(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì hình thức học trực tuyến mang tính chất bắt buộc, điều mà cả cô giáo, học sinh và phụ huynh không ai mong muốn. Đặc biệt, đối với phụ huynh, họ lại thêm nhiều lo lắng, bất an...

Giải tỏa áp lực của phụ huynh khi con học online

Trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì hình thức học trực tuyến mang tính chất bắt buộc, điều mà cả cô giáo, học sinh và phụ huynh không ai mong muốn. Đặc biệt, đối với phụ huynh, họ lại thêm nhiều lo lắng, bất an...

Giải tỏa áp lực của phụ huynh khi con học onlineThời điểm con học online thì bố mẹ đang đi làm nên sẽ khó quán xuyến được việc học của con.

Cha mẹ căng thẳng khi con học online

Khi thông tin trong lớp có một số bạn F0, nên cả lớp của con trai phải học online, chị Thùy Minh ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) lại có những mâu thuẫn trong suy nghĩ. Thời điểm mà F0 đang ngày càng tăng vọt, học online sẽ phù hợp hơn nhưng thực tế, hình thức này khiến chị trở nên căng thẳng. Theo chia sẻ của chị Minh: “Học online sẽ dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe như loạn thị, đau lưng, đau vai do tư thế ngồi khom lưng trước màn hình quá lâu. Thêm vào đó, con sẽ bị phân tán bởi các chương trình giải trí, mạng xã hội trên máy tính, điện thoại... Thời điểm con học online thì bố mẹ đang đi làm nên sẽ khó quán xuyến được việc học của con. Tôi nghĩ, có rất nhiều bất cập”.

Đối với chị Nguyễn Hương ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa), mặc dù đồng tình với việc học online trong thời điểm hiện tại nhưng trong suy nghĩ từ trước đến nay, chị không thích học theo hình thức này vì ngay bản thân chị vừa đi làm cả ngày, tối lại phải vừa theo dõi, sâu sát con khi học trực tuyến. Trong khi đó con gái học lớp 2 của chị là một đứa bé thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở vì hay tắt camera khi học để làm việc riêng. “Thực sự phụ huynh rất mệt khi con học online. Con học cũng không hứng thú, tập trung mà bố mẹ với sự quan tâm cũng có nhiều hạn chế hơn...”, chị Hương cho biết.

Học online với nhiều lo lắng, trẻ không đến trường, thiếu không gian, môi trường vận động, giao tiếp trực tiếp với thầy cô bạn bè dễ dẫn đến vấn đề tâm lý của con như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc... hoặc cũng có thể nhìn nhận mọi thứ xung quanh tiêu cực. Trong khi cha mẹ vẫn phải đi làm không thể ngồi học trực tiếp cùng con. Một sự lo lắng chính đáng đối với bậc phụ huynh thời COVID-19.

Hãy luôn đồng hành cùng con

Theo Tiến sĩ tâm lý học Cao Xuân Hải, Phó trưởng Bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hồng Đức thì cách giải tỏa áp lực tâm lý tốt nhất cho cha mẹ chính là tạo cho con hứng thú, trạng thái cảm xúc thoải mái nhất trong học tập. Điều mà cha mẹ đặc biệt chú ý, cần tạo cho con một môi trường không gian và bầu không khí tâm lý gia đình vui vẻ, đầm ấm nhằm tạo hứng thú và cảm xúc tích cực cho trẻ, như vậy sẽ nâng cao sức tập trung chú ý và tính tự giác trong học tập của trẻ. Tiến sĩ cho biết: “Sau giờ làm việc, cha mẹ cần dành thêm thời gian tâm sự, trò chuyện với con, sẵn sàng chia sẻ với con để giảm những căng thẳng trong học tập. Cùng con tổ chức hoạt động tại nhà như cùng trẻ học khiêu vũ dance sport, cùng con nghe những bản nhạc mà con yêu thích; dạy trẻ làm vườn, làm việc nhà, đây là cơ hội để trẻ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gia đình”.

Giải tỏa áp lực của phụ huynh khi con học onlineDạy trẻ làm việc nhà là một trong những cách giải tỏa áp lực tâm lý cho phụ huynh.

Con học online, cha mẹ lo lắng, tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh thời COVID-19. Vậy nên, để giải tỏa áp lực, quan trọng là cha mẹ hãy luôn đồng hành với con trong học tập, có sự kết nối chặt chẽ với thầy cô giáo để nắm bắt tình hình học tập của con, trao đổi với thầy cô về phương pháp học, cách thức hướng dẫn con. Khi đó, khó sẽ thành dễ khi cha mẹ có sự đồng cảm, đồng hành cùng con khi học online giữa mùa dịch.

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]