúc giai đoạn I thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 2-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ (Gọi tắt là Đề án 1008 - PV), 100% học sinh đã biết sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và học tập. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) - cuộc hành trình không đơn giản nhưng hiệu quả mang lại không hề nhỏ…

Câu chuyện tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu sốĐọc báo trong giờ sinh hoạt ngoại khóa, góp phần nâng cao kỹ năng học tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Cát Tân. (Ảnh tư liệu do nhà trường cung cấp)

Từ tiếng Mường, tiếng Thái… đến tiếng Việt

Đến lúc này, cô giáo Bùi Thị Phương, giáo viên Trường Mầm non Thành Công (Thạch Thành) vẫn chưa quên cảm giác khi dạy tăng cường tiếng Việt cho những học sinh của mình. Cô giáo Phương dạy nhóm lớp nhà trẻ nên càng khó khăn, vất vả hơn. Các cháu đến lớp, giao tiếp với cô và các bạn bằng tiếng dân tộc. Khi trò khóc, cô giáo dỗ bằng tiếng Việt không được mà phải bằng tiếng Mường mới nín…

Cô giáo Phương cho biết, đặc điểm của nhóm lớp nhà trẻ là học sinh hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng Mường. Qua năm học mới khoảng 1 tháng, khi đã làm quen được với trò thì cô mới bắt đầu định hướng cho trẻ nói tiếng Việt. Cô giáo Phương nhớ lại: “Lứa tuổi nhà trẻ dạy rất khó, phải uốn nắn cho các em từng câu, chữ. Có một số học sinh đến nửa học kỳ I vẫn còn nói tiếng dân tộc, như vẫn quen gọi mạng (mẹ), sôn (cháu), ca (con gà) hoặc khi không đồng ý điều gì đấy thì vẫn nói ó hạo (không muốn)… Nhưng đến cuối năm học, 100% các em đã nói thạo tiếng Việt”.

Ở Trường Mầm non Thành Công có tới 98% học sinh là dân tộc Mường. Khi chưa có Đề án 1008, việc giao tiếp và học tập, chủ yếu bằng tiếng địa phương. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, cho biết: “Khi thực hiện Đề án 1008, một tuần có 2 tiết tiếng Việt nhưng dạy lồng ghép vào các hoạt động trong ngày. Một lớp có hai giáo viên trong đó 1 giáo viên người địa phương và 1 giáo viên người Kinh. Bên cạnh đó còn có góc tăng cường tiếng Việt. Thông qua góc tăng cường này, các em nhìn vào những hình ảnh được minh họa để đọc, phát âm chuẩn hơn, khả năng nhớ sẽ tốt hơn”.

Ở Trường Tiểu học Cát Tân (Như Xuân) có 2/3 số học sinh là dân tộc Thổ và Thái. Với học sinh tiểu học, việc dạy tiếng Việt cho các em không còn quá khó như đối với học sinh mầm non. Theo cô giáo Dương Thị Kim Luyến, Hiệu trưởng nhà trường: “Với học sinh tiểu học là tăng vốn từ, tăng hiểu nghĩa của từ. Dù học sinh nhà trường đã biết hết tiếng phổ thông nhưng khả năng tiếp thu so với vùng khác vẫn khó khăn hơn, nên giáo viên vẫn lồng ghép vào các tiết chính khóa để rèn luyện đọc cho các em. Đặc biệt với học sinh lớp 1, đọc thông, nói thạo nhưng khả năng viết lại hạn chế vì ở mầm non các em mới tập tô chữ nên thường khi viết phải phiên âm”.

Niềm vui nhân đôi…

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, với mục tiêu bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học. Đồng thời, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS…

Câu chuyện tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu sốCô và trò Trường Mầm non Thành Công bên góc tăng cường tiếng Việt. (Ảnh tư liệu do nhà trường cung cấp)

Kết thúc giai đoạn I của Đề án 1008, tại Thanh Hóa 100% các trường mầm non, tiểu học vùng DTTS thực hiện tương đối tốt công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Giáo viên chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt…100% các trường mầm non, tiểu học có giáo viên là người địa phương và người biết tiếng dân tộc nên chất lượng, phương pháp và kỹ năng dạy học sinh phù hợp, kịp thời. Vì vậy, đầu năm học còn nhiều trẻ DTTS nói tiếng mẹ đẻ, chưa biết sử dụng tiếng Việt thì sau khi đến trường, 100% trẻ đã biết sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, chuyên viên mầm non, Phòng GD&ĐT Thạch Thành: “Đây là đề án mang tính hiệu quả cao. Hầu hết trẻ mầm non người DTTS trên địa bàn huyện hiện nay được trang bị những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, trẻ phát âm các chữ cái tương đối rõ ràng và chính xác, vốn từ của trẻ phát triển khá tốt, góp phần vào việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp 1 đối với trẻ 5 tuổi”. Ông Nguyễn Thế Lợi, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Như Xuân cũng cho rằng: “Năng lực về ngôn ngữ của học sinh phát triển nhanh. Với các phương pháp dạy học linh hoạt, ngoài sách giáo khoa, giáo viên còn sử dụng ngữ liệu gắn liền với cuộc sống nên các em tiếp cận kiến thức nhanh, hào hứng học tập. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 1 vùng DTTS của huyện, các em đọc thông, nói rõ nhưng vẫn còn hạn chế vấn đề viết".

Năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các phòng giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non, tiểu học vùng DTTS. Đồng thời tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên… Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Đề án 1008 đảm bảo đúng lộ trình và chất lượng.

Giờ đây, khi về những ngôi trường có học sinh là người DTTS, niềm vui như được nhân đôi khi trò đến trường đã chào cô bằng tiếng Việt, hay ngay cả khi trẻ mầm non hờn dỗi, cô giáo đã có thể dỗ dành bằng tiếng Việt mà không cần sự “hỗ trợ” tiếng Mường, tiếng Thái…

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]