(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mong muốn góp sức mình vào sự phát triển chung của địa phương, của tỉnh nên khi có dự án triển khai trên địa bàn, người dân TP Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn sẵn sàng nhường lại nhà cửa, ruộng vườn, thậm chí di dời mồ mả tổ tiên, đến nơi ở mới. Giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, chính quyền hai địa phương này đã có nhiều hoạt động thiết thực.

Đảm bảo an sinh cho người dân nhường đất cho dự án ở các đô thị

Với mong muốn góp sức mình vào sự phát triển chung của địa phương, của tỉnh nên khi có dự án triển khai trên địa bàn, người dân TP Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn sẵn sàng nhường lại nhà cửa, ruộng vườn, thậm chí di dời mồ mả tổ tiên, đến nơi ở mới. Giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, chính quyền hai địa phương này đã có nhiều hoạt động thiết thực.

Đảm bảo an sinh cho người dân nhường đất cho dự án ở các đô thịGiám đốc vận hành Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 vui mừng về thành quả của bà con thuộc diện di dời đất, khi sử dụng phân, thuốc vi sinh do công ty hướng dẫn.

Chủ tịch UBND phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn), ông Hoàng Thăng Giáp, cho biết: Triển khai Dự án Quảng trường biển và tổ hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn do Công ty Cổ phần tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) làm chủ đầu tư, phường Trung Sơn có hơn 100ha đất bị thu hồi (55ha đất nông nghiệp, 47ha đất ở) với hơn 2.000 hộ bị ảnh hưởng. Đảm bảo an sinh cho người dân có đất bị thu hồi, ngoài thực hiện tốt các chính sách của tỉnh như hỗ trợ di dời, hỗ trợ gạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề..., địa phương đã đề xuất với thành phố làm việc với chủ đầu tư ưu tiên tuyển dụng lao động có đất bị thu hồi vào làm việc tại Sun Group. Trên tinh thần đó, phường Trung Sơn có hàng nghìn lao động ở các độ tuổi vào làm tại Sun Group. Ngoài số lao động làm việc tại Sun Group, đi xuất khẩu lao động, làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh và tại nhà, đến nay hơn 6.000 lao động của phường cơ bản có việc làm với thu nhập ổn định.

Là một trong những hộ chấp hành tốt chủ trương thu hồi đất phục vụ dự án, ông Nguyễn Hữu Tính ở khu phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn), cho biết: “Gia đình tôi có 2 nhà ở (một nhà diện tích 186m2 nằm ngay trên đường Hồ Xuân Hương - nơi quy hoạch quảng trường biển và một nhà có diện tích 240m2 nằm trên đường Nguyễn Hữu Lễ). Cả 2 nơi đều kinh doanh nhà hàng phục vụ khách du lịch. Khi có dự án, tôi mất cả hai địa điểm kinh doanh rất thuận lợi, mất nguồn thu lớn cho gia đình. Song vì cái chung, tôi gương mẫu chấp hành, sớm bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Ngoài nhận được đất trên trục đường Thanh Niên, gia đình còn nhận được các khoản hỗ trợ của Nhà nước như: 30kg gạo/người/tháng trong vòng 12 tháng, tiền hỗ trợ di dời, thuê nhà... gia đình tôi tham gia các buổi tập huấn chuyển đổi nghề do phường và thành phố tổ chức. Nhờ tham dự các buổi tập huấn phục vụ kinh doanh dịch vụ du lịch, việc kinh doanh của gia đình ở địa điểm mới chuyên nghiệp, bài bản hơn so với trước".

Nhiều hộ gia đình khác ở phường Trung Sơn và các phường khác trên địa bàn TP Sầm Sơn khi có đất thu hồi phục vụ dự án đều được chính quyền quan tâm, giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Ông Vũ Đình Thịnh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Sầm Sơn, cho biết: Trên địa bàn thành phố có nhiều dự án như: FLC, đường ven biển... và gần đây là dự án quảng trường biển và tổ hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn do Sun Group làm chủ đầu tư. Thực hiện các dự án này, Sầm Sơn có trên 900ha đất bị thu hồi với trên 17 nghìn hộ bị ảnh hưởng. Đảm bảo an sinh, ngoài thực hiện tốt các chính sách của tỉnh đối với các hộ có đất bị thu hồi, TP Sầm Sơn đã quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Ngoài đấu mối với các trường nghề trong tỉnh mở lớp đào tạo nghề 3 tháng, thành phố còn mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kinh doanh dịch vụ du lịch cho từ 2.500 - 3.000 người dân mỗi năm. Đồng thời, thành phố đã đấu mối với Tập đoàn FLC, Sun Group và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Lễ Môn, Hoàng Long tuyển dụng lao động. Bằng cách làm này, cuộc sống của người dân Sầm Sơn, nhất là người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thu hồi đất, đến nay đều có cuộc sống ổn định.

Thị xã Nghi Sơn là địa phương đứng đầu tỉnh về số lượng các dự án triển khai trên địa bàn. Theo Ban Giải phóng mặt bằng hạ tầng và tái định cư thị xã, chỉ tính từ năm 2018 đến ngày 15-4-2021, địa phương này có trên 400 dự án được triển khai, với diện tích đất đã thu hồi gần 2.000ha và số hộ bị ảnh hưởng gần 15 nghìn lượt. Ông Lê Khắc Đạo, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Nghi Sơn, cho biết: Những hộ có đất bị thu hồi bởi dự án, thị xã rất quan tâm đến công tác đảm bảo an sinh, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách như quy định của tỉnh về hỗ trợ gạo, hỗ trợ người dân di dời (nếu phải tái định cư), hỗ trợ chuyển đổi nghề, quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Thông qua các hình thức đào tạo, đến nay, số lao động qua đào tạo của thị xã đạt 65% trong tổng số 125.986 lao động. Bên cạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được thị xã coi trọng. Thông qua các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, kênh xuất khẩu lao động và các chương trình dự án tạo việc làm cho người lao động, mỗi năm thị xã đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, số lao động có việc làm tăng lên 1.752 người. Từ hiệu quả của việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân có đất bị thu hồi không chỉ giúp các hộ gia đình có cuộc sống ổn định mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã xuống còn 2,09%.

Đảm bảo an sinh cho người dân nhường đất cho dự án ở các đô thịĐại diện Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 và giảng viên Trường ĐH Hồng Đức thăm vườn rau của gia đình ông Trần Văn Định, tiểu khu Liên Trung, phường Hải Thượng, là hộ dân thuộc diện di dời đất.

Phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn có 14 dự án triển khai, với diện tích đất thu hồi là 82,617ha và số hộ bị ảnh hưởng là 814 hộ/ 2.000 hộ. Bà Nguyễn Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết: Đảm bảo cuộc sống của các hộ dân bị ảnh hưởng dự án, ngoài thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của cấp trên, phường tích cực đấu mối với các đơn vị đóng trên địa bàn như Công ty Gang thép Nghi Sơn, Nhà máy Điện Nghi Sơn 1, Nghi Sơn 2, Công ty Long Sơn tuyển dụng lao động phổ thông, lao động có tay nghề và đã có 2 nghìn lao động đang làm tại doanh nghiệp trên với mức lương từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Đối với những lao động ngoài độ tuổi tuyển dụng, nhằm giúp họ có việc làm, tăng thu nhập ngay tại mảnh vườn của gia đình, ngoài định hướng chuyển đổi đưa cây rau màu có giá trị vào gieo trồng, chăm sóc theo hướng xanh, sạch, UBND phường đã đấu mối với Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật làm phân từ rác thải sinh hoạt và làm thuốc trừ sâu vi sinh dùng chăm sóc cho cây. Mô hình này, trước mắt được tiểu khu Liên Trung thực hiện với 60 hộ tham gia. Nhờ được tập huấn kỹ thuật làm phân, thuốc và quá trình trồng, chăm sóc cây màu tuân thủ theo hướng dẫn nên các loại rau màu như cà chua, rau ăn lá... đảm bảo sạch, an toàn nên bán được giá và được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Các tiểu khu khác, phường phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp tập huấn đào tạo nghề, chế biến hải sản, nghề đan lát... vừa nâng cao kiến thức, giải quyết việc làm tại chỗ vừa tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần giảm hộ nghèo của phường từ 136 hộ năm 2019, xuống còn 70 hộ năm 2020 và hiện chỉ còn 18 hộ nghèo trong tổng số 2.000 hộ của phường.

Có thể nói, đảm bảo an sinh khi người dân nhường đất cho dự án ở các khu đô thị được coi là nhiệm vụ chính trị ở các địa phương. Vì vậy, khi có dự án triển khai trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cùng vào cuộc nghiêm túc, đảm bảo cuộc sống, việc làm cho người dân. Qua đó, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân trong việc giải phóng mặt bằng các dự án.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]