(vhds.baothanhhoa.vn) - Chưa từng được tham gia lớp học robotics (về thiết kế, chế tạo và sử dụng các sản phẩm robot cơ khí thông qua lập trình, lắp ráp điện tử) hay lập trình, nhưng thầy trò Trường THCS thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh) đã trở thành đội tuyển duy nhất của Thanh Hóa tham gia Chung kết Giải vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc 2023.

Chuyện khoa học công nghệ ở một trường học vùng cao

Chưa từng được tham gia lớp học robotics (về thiết kế, chế tạo và sử dụng các sản phẩm robot cơ khí thông qua lập trình, lắp ráp điện tử) hay lập trình, nhưng thầy trò Trường THCS thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh) đã trở thành đội tuyển duy nhất của Thanh Hóa tham gia Chung kết Giải vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc 2023.

Chuyện khoa học công nghệ ở một trường học vùng caoThầy Tịnh và học sinh thực hiện lắp ráp robot.

Cuộc thi VEX IQ Robotics toàn quốc năm 2023 do Liên minh STEAM Vietnam, Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) cùng Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác tổ chức. Cuộc thi dành cho các học sinh tiểu học và THCS đam mê khoa học công nghệ.

Là trường miền núi, đang còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua Trường THCS thị trấn Lang Chánh là điểm sáng về nuôi dưỡng đam mê khoa học - kỹ thuật trong học sinh. Nhà trường nhiều năm liên tiếp đạt giải khoa học - kỹ thuật cấp huyện, cấp tỉnh. Để tiếp tục thắp sáng tình yêu khoa học cho thầy và trò nhà trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã hỗ trợ cho mượn robot và sàn thi đấu để luyện tập. Lần đầu tiên tham dự cuộc thi VEX IQ Robotics nhưng đội tuyển của trường đã vinh dự đứng thứ 18/162 đội chơi đến từ các trường tiểu học, THCS ở 33 tỉnh, thành phố trên cả nước

Theo thầy Nguyễn Hữu Tịnh, giáo viên hướng dẫn đội tuyển nhà trường thì “Robot hay robotics là sự giao thoa của khoa học - kỹ thuật và công nghệ để tạo ra các robot người máy, một loại máy móc thông minh và vận hành tự động được, loại máy móc này có thể thay thế (hoặc tái tạo) hành động của con người. Lắp đặt một con robot thực hiện được nhiệm vụ là cả quá trình phức tạp, khi các em phải học nhận biết các mảnh ghép, các cảm biến, động cơ, bộ điều khiển trung tâm, ròng rọc, bánh răng, các kết nối nhận… rồi lắp ráp các mô hình robot, làm quen với lập trình, viết chương trình điều khiển hoạt động của các động cơ, cảm biến. Tuy nhiên, những điều này với các em học sinh miền núi chưa được rèn luyện và thực hành”. Những kiến thức này không chỉ mới với học sinh mà mới với cả một người dạy mỹ thuật như thầy Tịnh. Hơn nữa, từ khi nhận robot đến thời gian thi chỉ có 20 ngày, việc đứng thứ hạng cao ở một cuộc thi robot cấp quốc gia với thầy và trò là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Chuyện khoa học công nghệ ở một trường học vùng caoEm Nguyễn Ngọc Hùng.

Với tâm lý thoải mái và xem cuộc thi như một “thử nghiệm khoa học” thú vị, lựa chọn học sinh, thầy Tịnh ưu tiên những em đã từng tham gia các dự án khoa học trước đó, là 10 em có lòng đam mê và kiến thức khoa học. Chạy đua với thời gian, tận dụng trí lực của tất cả thành viên, đội tuyển được chia thành các tổ nhỏ, gồm tổ nghiên cứu luật chơi, tổ lắp ráp, tổ lập trình và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ. Mỗi ngày các thành viên đều tập hợp để trao đổi kiến thức nghiên cứu được, tiến hành lập trình và lắp ráp. Quá trình lắp ráp được ghi chép từng ngày, để chỉ ra điểm sai, rút kinh nghiệm và tiếp tục làm đi làm lại, đến khi hoàn thiện. “Việc lắp ráp robot không thể bắt chước theo hình mẫu cụ thể, bởi mỗi robot có nhiệm vụ khác nhau, các em phải tự học, tự nghiên cứu từ rất nhiều tài liệu trên mạng và sự trợ giúp từ các giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Dựa trên những gợi ý đó, thầy và trò từng bước liên kết những kiến thức học được với thực tiễn, tạo ra con robot hoàn thành nhiệm vụ theo đúng lập trình” thầy Tịnh cho biết thêm.

Thời gian đó, thầy và trò không ngừng nỗ lực, thầy dành toàn bộ thời gian, công sức và cả những hỗ trợ về kinh tế; trò miệt mài nghiên cứu, đến cả quên ăn, quên ngủ. Em Nguyễn Ngọc Hùng, đội trưởng cho biết: “Lắp ráp robot đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu, vì vậy chúng em đã phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng việc tự tay hoàn thiện và khiến một con robot vận hành mang lại cho em và các bạn cảm hứng tuyệt vời”.

Còn với em Nguyễn Thị Phương An (lớp 7A1) cùng trong đội tuyển thì lần đầu tiên được tham gia sân chơi lớn, được gặp gỡ những bạn cùng đam mê là kỷ niệm đẹp của cô bé. Em cho biết: “Em đã làm quen và giữ liên lạc với rất nhiều bạn sau cuộc thi. Chúng em không những trao đổi về kinh nghiệm lập trình, lắp ráp robot mà cho những dự án khoa học tiếp theo trong thời gian tới”.

Chuyện khoa học công nghệ ở một trường học vùng caoEm Nguyễn Thị Phương An.

Chính lòng đam mê đã giúp các em học sinh hiện thực hóa những ý tưởng, cộng với sự dẫn dắt nhiệt huyết của thầy cô và hỗ trợ thiết thực từ phía nhà trường đã giúp “nhà khoa học nhí” phát triển được tài năng, biến những điều không thể thành có thể.

Được biết, những năm qua Trường THCS thị trấn Lang Chánh thường xuyên có dự án khoa học đạt giải cấp tỉnh, như: “Kem trị bỏng liền sẹo mức độ nhẹ”, “Thiết bị cảnh báo sạt lở đất không cảm biến dùng trong hộ gia đình”, “Văn hóa đọc: thực trạng và giải pháp ở Trường THCS thị trấn Lang Chánh”… Cuộc thi VEX IQ

Robotics toàn quốc tiếp tục là một thử thách của thầy trò trên con đường sáng tạo khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ.

Theo cô Nguyễn Thị Giang, giáo viên môn Sinh học, đã từng hướng dẫn 5 đề tài khoa học đạt giải cấp tỉnh: Để các em học sinh trở thành “nhà khoa học” nhí việc đầu tiên là phải tạo cho các em hứng thú với môn học, giúp các em nắm rõ kiến thức, từ đó biết ứng dụng những gì đã học vào thực tiễn cuộc sống. Được biết, những tiết học của cô Giang luôn hào hứng, sôi nổi và thu hút học sinh. Vào các tiết học ngoại khóa, cô luôn tổ chức các cuộc thi sáng tạo trong lớp học. Cụ thể là giao mỗi học sinh chế tạo những sản phẩm đơn giản, áp dụng linh hoạt kiến thức trong sách giáo khoa. Đồng thời, cô cũng thường xuyên cung cấp thông tin về những cuộc thi sáng tạo kỹ thuật. Các đề tài, dự án hay, có ý nghĩa thiết thực trong học tập và lao động sản xuất, khuyến khích các em đề xuất ý tưởng và mạnh dạn thực hành.

Với những thành tích về khoa học - công nghệ, nhà trường đã được một giáo viên Đại học Bách khoa Hà Nội tặng một con robot để có thể thường xuyên luyện tập, tiếp tục tham gia những cuộc thi robotics lớn trong nước.

Cô Trịnh Thị Hải, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Việc phát triển phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật trong giáo viên và học sinh là nền tảng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Vì vậy, suốt thời gian qua, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện, khích lệ tinh thần sáng tạo khoa học - kỹ thuật của cả học sinh lẫn giáo viên”.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]