(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiệu quả của việc học tin học, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học ở các nhà trường đã và đang trở thành xu thế tất yếu của ngành giáo dục. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho việc học tin học, ứng dụng CNTT ở các huyện miền núi còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đây đang là “bài toán” nan giải đối với cấp ủy, chính quyền địa phương miền núi.

Dạy tin học, ứng dụng công nghệ thông tin ở miền núi: Bộn bề khó khăn

Hiệu quả của việc học tin học, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học ở các nhà trường đã và đang trở thành xu thế tất yếu của ngành giáo dục. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho việc học tin học, ứng dụng CNTT ở các huyện miền núi còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đây đang là “bài toán” nan giải đối với cấp ủy, chính quyền địa phương miền núi.

Dạy tin học, ứng dụng công nghệ thông tin ở miền núi: Bộn bề khó khăn

Phòng tin học Trường THCS Ban Công (Bá Thước) được xây dựng khang trang, nhưng thiếu giáo viên, nhà trường không thể dạy học môn Tin học.

Phần lớn học sinh miền núi chưa tiếp cận môn Tin học

Huyện Quan Sơn điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều. Đời sống của một bộ phận Nhân dân còn thiếu thốn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy bộ môn Tin học gặp rất nhiều khó khăn. Do thiếu phòng học, thiếu giáo viên (GV), thiếu trang thiết bị, phần lớn các em học sinh (HS) trên địa bàn huyện, chưa được học môn Tin học. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quan Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện có 7 trường dạy môn Tin học, trong đó khối tiểu học có 1 trường và THCS 6 trường.

Thầy Cao Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Xuân (Quan Sơn), cho biết: Chưa phải môn bắt buộc, nhưng sự phát triển của xã hội hiện nay việc học tin học trong nhà trường rất cần thiết. Môn học này sẽ giúp HS có kiến thức để sử dụng máy tính trong việc học tập, tra cứu thông tin và tham gia học tập online như giải toán, tiếng Anh trên internet..., trong sinh hoạt cũng như trong vui chơi giải trí nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện để HS thích ứng với đời sống xã hội hiện đại. Dẫu biết quan trọng là vậy, nhưng với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, lại thiếu GV, nhà trường không thể tổ chức dạy học môn này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, cho biết: Điều kiện giảng dạy môn Tin học của một số nhà trường chưa thực sự thuận lợi, nhất là về đội ngũ GV và cơ sở vật chất. Phòng máy của các trường hiện thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Do hệ thống máy có cấu hình thấp, hay hỏng, ít được bổ sung, sửa chữa, thay thế nên buộc phải chia thành các ca học. Thậm chí, có khi 3-4 HS phải học chung một máy, làm ảnh hưởng tới chất lượng học. Còn một số trường học không có phòng học, thiếu GV, nên không thể tổ chức dạy học.

Để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, Trường Tiểu học Điền Thượng (Bá Thước) đã huy động các nguồn lực xây dựng phòng học tin học. Song sau khi được công nhận đạt chuẩn, phòng học tin học của nhà trường rơi vào tình trạng “cửa đóng, then cài”. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiếu GV dạy môn Tin học.

Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước, cho biết: Theo quy định để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia phải có phòng máy tính và GV dạy tin học. Nhưng hiện tại nhiều trường thiếu GV bộ môn Tin học, buộc phải đóng cửa phòng học. Một số trường tổ chức dạy môn Tin học nhưng 50% số máy vi tính đã hỏng, số còn lại cấu hình thấp, chạy rất chậm, hay tắt máy giữa chừng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bài giảng. Cũng do thiếu máy nên không ít trường phải “đau đầu” khi xếp lịch học để các tiết thực hành tin học không bị chồng chéo, trùng lắp giữa các lớp. Trước mắt, các trường chỉ còn cách bố trí hai em học trên một máy vi tính hoặc một lớp chia thành hai nhóm mới có đủ máy để học. Hiện tại, toàn huyện vẫn còn 41 trường không thể thực hiện dạy môn Tin học.

Tại huyện Cẩm Thủy, những năm qua được sự quan tâm của tỉnh, huyện, nhiều trường học được mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là máy vi tính, các trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT vào dạy học. Nhưng việc dạy môn Tin học ở huyện cũng chưa được thực hiện một cách đại trà. Theo báo cáo của phòng GD&ĐT, toàn huyện mới chỉ có 18/36 trường tổ chức dạy môn Tin học.

“Việc dạy môn Tin học ở các nhà trường trên địa bàn huyện Cẩm Thủy gặp rất nhiều khó khăn. Mới chỉ có 50% số trường dạy môn học này. Những trường tổ chức dạy học, chất lượng máy vi tính rất kém, bởi lẽ máy mua sắm từ lâu nên chạy rất chậm, nhiều máy đã hư hỏng không thể khắc phục”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy cho biết.

Thiếu trang thiết bị để ứng dụng CNTT trong giảng dạy

Hiện nay, tất cả các nhà trường ở điểm chính trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đều được kết nối internet, vì vậy việc ứng dụng CNTT trở nên thuận lợi hơn. Thông qua ứng dụng CNTT, công tác quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập thuận lợi hơn; giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, GV có nhiều thời gian quan tâm đến HS và đổi mới phương pháp dạy học... Tuy nhiên, việc GV ứng dụng CNTT vào dạy học đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Tìm hiểu thực tế được biết, hiện nay ở các nhà trường chỉ có 1 đến 2 máy chiếu, nhưng có nhiều máy chất lượng rất thấp. Vì vậy, việc áp dụng CNTT vào dạy học ở các huyện miền núi gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy giáo Võ Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Long (Cẩm Thủy), cho biết: Hiện tại, nhà trường chỉ có 2 máy chiếu, nhưng 1 cái không thể sử dụng. Vì thiếu máy chiếu, GV phải luân chuyển nhau sử dụng, không chủ động về thời gian, ảnh hưởng rất lớn đối với việc ứng dụng CNTT vào các bài giảng.

Trường THCS Kỳ Tân (Bá Thước) cũng chỉ có 2 máy chiếu, nhưng 1 máy hình ảnh mờ, khiến việc quan sát của HS bị hạn chế. Thiếu máy chiếu, GV phải dạy học theo phương pháp truyền thống.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy, cho biết thêm: Bài giảng của GV khi sử dụng CNTT sẽ sinh động và hấp dẫn hơn rất nhiều so với bài giảng áp dụng phương pháp dạy học thuyết trình. Mỗi tiết học áp dụng CNTT sẽ thu hút được sự chú ý, tạo hứng thú cho HS, qua đó, giúp việc dạy và học đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị CNTT phục vụ cho dạy học còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đa phần GV sử dụng phương pháp dạy học thuyết trình. Với phương pháp này HS rất thụ động và GV sẽ không đủ thời gian để cung cấp cho các em những tư liệu, hình ảnh để khắc sâu kiến thức.

Phòng tin học “cửa đóng, then cài”, vì thiếu GV; không có điều kiện xây dựng phòng học, mua sắm máy vi tính; thiếu trang thiết bị dạy học GV không thể ứng dụng CNTT vào bài giảng... Đây là tình trạng chung của việc dạy môn Tin học và ứng dụng CNTT vào dạy học tại các huyện miền núi. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2022-2023 môn Tin học sẽ là môn học bắt buộc với tất cả các trường học, thời lượng 35 tiết/lớp/năm học. Vì vậy, việc thiếu kết cấu hạ tầng, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là thiếu GV dạy môn Tin học đang là “bài toán” cần có “lời giải” kịp thời, để đáp ứng yêu cầu dạy và học, góp phần đổi mới căn bản GD&ĐT của tỉnh nhà.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]