(vhds.baothanhhoa.vn) - “Hóa ra một đại dịch lại có thể bắt đầu bằng những triệu chứng như một đợt cúm mùa. Hóa ra, cái nhíu mày lúc đó của bố chính là trực giác của một lương y. Dịch bệnh bùng phát mạnh, bố đã “xông pha” ra trận để thực hiện câu hứa: “Hết dịch, bố sẽ về”. Và gia đình ta khi ấy, chẳng thể hình dung sẽ phải đánh đổi bao nhiêu điều tưởng chừng giản đơn nhưng lại vô cùng quý giá”... Những nỗi niềm này đã được thí sinh Nguyễn Đặng Tâm Nhân chia sẻ trong bài dự thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (2021) - 1 trong 3 bài ở tỉnh Thanh Hóa đạt giải quốc gia.

Chuyện về những bức thư UPU

“Hóa ra một đại dịch lại có thể bắt đầu bằng những triệu chứng như một đợt cúm mùa. Hóa ra, cái nhíu mày lúc đó của bố chính là trực giác của một lương y. Dịch bệnh bùng phát mạnh, bố đã “xông pha” ra trận để thực hiện câu hứa: “Hết dịch, bố sẽ về”. Và gia đình ta khi ấy, chẳng thể hình dung sẽ phải đánh đổi bao nhiêu điều tưởng chừng giản đơn nhưng lại vô cùng quý giá”... Những nỗi niềm này đã được thí sinh Nguyễn Đặng Tâm Nhân chia sẻ trong bài dự thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (2021) - 1 trong 3 bài ở tỉnh Thanh Hóa đạt giải quốc gia.

Chuyện về những bức thư UPUNguyễn Đặng Tâm Nhân, tác giả đạt giải Khuyến khích quốc gia tại Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (2021). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Mỗi lần đọc, vẫn nguyên dòng cảm xúc

Đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (2021), Nguyễn Đặng Tâm Nhân khi ấy đang là học sinh lớp 9B, Trường THCS Trần Mai Ninh. Hiện tại, em đang là học sinh lớp 10 Hóa, Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Tâm Nhân nói, mỗi chủ đề cuộc thi đều mang lại cho em nhiều cảm hứng. Ngay từ những năm tiểu học, Tâm Nhân đã tham gia gửi bài dự thi nhưng cho đến năm lớp 8, em mới có đủ kiến thức để hiểu hơn về chủ đề và đạt giải Nhì tỉnh. Đây cũng là bước đệm để Tâm Nhân tự tin đến với Cuộc thi Quốc tế UPU lần thứ 50 (2021). Một cuộc thi với chủ đề khá hấp dẫn, vừa mới, vừa gần gũi lại vừa thực tế: Viết về người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19.

Tâm Nhân, trong hình dung đã viết thư gửi bố - người bác sĩ vĩ đại, đã không ngại khó, ngại khổ thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng để bảo vệ sự sống của người khác. Một bức thư chất chứa nỗi niềm của con gái gửi bố nơi tuyến đầu chống dịch, là khi “Bố ra “tiền tuyến”, mẹ và chị em con ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Đó cũng là lúc con nhận rõ hơn bao giờ hết về trách nhiệm, rằng đẩy lùi đại dịch không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, của bố hay của con mà là của toàn xã hội. Sự vô trách nhiệm của một người sẽ đè lên vai người khác bằng hệ lụy...”, là sự bàng hoàng, thảng thốt, nghẹn ngào khi “Một ngày nắng đẹp, một cuộc điện thoại khiến mẹ lặng người, em òa khóc. Còn con chui vào căn xép nhỏ, gục xuống. Và lúc đó, con chạm vào bức thư của bố, những dòng chữ bố nhắn lại như còn đang rất ấm: Chuyến này đi có thể rất lâu hoặc có thể bố không trở về. Mẹ và các con hãy luôn vững vàng nhé! Bố đi, để người khác ở lại. Khi ta không còn thở không phải là đã chết. Đó là cách ta vượt qua cái chết để đến với vĩnh hằng...”.

Một bức thư cảm động, đầy sức thuyết phục. Để có chất liệu cho “tác phẩm” này, Nguyễn Đặng Tâm Nhân đã tìm hiểu về đại dịch COVID-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chuẩn bị vốn từ, đủ để có thể gọi tên được cảm xúc khi bắt tay thực hiện chủ đề. Tâm Nhân bộc bạch: “Theo suy nghĩ của em, đến với cuộc thi này, đầu tiên phải có cảm hứng về chủ đề, tránh hiểu sai chủ đề. Khi xác định viết cái gì rồi thì phải tham khảo nhiều tài liệu, bên cạnh đó phải tôi luyện cho bản thân khả năng viết, khả năng truyền đạt...”.

Với cô giáo Nguyễn Thị Oanh, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Trần Mai Ninh, thì hai chữ “đại dịch” với người lớn không mấy bất ngờ nhưng với trẻ em 15 tuổi thì đây là ký ức suốt đời không quên. Đại dịch ấy, trong mắt cô học trò Tâm Nhân, sâu sắc hơn bất cứ bạn nhỏ nào. Chị nói: “Từng con chữ như biết nói đã in sâu vào tâm trí tôi. Khi bức thư hoàn thành, tôi đã đọc cho cả lớp nghe. Không khí trong lớp, có thể nói, chỉ nghe tiếng thở của các em, còn cô đọc với giọng nghẹn ngào, sâu lắng. Mặc dù trước khi hoàn thành bức thư, hai cô trò đã gửi qua gửi lại trên zalo. Vậy mà mỗi lần đọc vẫn nguyên một dòng cảm xúc”.

Cậu học trò nhiều năm đạt giải viết thư Quốc tế UPU

Tại Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (năm 2021) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Mạnh Nguyễn, học sinh Trường THCS Nguyễn Chích (Đông Sơn) đã đạt giải Nhất. Thời điểm đạt giải, em học lớp 7A.

Chuyện về những bức thư UPUNguyễn Mạnh Nguyễn tại Lễ trao giải Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (2021) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trước đó, từ năm lớp 3 đến lớp 6, Mạnh Nguyễn liên tục đạt giải tại các Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU của huyện Đông Sơn. Với chủ đề: Viết về người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19, em đã viết thư gửi chị gái đi học xa nhà, đang sống giữa tâm dịch. Bức thư tràn đầy cảm xúc, niềm lạc quan, tin tưởng: “Theo dõi đại dịch toàn cầu, em nhận ra những điều sâu sắc mà lâu nay, chưa bao giờ nghĩ tới: Cuộc sống của con người luôn đầy những biến động khó lường đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh có thể đến bất cứ lúc nào, ta phải đương đầu, học cách đối phó, sẵn sàng “biến” hạt cát thành “viên ngọc trai” lấp lánh”. Những ngày sống chung với dịch bệnh, thấy được sự mất mát, đau thương, Mạnh Nguyễn mơ ước, hy vọng: “Một ngày không xa, em sẽ tới Vũ Hán với tư cách là một chuyên gia. Em sẽ nghiên cứu thành công vắc-xin khống chế loại virus nguy hiểm này để trả lại cuộc sống bình yên cho con người”.

Với nhiều kinh nghiệm cho một cuộc thi, Nguyễn Mạnh Nguyễn đang trong tâm thế sẵn sàng để tiếp tục tham dự Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51 (2022) với chủ đề về biến đổi khí hậu. Em chia sẻ: “Để viết một bức thư UPU tốt, từ kinh nghiệm của bản thân, cần có những kiến thức nhất định ở tất cả các môn học, biết chắt lọc kiến thức và phải có năng khiếu viết văn. Năm nay, em cũng tham gia và cũng như mọi năm, không đặt giải thưởng lên hàng đầu. Em đi thi, điều quan trọng nhất được nói lên tâm tư, tình cảm của bản thân về một vấn đề, chủ đề nào đó”. Cô giáo Nguyễn Thị Bích, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A (năm học 2021 - 2022) nhận xét về Nguyễn Mạnh Nguyễn: “Đây là học trò sống rất tình cảm, thích học văn. Khi cô giáo triển khai thể lệ cuộc thi, em hào hứng tham gia ngay. Điều khiến tôi ngạc nhiên, là sự hiểu biết về xã hội của Nguyễn. Bức thư viết cho chị gái rất xúc động”.

Những bức thư, những tấm lòng. Bức thư giữa đại dịch COVID-19 để tiếp nối những phép lạ trong hành trình kỳ diệu, kết nối con người gần lại nhau hơn, cùng vượt qua những tháng ngày gian khó và hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn...

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]