(vhds.baothanhhoa.vn) - “Trong ký ức tuổi thơ tôi và cho đến bây giờ, mãi luôn nhớ về thầy Nguyễn Ngọc Ký. Đó là tấm gương tiếp sức cho tôi có đủ bản lĩnh, phấn đấu học tập. Tôi cũng như thầy, không có hai tay nên phải tập viết chữ bằng chân. Luyện chữ, dù chân tước da, chảy máu, tôi vẫn không từ bỏ ước mơ được đến trường"…, cô giáo Lê Thị Thắm trải lòng khi nhớ lại cuộc hành trình kỳ diệu của bản thân.

Chuyện về cô giáo Thắm

“Trong ký ức tuổi thơ tôi và cho đến bây giờ, mãi luôn nhớ về thầy Nguyễn Ngọc Ký. Đó là tấm gương tiếp sức cho tôi có đủ bản lĩnh, phấn đấu học tập. Tôi cũng như thầy, không có hai tay nên phải tập viết chữ bằng chân. Luyện chữ, dù chân tước da, chảy máu, tôi vẫn không từ bỏ ước mơ được đến trường"…, cô giáo Lê Thị Thắm trải lòng khi nhớ lại cuộc hành trình kỳ diệu của bản thân.

Chuyện về cô giáo ThắmLớp học tiếng Anh của cô giáo Lê Thị Thắm.

Lối đi ngay dưới chân mình…

Cô giáo Lê Thị Thắm quê ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh (Đông Sơn). Chị sinh năm 1998, cao 1,4m, nặng 27kg. Khi chào đời, không được may mắn như những đứa trẻ khác, chị không có hai tay.

“Giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay”, những tưởng mọi ước mơ, hy vọng sẽ khép lại với chị, nhưng số phận đã không quật ngã được ý chí. Chị đã kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi để viết nên những câu chuyện đẹp với thông điệp: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải luôn hướng về phía trước. Lối đi ngay dưới chân mình”.

Lúc này, vẫn còn vẹn nguyên trong chị kỷ niệm ngày lên 4 tuổi, được mẹ đưa đến trường mầm non. Trong tâm tư, người mẹ chỉ muốn con có nơi giữ trẻ, chứ không phải mang con đến trường để học. Khi các bạn trong lớp được cô tập viết, Thắm chỉ được phát một tờ giấy trắng và cây bút chì để chơi. Thấy các bạn kẹp bút vào giữa 2 ngón tay, chị bắt chước làm theo. Vì không có tay nên chị phải kẹp bút vào giữa hai ngón chân trái tập viết. Chị kể: “Là một đứa trẻ khuyết tật nhưng tôi rất muốn được đi học, khao khát được cầm bút viết. Khi thấy tôi chăm chỉ luyện chữ, cả mẹ và cô giáo, ai cũng ngạc nhiên và đồng tình ủng hộ. Tôi kiên trì lắm, viết nhiều nên chân tước da, chảy máu, mẹ băng lại rồi tôi tiếp tục tập viết. 5 tuổi, tôi đã đọc thông, viết thạo. 6 tuổi, tôi vào lớp 1”.

Kỳ diệu là chị đã từng đạt giải xuất sắc thi viết chữ đẹp của tỉnh và giải Nhì thi vẽ tranh. Trong suốt 12 năm học phổ thông, chị luôn đạt thành tích học sinh khá, giỏi.

Với người khuyết tật, đường đi càng khó khăn nhưng nghị lực, niềm tin đã đưa họ đến gần hơn với thành công. Câu chuyện của chị Lê Thị Thắm về sau này đáng trân trọng hơn khi chính chị một lần nữa biến ước mơ thành hiện thực…

Cô giáo Thắm về làng

Chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Thắm khi chị đang dạy tiếng Anh cho một số học sinh lớp 3. Lớp học chỉ vỏn vẹn 20m2 có một máy chiếu và gần 10 bộ bàn ghế. Gần 2 năm nay, căn phòng này đã trở nên quen thuộc với nhiều học sinh ở các xã Đông Thịnh, Đông Yên (Đông Sơn), phường Đông Tân (TP Thanh Hóa)…

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Lê Thị Thắm là thí sinh đặc cách được xét tuyển vào Trường Đại học Hồng Đức, khoa Sư phạm tiếng Anh. Sau 4 năm, chị ra trường với tấm bằng loại khá. Dù được một số trung tâm mời về làm việc nhưng chị từ chối vì lý do sức khỏe. Chị về quê mở lớp dạy học. Hiện, chị đang dạy cho gần 40 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. “Dạy học là nghề tôi đam mê nên không ngừng mơ ước, tôi đã phấn đấu để vào ngành sư phạm. Bắt đầu từ mùa hè năm thứ 3 đại học, một số cô, bác ở trong thôn có nhờ tôi dạy kèm cho con em của họ. Tôi như được tiếp thêm năng lượng. Từ đấy nhen nhóm trong tôi về một lớp học tiếng Anh nho nhỏ”, cô giáo Thắm chia sẻ.

Lớp học với nhiều thành phần, trong đó có những học sinh hoàn cảnh khó khăn, chị dạy miễn phí. Chị Phùng Thị Huệ, phụ huynh học sinh Lê Văn Nhật ở thôn Ngọc Lậu, xã Đông Thịnh, cho biết: “Đây là năm thứ 2, cháu Nhật theo học lớp cô giáo Thắm. Chúng tôi xúc động và cảm phục bởi một giáo viên khuyết tật nhưng rất tâm huyết với nghề”.

Gần 20 năm bền bỉ, kiên tâm với việc học và dạy học, một hành trình không mỏi của cô giáo Lê Thị Thắm. Những tấm bằng khen, giấy khen của các ban, ngành từ tỉnh đến Trung ương trao tặng cho chị trong nhiều năm qua vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập và lao động, càng trân quý hơn nghị lực phi thường con người chị. Theo ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh: “Thanh Hóa có nhiều tấm gương tàn nhưng không phế. Họ có sức sống mãnh liệt, có bản lĩnh, niềm tin. Cô giáo Lê Thị Thắm cũng là trường hợp đặc biệt. Dù không có tay nhưng lại làm nên điều kỳ diệu, không chỉ viết chữ bằng chân mà giờ còn là người giáo viên dạy chữ”.

Suốt nhiều năm qua, dẫu mang trong mình nhiều bệnh, như cách đây một tháng phải phẫu thuật u tuyến giáp, nhưng chưa lúc nào chị ngưng nghỉ đam mê, nhiệt huyết. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị vẫn lạc quan, tin tưởng, vẫn tràn ngập tình yêu với cuộc sống này, như chị tâm sự: “Tôi không nghĩ quá nhiều đến bệnh tật hay những khiếm khuyết của cơ thể. Điều tôi luôn mong muốn ở bản thân, không được gục ngã, bi lụy, cố gắng giữ vững niềm tin để đứng dậy làm việc có ích”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]