(vhds.baothanhhoa.vn) - Ly hôn không có nghĩa là người bố hoặc mẹ hết trách nhiệm với con cái. Sau ly hôn, bố mẹ vẫn phải cùng nhau giáo dục con cái...

Cùng giáo dục con sau ly hôn

Ly hôn không có nghĩa là người bố hoặc mẹ hết trách nhiệm với con cái. Sau ly hôn, bố mẹ vẫn phải cùng nhau giáo dục con cái...

Cùng giáo dục con sau ly hônTrao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Trường Tiểu học Đông Cương (TP Thanh Hóa. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Buồn, vui từ những cách giáo dục

Trở lại với câu chuyện xảy ra cách đây 3 năm tại huyện Triệu Sơn, khi một người bố đã dùng dây thừng trói con gái vào cột, sau đó lấy roi tre đánh thâm tím người con. Lý do dẫn đến hành động này của người bố vì cháu học kém hơn anh trai. Về hoàn cảnh, bố mẹ các cháu đã ly hôn, 2 anh em ở với bố và bà nội. Xét ở hành động, đây là sự giáo dục phản cảm, nhất là khi cháu đã và đang thiếu thốn tình cảm của người mẹ.

Sau ly hôn, đặt ra trách nhiệm rất lớn cho cả người bố và mẹ. Bản thân người trực tiếp nuôi con thì việc chăm sóc, giáo dục con chắc chắn sẽ áp lực, khó khăn hơn. Đối với người không nuôi con, ngay cả khi đã hoàn thành việc cấp dưỡng theo luật (đến khi con trưởng thành) thì vẫn phải cùng vợ hoặc chồng tiếp tục giáo dục con trở thành một công dân tốt...

Một người bạn của tôi là kiến trúc sư, vợ là bác sĩ. Hai người chia tay nhau đã gần 10 năm. Khi đường ai nấy đi, mỗi người nuôi một đứa con. Tuy nhiên, cách ứng xử của hai người đối với các con khiến cho bạn bè nể phục. Mặc dù, hai người sống ở 2 tỉnh, thành khác nhau nhưng họ vẫn giữ mối liên hệ để cùng trao đổi trong cách giáo dục con. Gần 10 năm qua, vào các dịp lễ hoặc nghỉ hè, các cháu vẫn được bố, mẹ cho về quê nội, ngoại để thăm ông bà. Đặc biệt, người mẹ, tối nào cũng trao đổi bài vở cùng con gái (đang sống với bố) qua mạng xã hội. Ngược lại, ông bố giỏi tiếng Anh, nên cũng thường xuyên dạy thêm cho con gái (đang ở với mẹ) qua zalo, facebook. Không những vậy, chuyện cá nhân của các con vẫn được chia sẻ tới bố, mẹ để mong góp ý, chỉ bảo...

Từ câu chuyện trên cho thấy, thực tế, bố mẹ ly hôn nhưng các con không đứng bên ngoài cuộc. Dù tình cảm gia đình không còn trọn vẹn nhưng vẫn tạo cho các con sự cảm nhận gần gũi, vẫn đón nhận được sự giáo dục từ cả bố và mẹ... Đó là điều rất cần sau mỗi cuộc ly hôn.

Cha mẹ có trách nhiệm

nuôi dưỡng, giáo dục con

Là người công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Quý (Hoằng Hóa) đã được chứng kiến hoàn cảnh của nhiều học sinh trong trường, trong đó có học sinh bố mẹ đã ly hôn. Tuy nhiên, những trường hợp này lại luôn nhận được sự quan tâm của cả bố và mẹ. “Họ rất trách nhiệm và sòng phẳng. Quan điểm của họ cũng rất rõ ràng, ly hôn nhưng vẫn xác định chăm sóc, giáo dục con cái”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh cho biết.

Nhiều câu chuyện đã được người hiệu trưởng này kể lại bằng tất cả sự trân trọng. Bà nhớ lại: “Con ở với mẹ nhưng bố vẫn đến đón con đi chơi, hoặc mẹ không ở với con nhưng vẫn gọi điện thường xuyên thông qua cô giáo để hỏi thăm tình hình học tập của con. Thực tình mà nói, bố mẹ ly hôn, con sẽ thiếu thốn tình cảm ít nhiều, nhưng họ không bỏ bê, phó mặc con cái, họ cùng trách nhiệm để giáo dục con...”.

Cùng giáo dục con sau ly hônMột phiên tòa giải quyết thủ tục ly hôn ở Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa.

Ở Trường Tiểu học Đông Cương (TP Thanh Hóa), theo chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Thúy Hòa, nhà trường cũng có nhiều học sinh có bố mẹ ly hôn. Ở đó, có em vẫn được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của bố hoặc mẹ nhưng có những em bố đi lấy vợ, mẹ lấy chồng nên phải ở với ông bà, do vậy hạn chế về điều kiện giáo dục các em. Đứng ở góc độ quản lý, Hiệu trưởng Nguyễn Thúy Hòa cho rằng: “Những học sinh mà bố mẹ ly hôn sẽ bị tổn thương, thiệt thòi về mặt tình cảm, ảnh hưởng đến tâm lý, học tập và rèn luyện. Đối với nhà trường, ngoài sự dạy bảo của các thầy cô giáo, vào các dịp lễ, tết, chúng tôi luôn dành những phần quà để khuyến khích, động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội”.

Ngày càng gia tăng tỷ lệ ly hôn, đặc biệt đối với những vợ chồng trẻ. TP Thanh Hóa, một trong những địa phương có tình trạng ly hôn cao nhất tỉnh. Theo thống kê, năm 2021, có 932 vụ, trong đó các cặp vợ chồng ly hôn dưới 30 tuổi, chiếm tỷ lệ 50%. Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa, ông Đỗ Xuân Hùng: “Sau khi ly hôn, cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định tại Điều 81, 82, 83 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều lý do khác nhau mà cha mẹ không quan tâm được đến con cái theo quy định của pháp luật, như do khó khăn về kinh tế, về cuộc sống gia đình với người mới, nhất là về tư tưởng, trách nhiệm đối với con cái của một bộ phận lớp trẻ sau ly hôn mang tính lơi là, ỉ lại cho hai bên gia đình nội, ngoại. Những nguyên nhân này ảnh hưởng lớn đến hình thành nhân cách, lối sống của các cháu".

Ly hôn không có nghĩa là hết trách nhiệm với con cái, thậm chí còn đặt ra trách nhiệm lớn hơn. Không phải đứa con nào cũng hư hỏng khi bố mẹ ly hôn, nhưng cũng có trường hợp con trở thành người xấu lại xuất phát từ sự chia tay của bố mẹ. Thiếu sự chăm sóc, giáo dục, thiếu trách nhiệm từ hai phía thì thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ.

Vi An


Vi An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]