(vhds.baothanhhoa.vn) - Tự học không những giúp học sinh (HS) nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn trang bị cho các em năng lực, hứng thú, thói quen, có phương pháp tự học thường xuyên và suốt đời.

Để tự học có hiệu quả: Cần sự nỗ lực của chính học sinh

Tự học không những giúp học sinh (HS) nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn trang bị cho các em năng lực, hứng thú, thói quen, có phương pháp tự học thường xuyên và suốt đời.

Để tự học có hiệu quả: Cần sự nỗ lực của chính học sinhTừ khi mua khóa học online và yêu cầu con tự học, con trai chị Hòa (SN 110B, Lê Thánh Tông, TP Thanh Hóa) ngày càng chủ động hơn trong việc học.

Quan điểm về việc tự học

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, theo đánh giá của nhiều thầy cô giáo trong ngành giáo dục, nhìn nhận ở góc độ tích cực thì các kỳ nghỉ phòng tránh dịch là cơ hội để các em phát huy tinh thần tự học, ứng phó với hoàn cảnh khó khăn xảy ra một cách bất ngờ.

Theo cô giáo Nguyễn Kim Thành (Trường THPT Như Thanh): Việc đầu tiên là người học phải tạo lập giờ tự học trong ngày và phải tuân thủ đúng giờ giấc mà mình đã quy định. Vì nếu như ở trường có giờ giấc học hành bắt buộc thì tự học ở nhà cũng phải như vậy. Khi đã đến giờ tự học ở nhà thì người học không nên “viện” bất cứ lý do gì để bê trễ. Tất nhiên, các em có thể chia sẻ với bố mẹ về giờ tự học của mình để tìm sự hỗ trợ.

Còn theo thầy giáo Trương Công Thu (Trường THCS Quang Trung, TP Thanh Hóa) thì: Tự học không có nghĩa là HS tự bơi trong biển kiến thức. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên đã truyền đạt được rất nhiều chuyên đề ngữ pháp, nội dung kiến thức xuyên suốt chương trình. Khi tự học ở nhà, các em có thể ôn lại, làm những bài nâng cao. Nếu khó khăn hoàn toàn có thể trao đổi để thầy cô giáo gửi bài tập, bài kiểm tra.

Trong khi đó chị H. (phố Nguyễn Thượng Thuật, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) cho biết: Từ lâu tôi thấy bọn nhỏ nhà tôi quên mất việc tự học, mất khả năng tự học. Cả ngày đi học ở trường, tối lại đi học thêm ngoại ngữ ở các trung tâm, thời gian cho việc nhìn lại bài thầy cô giảng đã khó, lấy đâu thời gian mà tìm tòi, phát triển, nâng cao. Vì vậy, để HS tự học là việc khó.

Rõ ràng, thay vì giao con hoàn toàn cho các thầy cô, các phụ huynh cũng cần nhìn lại trách nhiệm của mình trong việc tạo thói quen tự học, đặc biệt trong kỷ nguyên số nếu trẻ không biết “bơi” trong biển kiến thức sẽ dễ “lạc lối”.

Tự học là vô cùng cần thiết

Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra từ ngày 6 đến 9-7-2021. Trong đó, có 2 ngày thi chính thức là ngày 7 và 8-7-2021. Tại Thanh Hóa, đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT 3 phương án tuyển sinh nhằm chủ động phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, phương án 1 vẫn thi theo lịch vào ngày 4 và 5-6; phương án 2, sẽ lùi kỳ thi đến trước khi khai giảng; phương án 3, chuyển thi tuyển thành xét tuyển (trừ Trường THPT Chuyên Lam Sơn). Ghi nhận của chúng tôi, khoảng thời gian này với các em HS chuẩn bị chuyển cấp là thời điểm nước rút, tăng tốc để về đích. Chính vì thế, hầu hết các HS đã phải chủ động tự học tại nhà để ôn lại kiến thức đã học, giải các bài tập, tham khảo thêm các kiến thức bổ trợ, tìm hiểu thêm về nội dung chính của yêu cầu đề thi, cấu trúc của đề thi minh họa, đề thi các năm trước.

Chia sẻ về phương pháp học tập tại nhà thời gian nghỉ học do dịch, chị Hương (Nhà 3, chung cư Đông Phát, TP Thanh Hóa) có con đang học lớp 9A3 Trường THCS Quang Trung (TP Thanh Hóa) cho biết: Cháu đăng ký vào Trường THPT Đào Duy Từ, đến thời điểm này, việc học tập của con cũng khá ổn. Con được các thầy cô tạo điều kiện bồi dưỡng kiến thức, hàng ngày nhận phiếu bài tập qua mail, zalo. Tôi thường động viên con: Cố gắng lên, không đầy 1 tháng nữa là tha hồ chơi. Giờ điều cần nhất là con tự kiểm tra lại kiến thức thiếu hụt của mình, thiếu đâu bổ sung đó. Điều này bố mẹ không thể làm thay được.

Với các bạn nhỏ, việc tự học cần sự giám sát của cha mẹ. Chị Lê Thị Hòa (SN 110B, Lê Thánh Tông, TP Thanh Hóa) chia sẻ: Trước đây, tối đến là chị rất vất vả. Dạy đứa lớn, trông đứa nhỏ. Không kè kè bên cạnh là các con ngồi im, nguệch ngoạc vẽ. Mải chơi, không tự học, quá lệ thuộc vào bố mẹ, nên có khi con chưa kịp đọc xong đề đã quay sang hỏi mẹ. Vì thế, chị mua cho con một tài khoản học online, vừa học vừa làm bài. Không ngờ cháu thích học hơn hẳn.

Gia đình chị Phương (83 Hàn Thuyên, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa) có 2 con đang học lớp 11 và lớp 4. Trong thời gian nghỉ, bên cạnh việc thường xuyên nhắc nhở các kỹ năng tự bảo vệ và chăm sóc bản thân để chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gia đình chị đã có những định hướng giúp cho các con tự học ở nhà mỗi ngày, để các con có thể củng cố kiến thức, ôn bài tập và duy trì được thói quen học tập tích cực. Chị chia sẻ: Bọn trẻ giờ ít đọc sách quá, tôi coi việc đọc sách là việc học. Riêng với bé trai lớp 4, mỗi ngày tôi giao con đọc khi thì bài thơ, khi mẩu chuyện. Đọc xong chị hỏi những câu đơn giản như: Con cảm nhận thế nào về bạn ấy, điều gì làm con thích, hoặc giữa hai nhân vật, con thích ai? Còn nhỏ nên cháu chỉ trả lời đơn giản lắm, nhưng góp gió thành bão, mỗi ngày một vài câu, con sẽ tăng thêm kỹ năng trình bày, sự nhận thức về thế giới xung quanh.

Không phải chỉ khi có dịch, HS mới tự học. Con đường học và hành còn dài, chính vì thế xây dựng được khả năng tự học sẽ giúp các em tổng hợp được bài học cũ, tiếp cận với những kiến thức nâng cao.

Để tự học có hiệu quả

Là giáo viên dạy môn tiếng Anh ở Trường THCS Quang Trung, thầy giáo Trương Công Thu cho biết: Tôi nghĩ việc học ở nhà đối với những HS khá, giỏi sẽ ít gặp khó khăn hơn. Còn với những em có lực học trung bình hoặc dưới trung bình, do không nắm vững kiến thức, số lượng bài tập, sẽ dễ dẫn đến chán nản. Hoặc do không chủ động, không người hướng dẫn trực tiếp, các em sẽ sinh ra tính lười nhác, chán chường dẫn đến kết quả học tập kém... Tôi hy vọng đây là thời điểm các em HS lớp 9 cần nâng cao việc tự học của mình hơn lúc nào hết. Không phải đến các lớp học thêm nhồi nhét kiến thức nữa mà các em phải xem mình thiếu hụt chỗ nào để tự bổ sung, ôn tập. Tuy vậy, nếu có sự phối hợp của phụ huynh, sự mạnh dạn trao đổi với các thầy cô giáo về những vấn đề đang vướng mắc, mọi việc sẽ đơn giản hơn. Phụ huynh có thể sử dụng các phần mềm trên điện thoại, máy tính, tivi, giúp con tham khảo kiến thức bên cạnh những kiến thức thầy cô đã truyền đạt, rồi kiểm tra kết quả thực hiện của con mình xem đúng hay sai và có thể thay giáo viên kiểm tra và chấm bài, định hướng tháo gỡ những vấn đề con thường xuyên mắc phải...

Cô Nguyễn Thị Cúc, giáo viên môn Văn (Trường THCS Lê Lợi, TP Thanh Hóa) thể hiện quan điểm: Hiện nay, cả phụ huynh và HS đều bỏ quên văn hóa đọc thay vào đó là quá lệ thuộc vào văn hóa mạng. Từ thực tế dạy học tôi rất hiểu, HS rất ngại đọc tác phẩm, kể cả một bài thơ ngắn cũng không thuộc. Thay vì đọc, thẩm, tìm hiểu nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm, các con chỉ nhìn câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời trên mạng. Mùa hè là mùa vui chơi của trẻ, phụ huynh không nên yêu cầu trẻ học nhiều. Thay vì đó thì hãy cùng con đọc sách, đọc để nâng cao thẩm mỹ, đọc để thấy cuộc sống thật rộng lớn, mỗi ngày thu nạp một ít kiến thức, đó là con đang tự học. Tự học ngoài sự trợ giúp của phụ huynh, hơn hết cần sự nỗ lực của chính các em.

“HS không phải là chiếc thùng đựng một chiều để giáo viên, phụ huynh tận tụy đổ cho đầy thùng. Kiến thức được đóng gói, xay nhuyễn, và rất dễ nuốt, ăn cháo xay hoài rồi nghiền luôn, bài khó xíu là nhăn nhó, là bỏ cuộc”, đó là lời của chuyên gia giáo dục Trần Thu Hà - người có 3 tập sách viết về cách dạy con. Vì thế, để biến những kiến thức của cô giáo, của nhà trường thành của mình, trong rất nhiều cách, tự học sẽ giúp trẻ hiểu hơn về bản thân, có kiến thức và kỹ năng, rồi tự mình tháo gỡ giải quyết vấn đề trong học tập và cuộc sống.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]