(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều cơ sở giáo dục mầm non (MN) ngoài công lập tại Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn đang mong chờ Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục MN (gọi tắt là Nghị định 105) sớm triển khai, thực hiện.

Chờ hỗ trợ từ Nghị định 105

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non (MN) ngoài công lập tại Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn đang mong chờ Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục MN (gọi tắt là Nghị định 105) sớm triển khai, thực hiện.

Chờ hỗ trợ từ Nghị định 105Cô và trò Trường Mầm non Vietkids 2 trong buổi thực hành. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Nhân lên niềm vui

Nghị định 105 có hiệu lực từ ngày 1-11-2020. Theo đó, cơ sở giáo dục MN độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; trẻ em MN là con công nhân, lao động làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên MN làm việc tại cơ sở giáo dục MN độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được thụ hưởng chính sách này.

Là công nhân Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, hai năm nay, anh Ngô Văn Khánh đều gửi con ở Trường MN Vietkids 2 (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn). Thông tin về chính sách phát triển giáo dục MN ở địa bàn có khu công nghiệp khiến anh phấn chấn. Anh nói: “Gia đình rất vui khi con công nhân đang làm tại khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Với chúng tôi, được hỗ trợ phần nào quý phần đó”.

Trường MN Vietkids 2 có 55 học sinh là con công nhân đang làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (số liệu năm học 2020 - 2021). Theo cô giáo Hồ Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường, ngoài 55 học sinh này còn có 8 giáo viên đủ điều kiện để hưởng chính sách từ Nghị định 105.

Năm học 2020 - 2021, Trường MN tư thục Newsun (phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn) có 275 học sinh, trong đó có 143 em là con công nhân, chủ yếu làm việc tại Nhà máy Gang thép và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cùng với 143 học sinh này, nhà trường có 10 giáo viên được hưởng chính sách phát triển giáo dục MN tại địa bàn có khu công nghiệp.

Nhiều công nhân, lao động và giáo viên MN bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi biết có Nghị định 105. Tuy nhiên, sau gần 1 năm Nghị định 105 có hiệu lực, học sinh là con công nhân, giáo viên MN tư thục tại Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ từ nghị định này.

Chờ Nghị định đi vào cuộc sống...

Nhiều khu công nghiệp ở Thanh Hóa có cơ sở giáo dục MN độc lập, nhưng lại không đáp ứng được quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Khu Kinh tế Nghi Sơn là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập đáp ứng được điều kiện thụ hưởng chính sách từ Nghị định 105.

Ngay sau khi Nghị định 105 ra đời, UBND tỉnh đã có Công văn số 12587 ngày 10-9-2020 về việc thực hiện nghị định này. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức, thực hiện và nghiên cứu, tham mưu triển khai các nội dung theo quy định tại Nghị định 105.

Ngày 30-11-2020, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 4145 về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 105. Trong đó, nêu rõ: UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng GD&ĐT chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn các cơ sở giáo dục MN rà soát các đối tượng được hưởng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền để thực hiện chính sách kịp thời, đúng quy định.

Chờ hỗ trợ từ Nghị định 105Tiết học của cô và trò Trường Mầm non Newsun. Ảnh: Việt Anh

Thực hiện Công văn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn đã thẩm định được 15 cơ sở giáo dục MN ở Khu Kinh tế Nghi Sơn với 539 học sinh là con em công nhân, lao động được thụ hưởng chính sách, tương đương kinh phí 603.680.000 đồng. Bên cạnh đó, thẩm định được 4 cơ sở giáo dục MN tư thục và 29 giáo viên ở địa bàn khu công nghiệp đủ điều kiện được hưởng chế độ từ Nghị định 105.

Sau gần 1 năm Nghị định 105 có hiệu lực, đến lúc này, các đối tượng vẫn chưa được hưởng chính sách. Bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, cho biết: “Nghị định 105 tạo điều kiện phát triển các trường MN ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân, giảm áp lực cho các cơ sở MN công lập. Đặc biệt, đối với thị xã, việc quá tải ở các trường MN công lập đã xảy ra từ nhiều năm nay. Nhưng đến thời điểm này, các đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước vẫn chưa được nhận chế độ hỗ trợ. Không biết sang năm sẽ xử lý thế nào, nếu cấp bù thì có được truy lĩnh không, nhất là đối với học sinh đã ra trường. Đây cũng là điều chúng tôi băn khoăn”.

Bà Vân cho biết thêm, UBND thị xã Nghi Sơn đã có tờ trình gửi Sở Tài chính về việc bổ sung kinh phí thực hiện Nghị định 105. Ngày 21-7-2020, Sở Tài chính đã có Công văn số 4319 gửi UBND thị xã Nghi Sơn. Tại công văn này, Sở Tài chính đề nghị UBND thị xã Nghi Sơn có văn bản gửi Sở GD&ĐT, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng chính sách quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em MN là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên MN làm việc tại cơ sở giáo dục MN dân lập, tư thục.

Theo bà Trương Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD&ĐT, thì: “Hiện Sở GD&ĐT đang chờ nghị quyết của HĐND tỉnh. Sau đó sẽ thực hiện việc rà soát, thẩm định đối với các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập ở địa bàn các khu công nghiệp. Cơ sở giáo dục, học sinh, giáo viên nếu đáp ứng được các điều kiện thì sẽ được hưởng chính sách”.

Chính sách phát triển giáo dục MN ở địa bàn có khu công nghiệp ra đời còn là cơ hội để những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Thiết nghĩ, các ban, ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng.

Khoản 1 và 2, Điều 5, Nghị định 105 quy định:

Cơ sở giáo dục MN độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, bao gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ tối thiểu là 20 triệu đồng/cơ sở giáo dục MN độc lập.

- Khoản 2, Điều 8: Trẻ em MN là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

- Khoản 1 và Khoản 2, Điều 10: Giáo viên trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng (tám trăm nghìn đồng một tháng).

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]