(vhds.baothanhhoa.vn) - Với phương châm “trao cần câu” và “dạy cách câu”, công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn ở các huyện miền núi đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề.

Đào tạo nghề cho lao động ở miền núi: Những tín hiệu vui

Với phương châm “trao cần câu” và “dạy cách câu”, công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn ở các huyện miền núi đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề.

Đào tạo nghề cho lao động ở miền núi: Những tín hiệu vuiHọc nghề may, nhiều lao động ở các huyện miền núi có việc làm, thu nhập ổn định.

Anh Trịnh Ngọc Hân, thôn Trụ Sở, xã Lam Sơn (Ngọc Lặc), là một trong số những lao động có thu nhập khá nhờ tham gia học nghề. Trước đây, gia đình anh nuôi ong theo kinh nghiệm truyền thống, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hiệu quả không cao. Sau khi học xong lớp chăn nuôi ong, nắm vững kỹ thuật chăm sóc, anh đầu tư mở rộng quy mô nuôi ong. Hiện nay, gia đình anh Hân nuôi hơn 550 đàn ong, trừ chi phí thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm. Anh Trịnh Ngọc Hân, chia sẻ: “Sau khi học xong lớp kỹ thuật chăn nuôi ong, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc đàn ong. Nhờ vậy, đàn ong của gia đình tôi luôn phát triển ổn định, chất lượng mật tốt, mang lại nguồn thu nhập cao".

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2010 - 2020 huyện Ngọc Lặc đã phối hợp với các đơn vị chức năng mở được 37 lớp dạy nghề cho 1.340 lao động nông thôn. Tập trung chủ yếu là các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, như: Nuôi ong, trồng mía, trồng sắn, chăn nuôi lợn, chăn nuôi thủy sản, may công nghiệp, điện hàn dân dụng, sửa chữa điện tử, sửa chữa xe máy... Sau học nghề, 85% lao động có việc làm, nhiều học viên đã tự mở dịch vụ phục vụ nhu cầu Nhân dân địa phương như xưởng gò hàn, hiệu sửa chữa máy nông cụ, tổ hợp tác dệt thổ cẩm… Ngoài Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, UBND huyện giao Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký hợp đồng với những cơ sở ĐTN có uy tín, chất lượng: Trường Cao đẳng May và Thiết kế thời trang Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm, Trường Cao đẳng Nghề cơ điện, xây dựng, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh… mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với các ngành nghề, như: Kỹ thuật nấu ăn, may mặc, xây dựng, chăn nuôi, thú y. Giai đoạn 2014 - 2020 huyện Ngọc Lặc tạo việc làm mới cho hơn 10.000 lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47,4%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh, từ 16,55% năm 2016, xuống còn 1,07% năm 2020, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Ngọc Lặc được nâng lên rõ nét.

Ông Quách Văn Thọ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc, cho biết: Trong những năm qua, công tác ĐTN giải quyết việc làm cho người lao động luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Ngọc Lặc quan tâm. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Trong thời gian thực hiện đề án ĐTN cho lao động nông thôn của huyện, điểm được nhất là người nông dân đã thay đổi nhận thức học nghề. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình ĐTN... để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Tại huyện Thạch Thành, công tác ĐTN cho lao động nông thôn cũng có nhiều khởi sắc. Trong giai đoạn 2010 - 2020, huyện đã ĐTN cho hơn 35.000 lao động nông thôn, trong đó có 7.500 lao động được đào tạo theo Đề án 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ, 14.500 lao động được học nghề là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. ĐTN cho lao động nông thôn làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Thạch Thành từ 25% năm 2010 lên 65% năm 2020. Người lao động sau khi học nghề đã áp dụng những kiến thức, kỹ thuật vào lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Cùng với các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, công tác ĐTN cho lao động nông thôn cũng được nhiều huyện miền núi quan tâm, bước đầu đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Người lao động sau học nghề đã nắm bắt kịp thời các kiến thức, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất; mạnh dạn đầu tư, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng; thực hiện sản xuất lao động theo quy trình, khoa học, có tính sáng tạo, góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất, thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2014 - 2020, các huyện miền núi có 106.589 lao động sau khi được ĐTN có việc làm, thu nhập ổn định. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của các huyện miền núi đã đạt 53%. Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi là 5,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,1 triệu đồng.

Hiện nay, 11 huyện miền núi có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 2 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, đào tạo 13 mã ngành, nghề trung cấp như hàn, may thời trang, điện công nghiệp, lâm sinh, chăn nuôi - thú y, trồng nấm, trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả... Quy mô tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp 11 huyện miền núi là 6.905 người/ năm. Trong đó, trình độ trung cấp 1.035 người, trình độ sơ cấp 5.870 người. Đây là điều kiện thuận lợi để các huyện miền núi đẩy mạnh công tác ĐTN, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: ĐTN cho lao động nông thôn ở các huyện miền núi đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, các huyện miền núi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc ĐTN. Ưu tiên ĐTN cho đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động hưởng chính sách ưu đãi người có công, lao động bị thu hồi đất, lao động làm nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi việc làm sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tập đoàn lớn thuộc những ngành nghề phục vụ khai thác tiềm năng, lợi thế của các huyện miền núi. Chú trọng đầu tư nâng cao kết cấu hạ tầng, trang thiết bị dạy nghề để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động ĐTN cho lao động nông thôn đảm bảo dạy nghề có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và giải quyết việc làm sau đào tạo.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]