(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đó là cách gọi của rất nhiều bạn bè, thầy cô giáo trong Trường THPT chuyên Lam Sơn giành cho Mai Châu Phương. Tuy còn trẻ về tuổi đời (SN 1982), nhưng chẳng ai nghĩ cô trẻ về tuổi nghề. Từ khi còn là một cô học trò đến khi đứng trên bục giảng, Mai Châu Phương đã tạo nên kỳ tích riêng của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cô giáo "vàng" của Trường THPT chuyên Lam Sơn

(VH&ĐS) Đó là cách gọi của rất nhiều bạn bè, thầy cô giáo trong Trường THPT chuyên Lam Sơn giành cho Mai Châu Phương. Tuy còn trẻ về tuổi đời (SN 1982), nhưng chẳng ai nghĩ cô trẻ về tuổi nghề. Từ khi còn là một cô học trò đến khi đứng trên bục giảng, Mai Châu Phương đã tạo nên kỳ tích riêng của mình.

Từ một học sinh giỏi

Từ ngày là học sinh phổ thông, Châu Phương đã được bạn bè và thầy cô biết đến với những thành tích xuất sắc trong học tập. Suốt 12 năm học, Phương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Lớp 9, Phương tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh về môn Hóa và đoạt giải nhất. Lên lớp 11, Phương đoạt giải nhì môn Hóa cấp tỉnh, nhì môn Hóa quốc gia. Sang lớp 12, Phương giành giải nhất cấp tỉnh về môn Hóa và giải 3 quốc gia. Châu Phương có may mắn là được cả ba thầy giáo dạy giỏi Hóa ở Trường THPT chuyên Lam Sơn là thầy Cao Giang, Mai Đình Loát và Lê Văn Quỳnh đào tạo.

Khi nói về Châu Phương thầy giáo Lê Văn Quỳnh không khỏi tự hào: Phương là cô học trò thông minh và rất hiếu học. Hạn chế duy nhất của em là sức khỏe. Nhưng em đã vượt lên để có thành tích học tập mà tất cả bạn bè đều phải nể.

Tốt nghiệp lớp chất lượng cao khoa Hóa Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội năm 2005 với tấm bằng loại giỏi, Châu Phương được tuyển thẳng lên học thạc sỹ chuyên ngành Hóa phân tích. Học xong Châu Phương trở lại ngôi trường cũ của mình một cách tự tin.

Đến một giáo viên "vàng"

Sau thành tích của học sinh Nguyễn Đức Bình Huy chương bạc Olympic quốc tế môn Hóa tại Nhật Bản năm 2010, năm nay đối với cô giáo Mai Châu Phương và với tất cả thầy trò xứ Thanh, niềm vui được nhân lên rất nhiều khi lần đầu tiên Trường THPT chuyên Lam Sơn có Huy chương vàng môn Hóa học.

Cô giáo "vàng" Mai Châu Phương.

Nhưng khi được hỏi có quá bất ngờ với kết quả của học sinh Nguyễn Khánh Duy không? Cao Phương tự tin trả lời: Tôi không bất ngờ vì kết quả này hoàn toàn có thể dự đoán được. Duy là một trong những học sinh niềm tin của Việt Nam khi đi thi đấu quốc tế, do vậy mà kết quả này hoàn toàn xứng đáng với những gì cháu đã cố gắng, xứng đáng với trí tuệ của cháu.

Đứng trên phương diện là một giáo viên thì tôi rất tự hào khi đỉnh cao đó Lam Sơn đã dành được và hy vọng các lần sau nữa Lam Sơn vẫn sẽ giữ được phong độ. Còn tự hào hơn khi Khánh Duy là một học sinh giỏi đồng đều các môn. Từ giáo viên dạy Văn cũng nói Duy viết văn rất tốt, hay cô dạy giáo dục công dân cũng vậy. Đặc biệt, cả thời gian dài ở đội tuyển Duy không học trên lớp nhưng khi về các bạn có những bài khó không thể giải nổi thì Duy đều có thể làm được.

Khi được hỏi về khó khăn khi đào tạo một học sinh giỏi Hóa đó là gì? Mai Châu Phương thành thật: Tôi cứ hùng hục dạy thôi. Nhưng đứng về phía học trò, môn Hóa là môn đặc biệt tích hợp nhiều môn học khác ở bên trong, đó là môn Toán, môn Lý, môn Sinh. Đặc biệt cần nhất đó là môn Toán. Vì thế trong quá trình dạy thì khó khăn đầu tiên của một giáo viên Hóa như tôi là phải dạy Toán cho các cháu. Dạy gốc gác của Toán thì tôi không dạy mà tôi chỉ dạy vượt các kiến thức cần trước để các cháu có thể tiếp cận và giải các bài Hóa học khó.

Ai cũng biết riêng với các môn có thi thực hành học sinh Việt Nam đều có những điểm hạn chế. Điểm thuận lợi nhất của học sinh Việt Nam là ngón tay nhỏ nên cầm các ống nghiệm rất chắc, rơi một ống nghiệm là bị trừ 5 điểm. Kinh nghiệm của cô giáo Mai Châu Phương là không chờ đến khi các cháu đi thi quốc gia hay quốc tế mới rèn tính cẩn thận trong việc làm bài thực hành: Quan điểm của tôi ngay từ khi bắt đầu đào tạo thực hành cơ bản là rất rắn với học trò.

Ví dụ khi học lý thuyết cần nghiêm túc 1 thì học thực hành cần nghiêm túc 10. Giai đoạn đầu trong quá trình thực hành mà lơ là với các cháu sẽ dẫn các cháu đến việc chủ quan. Trường hợp của Nguyễn Khánh Duy là được rèn rũa tính cẩn thận ngay từ ban đầu, không được phép đổ vỡ, không được phép nhầm lẫn và làm một cách nghiêm túc các thí nghiệm và độc lập để có kết quả độc lập chứ không phải làm cái này na ná cái kia để rút ra kết luận là không được.

Sự nghiêm khắc với mình và với học trò đã giúp trong hơn 10 năm đứng trên bục giảng, Mai Châu Phương đã có những thành tích giáo dục thật đặc biệt. Tôi hỏi: Các bạn trong trường Lam Sơn đều gọi bạn là cô giáo "vàng", bạn vui chứ. Phương cười rất to: Mọi người đang đề cao tôi quá. Tôi chỉ là một học trò giỏi và là một cô giáo có học trò vàng, thế thôi.

Thành tích của mỗi một học sinh, đương nhiên, phụ thuộc rất nhiều vào tài năng sự nỗ lực của chính bản thân. Nhưng nếu không có một cô giáo tận tâm, có kĩ năng giáo dục, và có chuyên môn tốt các em sẽ không thể phát huy hết khả năng. Mai Châu Phương được các thế hệ học trò yêu quý chính vì lẽ đó.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]