(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc tận dụng những nguyên vật liệu thiên nhiên và phế liệu làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ không những giúp trẻ có hứng thú với giờ học, khởi nguồn sáng tạo mà còn gắn kết tình cảm cô trò, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Cùng trẻ làm đồ chơi: Kích thích sự sáng tạo, hứng thú học tập của trẻ

Việc tận dụng những nguyên vật liệu thiên nhiên và phế liệu làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ không những giúp trẻ có hứng thú với giờ học, khởi nguồn sáng tạo mà còn gắn kết tình cảm cô trò, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Cùng trẻ làm đồ chơi: Kích thích sự sáng tạo, hứng thú học tập của trẻCô Lê Thị Tuyết cùng học sinh làm đồ chơi bằng nguyên liệu tự nhiên.

Sáng ngày 20-6, cô Lê Thị Tuyết, giáo viên Trường Mầm non Đông Sơn (TP Thanh Hóa) mang đến lớp Hoa Hồng (5-6 tuổi) rất nhiều đồ dùng như thước, bút chì, giấy dán nhiều màu, kéo, keo, lá cây khô... cùng sách minh họa để cùng các em tìm hiểu về các loại rau củ quả. Ngay sau đó, lớp học trở nên sôi nổi với nhiều cánh tay tý hon giơ cao xung phong trả lời câu hỏi “con hãy kể tên loại rau, củ, quả mà mình biết”. Rồi khi được cô thông báo tiết học tiếp tục với việc làm đồ chơi thì tất cả các em nhảy lên reo hò vỗ tay hoan hô. Cứ thế tiết học bắt đầu với niềm vui và tiếng cười, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các em phân thành các nhóm, mỗi bạn đảm nhận một việc hoàn thành bài học cũng là tạo ra món đồ chơi yêu thích.

Điều thú vị của tiết học là các em sẽ tự nói cho nhau nghe về đặc điểm món đồ mình làm, như làm cà rốt là củ thì sử dụng màu cam, lá màu xanh, cà rốt có tác dụng sáng mắt, con thỏ rất thích ăn cà rốt... Sau khi hoàn thành sản phẩm, cô trò tiếp tục bài học về như đặc điểm, màu sắc, công dụng... những kiến thức này đều tự các em nói lên theo gợi ý của cô. Quan sát từ trong lớp học ra ngoài sân trường có rất nhiều đồ dùng, đồ chơi do cô trò cùng làm như thú nhồi bông, tranh ghép hình, thế giới động vật, gia cầm, các loại hoa, cầu chui... Cô Tuyết chia sẻ: “Đồ dùng, đồ chơi là nhu cầu thiết yếu giúp các con phát huy được tính sáng tạo, tăng hoạt động thể lực, phát triển về trí tuệ và thể chất. Bên cạnh đó, việc làm đồ chơi giúp các em có cảm giác “học là chơi, chơi là học” và vui vẻ tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, các con được tự do thể hiện hiểu biết của mình, điều này rất có lợi cho việc ghi nhớ kiến thức về sau”.

Cùng phương pháp dạy học với cô Tuyết, cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên Trường Mầm non Trường Thi B (TP Thanh Hóa) cũng thường xuyên tổ chức những buổi tự làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho học sinh. Theo đó, mỗi tuần cô sẽ dành từ 2-3 buổi học cùng trẻ vừa chơi vừa học, chủ đề mỗi buổi thực hành sẽ được cô thông báo trước để các em có sự chuẩn bị hoặc tìm hiểu kiến thức. Cô Yến cho biết: “Làm đồ chơi rất đa dạng, phong phú, đó có thể là một tấm thiệp tặng mẹ nhân ngày 20-10. Khung thiệp được cô cung cấp, trong đó các con có thể vẽ những loài hoa, hình ảnh ngộ nghĩnh, tự tô màu và ghi những lời chúc đáng yêu dành cho cha mẹ, có những chủ đề cô sẽ mời cả phụ huynh cùng tham gia. Cùng làm mới thấy hết được sự sáng tạo và đáng yêu của các con, cũng làm cho tình cảm của cô và trò thêm gắn kết”.

Cùng trẻ làm đồ chơi: Kích thích sự sáng tạo, hứng thú học tập của trẻHọc sinh mầm non hứng thú với tiết học làm đồ chơi, đồ dùng.

Cùng học sinh làm đồ chơi trở thành “giáo án” không chỉ của giáo viên Trường Mầm non Đông Sơn, Trường Thi B mà rất nhiều trường mầm non trong tỉnh. Nhà trường tận dụng những nguyên liệu thiên nhiên, phế liệu đã qua sử dụng, sẵn có như: giấy, hộp bánh kẹo, các túi, lon, hộp đựng đồ, đựng thức ăn, báo, tạp chí cũ, vỏ hộp sữa, chai lọ, các cành cây, lá cây khô, len... để làm ra những món đồ dùng, đồ chơi sáng tạo với đủ kiểu dáng, màu sắc sinh động, phong phú. Trước khi làm, giáo viên vệ sinh sạch sẽ các nguyên liệu, hướng dẫn các em sử dụng nguyên liệu an toàn, đúng cách. Những món đồ chơi này có thể được các em đem về để khoe với gia đình hoặc để lại lớp trở thành dụng cụ học tập để giáo viên đưa vào bài giảng. Theo chia sẻ của nhiều giáo viên thì việc cùng trẻ làm đồ chơi, đồ dùng học tập là cách làm hiệu quả với trẻ mầm non, bởi ở lứa tuổi này các em dễ bị phân tán, khó tập trung. Vì vậy, việc tạo ra món đồ chơi sẽ giúp các em chủ động tập trung, kích thích trí sáng tạo và tăng khả năng nhận thức cho trẻ.

Cô Ngô Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Sơn cho biết: "Nhận thức được vai trò quan trọng của việc tự làm đồ dùng, đồ chơi để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn khuyến khích, động viên nhằm nâng cao nhận thức cho giáo viên. Từ những chủ đề cụ thể, mỗi giáo viên nhà trường đã phát huy tính chủ động cùng với học sinh tạo ra những đồ dùng, đồ chơi hữu ích. Không những thế nhà trường còn phối hợp với phụ huynh tạo ra những đồ chơi có giá trị sử dụng cao, phục vụ cho việc vui chơi, giải trí. Hàng năm, nhà trường đều phát động phong trào làm đồ dùng, đồ chơi học tập, chú trọng việc khen thưởng, biểu dương những giáo viên biết tìm tòi, sáng tạo ra các sản phẩm đồ dùng, đồ chơi có chất lượng trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

Hiện nay, thị trường đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ em rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, xét về phương diện giáo dục thì không thể để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và mục đích của chương trình dạy học ở trường mầm non. Cùng một món đồ chơi nhưng nếu được các em tự tay làm ra, hay đó là sự phối hợp giữa cô và trò thì học sinh sẽ cảm thấy yêu quý và hứng thú hơn rất nhiều. Đây cũng là một hình thức dạy cho trẻ biết yêu quý sức lao động ngay khi còn bé. Với tư duy đó, việc làm đồ chơi cũng đã trở thành phong trào giáo dục thiết thực ở các trường. Không những thế, phương pháp học tập này còn giúp nâng cao hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, lấy trẻ làm trung tâm, tạo động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]