(vhds.baothanhhoa.vn) - Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ 4.0 mang lại thì có không ít hệ lụy. Giúp trẻ tỉnh táo hơn, không sa đà vào các tiện ích giải trí trên internet, mạng xã hội..., vai trò và trách nhiệm của những người làm cha mẹ là rất lớn.

Dạy con sống tích cực trong thời công nghệ 4.0

Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ 4.0 mang lại thì có không ít hệ lụy. Giúp trẻ tỉnh táo hơn, không sa đà vào các tiện ích giải trí trên internet, mạng xã hội..., vai trò và trách nhiệm của những người làm cha mẹ là rất lớn.

Dạy con sống tích cực trong thời công nghệ 4.0Học sinh tham gia học kỹ năng làm việc nhóm tại Trung tâm Kỹ năng sống Tâm Việt. (Ảnh: Trung tâm cung cấp)

Khi con bị buông lỏng quản lý

Không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ 4.0 mang lại đối với trẻ, đó là trẻ được tiếp cận với nguồn nội dung đa dạng, đem tới cơ hội học tập và giáo dục rộng mở, tạo tiền đề phát triển khả năng, tư duy và sáng tạo trong học tập... Tuy nhiên, đi kèm với tiện lợi và những nguy cơ, như khi tiếp xúc quá nhiều với ti vi, điện thoại thông minh, máy tính, khiến trẻ có thể thu mình lại, không chịu vận động, giao tiếp, dễ dẫn đến chứng chậm nói, béo phì hoặc có những hành vi bạo lực, tự kỷ....

Câu chuyện mà chị Đ.T.M ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) kể lại thấy rõ sự tác hại của các kênh mạng xã hội nếu như trẻ sử dụng quá nhiều và cha mẹ buông lỏng quản lý. Vợ chồng chị M làm nghề kinh doanh buôn bán, thời gian dành cho con không nhiều. Hai con của chị, một cháu lớp 6 và một cháu lớp 5, nhưng đều được mẹ sắm cho Ipad, điện thoại thông minh. Chính điều này đã vô tình làm hại con chị. “Vợ chồng và con cái chỉ gặp nhau vào buổi tối. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, cũng không quan tâm con cái học hành ra sao. Có một số lần vào phòng học các con, tôi thấy chúng vẫn học rất chăm ngoan. Nhưng có một điều không ngờ được là khi bố mẹ đi ngủ thì các con trùm chăn chơi game đến 2-3h sáng. Đây chính là nguyên nhân vì sao mà các con ngày càng lầm lì, ít nói và nếu có điều gì không vừa lòng, cãi lại bố mẹ ngay”, chị M cho biết.

Còn chị A.V ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), “chiều” con theo một cách khác. Con chị học lớp 5, dù không được bố mẹ sắm cho điện thoại riêng nhưng cậu bé lúc nào cũng được mẹ ưu ái cho mượn điện thoại. Trên điện thoại của mẹ, cậu cài rất nhiều trò chơi, trong đó có cả game bạo lực... Chị V kể lại: “Tôi nhận thấy con rất ham, đến mức khi mẹ bảo đưa điện thoại lại, nhất định không chịu, mà phải chơi xong trò chơi đấy thì mới trả cho mẹ. Tôi giật lấy điện thoại thì cháu thường hét toáng lên và giận dỗi không ăn cơm, thậm chí nhịn đói đi học... Nhìn con như vậy dù rất sốt ruột nhưng tôi vẫn cố gắng nhẹ nhàng để quy định và giới hạn thời gian chơi của con”.

Hai câu chuyện đủ thấy, khi “trao” công nghệ 4.0 cho con nhưng không kiểm soát, dạy con đúng cách khi tiếp cận thì đồng nghĩa “trao” cho con tiêu cực, dễ hư hỏng. Khi trẻ chìm đắm trong một thế giới ảo hoặc xem những clip không phù hợp trên mạng thì có thể bị biến từ đứa trẻ ngoan hiền thành đứa trẻ hư. Thực tế, trẻ em ngày nay lĩnh hội và chạy theo xu hướng nhanh hơn cả phụ huynh, điều này đã gây cản trở lớn trong việc dạy bảo con trẻ.

Hãy luôn tạo cho con cảm giác an toàn

Khi phụ huynh lúng túng trong vấn đề dạy con, sẽ thường tìm đến các chuyên gia tâm lý, người có kinh nghiệm, hoặc các trung tâm dạy kỹ năng sống. Tại Trung tâm Kỹ năng sống Tâm Việt (TP Thanh Hóa), theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Huế, thì có một số phụ huynh phàn nàn khi con quá nghiện YouTube hoặc mạng xã hội, con ngại giao tiếp với bạn bè, ngại nói chuyện với bố mẹ, có những trường hợp sa sút trong học tập... Cô giáo Huế cho biết: “Khi trẻ tiếp cận với thế giới ảo nhưng chưa có bộ lọc khiến trẻ có góc nhìn lệch lạc, có những hành vi bắt chước, gây hại cho bản thân và người xung quanh... Khi bố mẹ đưa các con đến trung tâm, chúng tôi dạy theo phương pháp giáo dục trải nghiệm. Qua đó, giúp các em phát triển một cách tự nhiên và đồng đều nhiều kỹ năng: tự tin, giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản trị cảm xúc, năng lực tự học”.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, trang bị cho con những kỹ năng sống thiết yếu, dạy con sống tích cực trong thời đại 4.0 là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của cha mẹ. Trong đó chủ yếu là trang bị cho con kỹ năng đọc sách, kỹ năng chơi cùng bạn - làm việc nhóm hiệu quả; giải quyết bất đồng một cách thân thiện; nói lên ý kiến của mình... Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội): “Quản lý nguồn thông tin tiếp cận đến trẻ, đặc biệt là các nguồn thông tin trên YouTube, mạng xã hội và internet mà trẻ vô tình tiếp xúc có thể gây ra những tưởng tượng tồi tệ không chính xác làm cho trẻ lo âu nhiều hơn. Hãy giải thích đơn giản để tạo cho con cảm giác an toàn. Thay vì cấm cản hoặc buông lỏng, thì hãy dạy trẻ cách sử dụng công nghệ một cách đúng đắn và hãy luôn đồng hành cùng mọi thay đổi của con”.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]