(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ năm học 2025-2026, sẽ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học (TH) và THCS. Đặt trong bối cảnh hiện nay bên cạnh thuận lợi sẽ còn đối diện nhiều khó khăn khi thực hiện chủ trương này, khó nhất vẫn là điều kiện về con người.

Giải pháp tình thế đối với dạy 2 buổi/ngày

Từ năm học 2025-2026, sẽ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học (TH) và THCS. Đặt trong bối cảnh hiện nay bên cạnh thuận lợi sẽ còn đối diện nhiều khó khăn khi thực hiện chủ trương này, khó nhất vẫn là điều kiện về con người.

Giải pháp tình thế đối với dạy 2 buổi/ngày

Lãnh đạo thị trấn Hậu Lộc (nay là xã Hậu Lộc) và Ban giám hiệu Trường TH thị trấn Hậu Lộc trao thưởng cho học sinh đoạt giải các câu lạc bộ cấp huyện, cấp tỉnh (năm học 2024-2025).

"Có học sinh phải có giáo viên đứng lớp"

Ngày 6/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Việc dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên. Đồng thời bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.

Đối với Thanh Hóa, nếu thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, khó khăn hàng đầu vẫn là giáo viên. Ông Trịnh Vinh Long, Trưởng phòng Giáo dục TH, Sở GD&ĐT tỉnh cho rằng: “Hiện giáo viên chưa đủ tỷ lệ tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất nói chung, đặc biệt là cơ sở vật chất cho học sinh ăn bán trú cũng chưa thể đáp ứng”.

Còn đối với bậc THCS, mặc dù ngành giáo dục đã tuyển dụng và hợp đồng theo Nghị định 111 nhưng đội ngũ giáo viên vẫn thiếu. Trong đó, bất cập về cơ cấu các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp... Mặt khác, quy định số tiết dạy theo định biên của giáo viên THCS là 19 tiết/ tuần, nếu dạy 2 buổi/ngày, bảo đảm 40 tiết/tuần sẽ phải bố trí phương án buổi sáng, buổi chiều dạy bao nhiêu tiết. Ngoài ra, nhà trường còn phải phân đối tượng dạy thêm theo Thông tư 29 như thế nào cho hợp lý...

“Nếu thực hiện tốt mô hình 2 buổi/ngày sẽ giúp giảm học thêm, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh”, chia sẻ của thầy giáo Bùi Nguyên Hoàng, Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Hậu Lộc (xã Hậu Lộc). Tuy nhiên, theo thầy Hoàng, dù có những mặt thuận nhưng cũng không tránh những cái khó. Hiệu trưởng Bùi Nguyên Hoàng cho biết: “Thực tế, cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn khi phòng học không đủ, thiết bị dạy học chưa đồng bộ. Trong khi đó, về tổ chức bữa ăn bán trú, nhà trường không có bếp ăn, nhà ăn tập thể. Đặc biệt, do thiếu giáo viên nên dẫn đến tăng buổi, tăng tiết nhưng chế độ lại chưa có...”.

Năm học 2024-2025, Trường THCS Hiền Kiệt (xã Hiền Kiệt) có 13 cán bộ, giáo viên, trong đó có 1 giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Tính theo tỷ lệ thì chưa đạt 1,9 giáo viên/lớp và hiện trường còn thiếu 4 giáo viên. Tương tự, tại Trường THCS Định Tăng (xã Yên Định), thiếu 2 giáo viên. Trong năm học, giáo viên cũng phải dạy tăng 1 - 2 tiết/tuần.

“Có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương, không lãng phí nguồn lực giáo viên, đáp ứng yêu cầu việc dạy 2 buổi/ngày. Theo đó, tùy vào tình hình thực tế để bảo đảm nguồn lực, nâng cao hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong trường hợp, nguồn lực vẫn hạn chế thì cần thiết phải có giải pháp để gỡ khó...

Tự xây dựng phương án dạy 2 buổi/ngày

Thông tin từ Hiệu trưởng Trường THCS Hiền Kiệt, thầy giáo Lê Mạnh Hùng: “Với 4 giáo viên thiếu, nhà trường hiện đang chủ động liên hệ với các giáo viên mới ra trường, có đủ các điều kiện tiêu chuẩn của giáo viên THCS để bảo đảm cho việc dạy 2 buổi/ngày. Hiện nay, nhà trường đã liên hệ được 2 giáo viên để vào năm học mới ký hợp đồng lao động”.

Giải pháp tình thế đối với dạy 2 buổi/ngày

Học sinh Trường THCS Hiền Kiệt chụp ảnh lưu niệm trong buổi giao lưu bóng chuyền hơi.

Sắp xếp, phân công lại giáo viên hợp lý, linh hoạt để tận dụng năng lực của từng người, đặc biệt là những giáo viên có thể dạy tốt các môn năng khiếu. Đồng thời, hợp đồng thêm giáo viên đã nghỉ hưu, hoặc mời cộng tác viên hỗ trợ giảng dạy buổi 2... Đây cũng là những giải pháp sẽ được thực hiện trong năm học tới tại Trường TH thị trấn Hậu Lộc (xã Hậu Lộc). Hiệu trưởng Bùi Nguyên Hoàng cho hay: “Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng bài giảng số, tổ chức các hoạt động trải nghiệm,... để giảm tải cho giáo viên mà vẫn bảo đảm chất lượng học tập. Trường cũng sẽ phối hợp với các trường bạn trong cụm để chia sẻ giáo viên và chủ động kiến nghị cấp trên bổ sung nhân sự, kinh phí. Quan trọng nhất là luôn quan tâm, động viên đội ngũ giáo viên để họ yên tâm công tác, cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ...”.

Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để tăng hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức cho học sinh tự học, học nhóm, tăng cường các hoạt động giáo dục về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục STEM... Trong điều kiện còn thiếu giáo viên thì đây cũng là hạn chế khi triển khai thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Trọng Nam, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh thì giải pháp tình thế là các trường tự xây dựng phương án dạy 2 buổi/ngày theo tình hình thực tế của trường. “Ưu tiên tối đa cho dạy chính khóa các môn chấm điểm buổi sáng, bố trí hoạt động ngoại khóa, các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục thể chất, kỹ năng sống buổi chiều và cân đối thời khóa biểu buổi sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Trước mắt, xây dựng kế hoạch, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh đồng thời báo cáo địa phương cách hợp đồng giáo viên để tổ chức thực hiện trong năm học 2025-2026”, ông Nam cho biết.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]