(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 26/10, trên mạng xã hội facebook xuất hiện clip một nữ sinh ở Nga Sơn (Thanh Hóa) bị một bạn khác dùng mũ bảo hiểm, dép và tay đánh liên tiếp vào đầu và mặt mà không có bất cứ hành động phản kháng nào. Sự việc được một bạn khác quay lại, chia sẻ lên mạng xã hội Facebook khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Không thể xem nhẹ

Ngày 26/10, trên mạng xã hội facebook xuất hiện clip một nữ sinh ở Nga Sơn (Thanh Hóa) bị một bạn khác dùng mũ bảo hiểm, dép và tay đánh liên tiếp vào đầu và mặt mà không có bất cứ hành động phản kháng nào. Sự việc được một bạn khác quay lại, chia sẻ lên mạng xã hội Facebook khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc.

Các nhà trường cần chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Đánh bạn chỉ vì bạn ngoan hơn

Trong clip, nữ sinh mặc áo trắng bị một bạn nữ mặc áo đen dùng mũ bảo hiểm đánh thẳng vào đầu với lực rất mạnh, khiến chiếc mũ rơi xuống đất. Bị đánh đau, nữ sinh áo trắng choáng váng phải ngồi xuống đất, nhưng vẫn bị cô gái áo đen nắm tóc kéo đứng dậy tiếp tục dùng tay và dép đánh tới tấp vào mặt và đầu.

Trao đổi với phóng viên, bà Mai Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nga Sơn (huyện Nga Sơn) xác nhận nữ sinh bị đánh trong clip là Đ.N.H học sinh của trường. Bạn nữ mặc áo đen - người cầm mũ bảo hiểm đánh H là Nguyễn Ngọc Linh (sinh năm 2004) hiện đã nghỉ học và đang làm việc tại một quán nước trên địa bàn huyện.

Sự việc xảy ra vào khoảng 14h ngày 26/10, khi H đang đi học thì Linh và một người bạn nữa đứng chờ sẵn ở trên đường. Linh nhờ H chở lên huyện vì có việc, thấy còn chưa đến giờ vào học nên H đã đồng ý. Linh yêu cầu H chở đến một ngách vắng người qua lại gần sân vận động huyện Nga Sơn rồi bất ngờ dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu H, nhờ bạn đi cùng quay lại clip rồi tung lên Facebook.

Bà Mai Thị Hạnh cho biết thêm, hiện Công an huyện Nga Sơn đã vào cuộc làm rõ vụ việc. Sau khi triệu tập hai nữ sinh cùng gia đình và nhà trường đến làm rõ vụ việc, nữ sinh bị bạn đánh được đưa tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Hiện tại, em vẫn đang phải nằm viện và tiếp tục được các bác sĩ theo dõi sát sao tình hình sức khỏe.

Cũng theo bà Hạnh, Linh và H học cùng với nhau từ lớp 1 đến lớp 9. Tuy nhiên, học hết lớp 9 Linh bỏ học và đi làm thuê cho một quán nước ở trong huyện. Còn H là một học sinh ngoan, ngoài thời gian học em thường phụ giúp các việc lặt vặt trong gia đình. Khi bị Linh đánh, em sợ và không dám kể sự việc với gia đình.

Nhà Linh và H cùng xóm 3, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn. Mẹ của hai bạn thường gặp gỡ và kể về con mình. Mẹ H thường khen con mình ngoan ngoãn, lễ phép trước mặt mẹ Linh khiến mẹ Linh chạnh lòng. Trong một lần thấy Linh cãi nhau với em, mẹ Linh bực tức đã lấy H ra làm gương rồi trách mắng Linh. “Có thể vì Linh suy nghĩ H chính là nguyên nhân khiến mình bị mắng nên mới có hành động đánh bạn như vậy”, bà Hạnh cho biết.

Điều đáng nói ở đây không chỉ là việc Linh 15 tuổi đã thẳng tay đánh đập bạn không ngại ngần mà còn ở chỗ dù bị đánh đập tàn nhẫn, nhưng H chỉ biết ôm mặt chịu đòn mà không dám phản kháng bỏ chạy hay báo cáo sự việc với nhà trường, gia đình. Ngoài 2 bạn “nữ chính” trong clip thì cô bạn tác giả của clip chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối nhưng không hề vào can ngăn.

Sau khi clip được tung lên mạng xã hội, rất nhiều người đã vào bình luận với thái độ bức xúc. Sự việc cho thấy “lỗ hổng” trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các nhà trường và cả trong gia đình.

Cần nhận thức đúng đắn

Hơn bao giờ hết, việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần được quan tâm đúng mức trong mỗi gia đình, mỗi nhà trường. Giáo dục kỹ năng sống không chỉ đơn thuần là giáo dục các em chăm ngoan, học giỏi, mà còn trang bị các kỹ năng, kiến thức để các em có hành vi, ứng xử đúng mực khi ra ngoài xã hội, và biết tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy nan.

Ở Trường THCS Hà Tân (huyện Hà Trung), “Hòm thư cứu bạn” được đặt ở góc khuất trong thư viện trường, giúp các em học sinh có thể gửi những lá thư đến thầy cô giáo phản ánh sự việc xảy ra trong và ngoài trường học... một cách kín đáo. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với Đoàn thanh niên xã thành lập các tổ tư vấn tâm lý cho học sinh...

Bà Phạm Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Tân cho biết: Nhà trường đã tổ chức công tác tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về phòng chống bạo lực học đường, qua đó góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập và trong cuộc sống.

Không chỉ dành phần lớn thời gian chào cờ đầu tuần hoặc sinh hoạt tập thể trong lớp cho nội dung giáo dục kỹ năng sống, ở Trường TH Hà Ninh (huyện Hà Trung), mỗi tuần, từng lớp tự lựa chọn một chủ đề để các em học sinh chia sẻ với giáo viên những khúc mắc hoặc các em dự đoán có nguy cơ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Sự thẳng thắn, không né tránh các vấn đề, tình huống thực tế vốn được cho nhạy cảm là cách phá vỡ nhanh nhất những rào cản về sự e ngại của học sinh.

Bà Vũ Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường TH Hà Ninh chia sẻ: Nhà trường luôn đặt ra tiêu chí các thầy cô phải gần gũi với các em để lắng nghe tâm tư, để thấu hiểu và kịp thời chia sẻ, tư vấn cho các em. Bởi ở lứa tuổi học sinh, đôi khi các em có những tâm sự thầm kín mà với bố mẹ chưa chắc đã thổ lộ, nhưng với thầy cô nếu tin tưởng thì sẽ bộc lộ, tâm sự. Qua đó, các thầy cô sẽ nắm bắt và can thiệp kịp thời, cùng các em vượt qua những khó khăn, khủng hoảng, những nguy hiểm luôn rình rập trong cuộc sống.

Để giáo dục kỹ năng sống đạt hiệu quả tốt nhất, mỗi nhà trường, mỗi bậc học cần lựa chọn những nội dung cụ thể, phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của học sinh. Đối với bậc mầm non, tiểu học, các em cần có kỹ năng, kiến thức nhận biết thế giới xung quanh, cách ứng xử với người lớn, với bạn bè; còn bậc THCS, THPT là kiến thức về giáo dục giới tính, Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng giao tiếp với bạn bè, làm việc độc lập, làm việc nhóm, kỹ năng sinh tồn trong những tình huống khó khăn, nguy cấp...

Bà Đỗ Thị Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Như Xuân (huyện Như Xuân) chia sẻ: Với đặc thù là trường học ở miền núi, học sinh ít tiếp xúc với xã hội phức tạp bên ngoài, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ đi làm ăn xa, do đó, nhà trường không chỉ có trách nhiệm dạy các em kiến thức văn hóa mà còn giáo dục các em cả đạo đức, lối sống, kỹ năng sống thông qua việc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động của Đoàn Thanh niên và lồng ghép cả trong các tiết học Lịch Sử, Giáo dục công dân... từ đó giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn trong mỗi nhà trường sẽ có những phương pháp, cách làm khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hữu ích cho học sinh.

Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định, vẫn còn nhiều trường học chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh một cách thực chất, nhiều nơi, hoạt động này còn mang tính qua loa, chiếu lệ... Do đó, bên cạnh nỗ lực của các nhà trường, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần sự chung tay, hỗ trợ thường xuyên của gia đình và cả cộng đồng xã hội.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]