(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 1 năm có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân thôn Son, thôn Mười, thuộc vùng Cao Sơn, xã Lũng Cao (Bá Thước) đã có nhiều đổi thay.

Điện sáng Cao Sơn

Sau 1 năm có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân thôn Son, thôn Mười, thuộc vùng Cao Sơn, xã Lũng Cao (Bá Thước) đã có nhiều đổi thay.

Điện sáng Cao SơnNhờ có điện, người dân các thôn Son, Mười chủ động được nguồn nước tưới để chăm sóc cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi ngược ngàn miền Tây xứ Thanh thăm thôn Son, thôn Mười trong cái nắng hanh hao trải vàng vùng sơn cước. Vẫn là con đường quanh co dốc đứng, nhưng đã hiện hữu những căn nhà kiên cố, bản làng rôm rả với âm thanh của máy xát, máy nghiền, tiếng ti vi... Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, Trưởng thôn Son, ông Ngân Văn Đức chia sẻ: Thôn có 102 hộ với 428 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Thái. Sau một năm có điện, đời sống của người dân có nhiều đổi thay rõ nét. Hiện số hộ có ti vi chiếm 90%, 50% hộ có tủ lạnh, nhiều hộ mua máy xay xát, máy bơm nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Những hộ dân làm du lịch cộng đồng đã đầu tư thêm các trang thiết bị sử dụng điện để phục vụ du khách...

Phấn khởi trước sự thay đổi của quê hương, ông Ngân Văn May (86 tuổi) chia sẻ: “Được sự quan tâm của Nhà nước, lưới điện về thôn, người dân chúng tôi vui lắm, bởi điện không chỉ đem lại nguồn sáng mà còn giúp chúng tôi nắm bắt được thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua ti vi. Cái quan trọng nhất là các cháu học sinh có điện sáng để học bài”.

Cũng như thôn Son, sau 1 năm có điện, diện mạo thôn Mười có nhiều đổi thay. Bà con đã mua sắm nhiều đồ dùng điện gia dụng để phục vụ đời sống và sản xuất. Được tiếp cận với các chương trình truyền hình, phát thanh, bà con đã nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, hữu ích, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kiến thức và kinh nghiệm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Hiện nay, bà con trong thôn cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như bắp cải, súp lơ, mướp đắng...

Trưởng thôn Mười, ông Ngân Mạnh Hùng cho biết: “Thôn có 63 hộ với 165 nhân khẩu. Trước đây, không có điện khiến người dân rất khó tiếp cận với kiến thức khoa học, kỹ thuật, các mô hình kinh tế có hiệu quả cao, là một phần nguyên nhân khiến cuộc sống bộn bề khó khăn. Có điện, có kiến thức, bà con hăng hái chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Không những thế, điện còn giải phóng một phần sức lao động, nhiều hộ gia đình kinh doanh dịch vụ máy xay xát, kết hợp chăn nuôi đã khá giả lên nhiều”.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn đứng chân trên địa bàn thôn Mười. Sau một năm có điện, các phòng học được trang bị thiết bị thông minh, máy chiếu, quạt trần... Nhờ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường không ngừng được nâng lên. Vui mừng trước sự đổi thay của nhà trường, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thế Tài, cho biết: Từ khi có điện, phụ huynh quan tâm hơn tới việc học của con em mình. Mỗi gia đình đều dành cho con mình góc học tập riêng, có bàn ghế đúng quy chuẩn và có điện chiếu sáng. Phụ huynh có điều kiện còn mua sắm tủ sách, trang trí góc học tập và mua sách nâng cao, truyện đọc phù hợp với lứa tuổi để các em học tập, giải trí.

Điện sáng Cao SơnCó lưới điện, giờ học ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn xã Lũng Cao trở nên sinh động, hấp dẫn hơn với các trang thiết bị hiện đại.

Em Ngân Duy Mạnh, học sinh lớp 8, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn vui vẻ chia sẻ: “Có điện, vào mùa hè chúng cháu không còn lo bị nóng bức vì đã có quạt trần. Ngoài ra, thầy cô giáo dạy học bằng máy chiếu, ti vi có hình ảnh, video sinh động, các cháu dễ hiểu bài và có thêm hứng thú học tập”.

“Sau 1 năm có điện đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân các thôn Son, Mười, bà con mạnh dạn thay đổi cách thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Hiện nay, nhiều hộ dân đã đầu tư mua máy bơm nước phục vụ sản xuất; trồng cây rau màu trái vụ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cộng đồng… Cũng nhờ có điện, một số doanh nghiệp đã về đây đầu tư sản xuất các loại rau màu, cây ăn quả, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn. Trong thời gian tới, xã Lũng Cao tiếp tục chỉ đạo các thôn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, xã Lũng Cao cũng tiếp tục động viên, khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường”, ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, cho biết.

Thực hiện Quyết định số 415/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 28-1-2019 về phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020 do EU tài trợ, Sở Công Thương - chủ đầu tư dự án đã được phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã Lũng Cao với tổng nguồn vốn hơn 20,1 tỷ đồng, bao gồm 8km đường điện trung thế và 4km đường điện hạ thế, trong đó, có 1,3km đường cáp ngầm. Sau gần 1 năm thi công, ngày 23-1, Sở Công Thương, Điện lực Bá Thước và nhà thầu thi công đã phối hợp đóng điện lưới quốc gia cho Nhân dân tại thôn Son và thôn Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước).

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]