(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, nhiều giáo viên đã không quản ngại khó khăn, gian khổ bám trường, bám lớp, “gieo chữ" cho con em học sinh vùng cao, biên giới, hải đảo xa xôi, cho dù điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi còn nhiều thiếu thốn. Thậm chí, họ phải ở trọ nhà dân, cũng có giáo viên được bố trí tại các nhà công vụ trong trường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại các khu này phần lớn không đáp ứng nhu cầu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảm bảo “an cư” cho giáo viên

Trong những năm qua, nhiều giáo viên đã không quản ngại khó khăn, gian khổ bám trường, bám lớp, “gieo chữ" cho con em học sinh vùng cao, biên giới, hải đảo xa xôi, cho dù điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi còn nhiều thiếu thốn. Thậm chí, họ phải ở trọ nhà dân, cũng có giáo viên được bố trí tại các nhà công vụ trong trường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại các khu này phần lớn không đáp ứng nhu cầu.

Theo thống kê của Công đoàn ngành GD&ĐT Thanh Hóa, riêng bậc học THPT toàn tỉnh có 1.732 cán bộ, giáo viên, lao động tham gia công tác, giảng dạy tại 29 trường THPT, THCS&THPT trên địa bàn 11 huyện miền núi. Trong đó, nhu cầu về nhà ở cho giáo viên tại khu vực này rất lớn.

Năm học 2019 - 2020, nhiều trường có nhu cầu xây mới nhà công vụ cho giáo viên. Trong đó, Trường THPT Mường Lát: 3 phòng; Trường THCS&THPT Bá Thước: 3 phòng. Các trường THPT Mường Lát, THCS&THPT Bá Thước, THPT Thường Xuân 3, THPT Cẩm Thủy 2, THPT Thạch Thành 4... cũng có nhu cầu sửa chữa lại nhà công vụ, với tổng 33 phòng cho giáo viên.

Tại một số huyện vùng cao như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước... nhiều thầy cô vẫn đang phải sống trong điều kiện khó khăn về chỗ ở. Có những nơi, sau khi hết giờ dạy, nhiều thầy cô còn phải vượt qua quãng đường xa xôi để về đến nhà trọ. Đặc biệt vào những ngày mưa lũ, con đường ấy càng trở nên xa xôi, nguy hiểm bội phần.

Nhà công vụ cho giáo viên Trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn đang được sửa chữa, nâng cấp.

Có một thực tế, trong vài năm trở lại đây, việc đầu tư, xây mới nhà công vụ cho giáo viên còn bỏ ngỏ, trong khi phần lớn các nhà công vụ này được xây dựng từ khá lâu, một số hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Có những giáo viên phải tự bỏ tiền túi của mình để tu sửa, cải tạo lại phòng ở, khu vực sinh hoạt...

Thầy giáo Lê Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa, cho biết: Hiện tại phần lớn giáo viên ở lại trường chủ yếu từ dưới xuôi lên. Nhu cầu nhà ở cho giáo viên lớn, trong khi nhà công vụ lại không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt do thiếu phòng, cơ sở vật chất xuống cấp. Hiện, nhà công vụ ở trường có 10 phòng, nhưng có đến 15 giáo viên sinh sống, trong đó có 4 hộ gia đình. Một số giáo viên phải ở ghép, nhường phòng cho các hộ có gia đình, con nhỏ.

Toàn huyện Quan Hóa có 232 phòng cho giáo viên ở từ cấp mầm non đến THPT. Theo tính toán của huyện cũng như nhu cầu sinh hoạt, ăn nghỉ của giáo viên, Quan Hóa cần xây mới 126 phòng cho giáo viên ở.

Còn ông Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn, cho biết, số lượng giáo viên công tác, giảng dạy tại trường chủ yếu dưới xuôi lên, rất cần nhà ở. Hiện nay, trường có dãy nhà công vụ với tổng số 16 phòng, nhưng có đến 20 người ở, trong đó có 4 hộ gia đình. Khu nhà này được xây dựng từ những năm 2000, đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà trường đã tham mưu, phối hợp chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, công đoàn ngành, góp sức của giáo viên trong trường, đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục nhằm đảm bảo sinh hoạt cho giáo viên.

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Bá Nam - Chủ tịch Công đoàn Sở GD&ĐT Thanh Hóa, chia sẻ: Đến nay các nhà công vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo viên ở xa. Tuy nhiên nhiều nhà công vụ được xây dựng từ lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của giáo viên. Đây cũng là yếu tố tác động đến hoạt động dạy và học ở trường. Trên tiền đề đó, việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên công tác, giảng dạy ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là một nhu cầu chính đáng, mang tính cấp thiết và lâu dài. Đồng thời, tạo động lực cho giáo viên yên tâm bám trường, bám lớp.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, nhiều năm qua các tổ chức công đoàn luôn quan tâm, kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong việc huy động, xây mới nhà công vụ cho giáo viên.

Cũng theo ông Nam, trong năm học 2019 - 2020, Công đoàn ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã tiến hành nhiều hoạt động chia khó, hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn. Theo đó, hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi cho giáo viên Trường THPT Quan Hóa tổng trị giá 80 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà công vụ giáo viên Trường THPT Bá Thước 360 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi cho giáo viên Trường THPT Mường Lát 60 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhà công vụ giáo viên Trường THPT Quan Sơn 70 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhà công vụ giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4 trên 50 triệu đồng;...

Thêm một năm học mới nữa lại đến nhưng nỗi lo an cư vẫn đè nặng trên đôi vai của thầy, cô giáo ở những điểm trường khó khăn. Họ đang cần sự đầu tư hơn nữa để thực sự yên tâm bám trường, bám lớp...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]