(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từ việc rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, huy động cả xã hội vào cuộc phát triển giáo dục... bức tranh giáo dục đã có nhiều gam màu tươi mới trên huyện nghèo Thường Xuân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo dục Thường Xuân thêm những gam màu tươi mới

(VH&ĐS) Từ việc rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, huy động cả xã hội vào cuộc phát triển giáo dục... bức tranh giáo dục đã có nhiều gam màu tươi mới trên huyện nghèo Thường Xuân.

Tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn, đời sống tinh thần của người dân còn chưa cao, nhưng sự học của con em được chú trọng. Thành công ấy là thước đo của tinh thần nỗ lực vượt khó, ý chí quyết tâm phát triển sự nghiệp trồng người của Đảng bộ, chính quyền và người dân trên đất Châu Thường.

Trong thời gian qua, nhiều trường học ở Thường Xuân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý.

Tôi lại ngược ngàn Thường Xuân trong một sáng trời mưa tầm tã để về lại những lớp học nơi gần 10 năm trước tôi đã đi qua. Vẫn những bản làng vùng sâu, vùng xa ấy nhưng những lớp học liêu xiêu tạm bợ đã không còn nữa. Thay vào đó là những phòng học kiên cố có máy tính và nhiều trang thiết bị giáo dục hiện đại.

Những con đường đến trường đã không còn lầy lội, được mở rộng thênh thang. Dưới mái trường, những “búp măng non” vận trong những sắc màu thổ cẩm đang ríu rít học bài. Người dân Thường Xuân dẫu còn đó cái nghèo, cái khó ở một huyện nghèo thuộc diện 30a Chính phủ, nhưng vẫn chuyên tâm nuôi dưỡng những nhân tài cho tương lai, cho con chữ không nghèo.

Tôi đến thăm Trường MN Lương Sơn khi cán bộ giáo viên nơi đây đang chuẩn bị cho ngày tựu trường năm học mới. Trường nằm cách trung tâm huyện hơn 10 cây số theo hướng lên biên giới Việt - Lào nhưng đã được đầu tư xây dựng khang trang kiên cố. Hiệu trưởng nhà trường, cô Lê Thị Bích Ngọc vui mừng cho biết: Đã từ hai năm học gần đây, nhà trường thực hiện được bếp ăn bán trú phục vụ cho hơn 200 con em trong xã đảm bảo các yêu cầu về ATVSTP.

Đặc biệt, trong năm học 2015 - 2016, nhà trường đã được UBND tỉnh công nhận trường chuẩn quốc gia, được xét tặng đơn vị dẫn đầu bậc học trong khối thi đua các trường ở 11 huyện miền núi. Đây là thành tựu lớn nhất về giáo dục mà xã này đạt được trong thời gian qua, là niềm tự hào của người dân Lương Sơn.

Một giờ học ở Trường MN Lương Sơn.

Trong những gam màu tươi mới, hứa hẹn tạo thêm những hoa thơm quả ngọt cho sự nghiệp trồng người ở Thường Xuân còn phải kể đến Trường THCS thị trấn. Nơi đây đã được huyện Thường Xuân chọn thực hiện Đề án Xây dựng trường chất lượng cao. Đây là bước đi mang tính chiến lược trong phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện, là việc làm cụ thể hóa Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020 của UBND tỉnh.

Qua 4 năm thực hiện chủ trương này, Trường THCS thị trấn Thường Xuân đã cải thiện rõ rệt chất lượng giáo dục cả mũi nhọn và đại trà. Theo thầy giáo Lê Đình Hòa - Hiệu trưởng nhà trường: Từ khi thực hiện đề án, mỗi năm nhà trường đều có khoảng 35% học sinh giỏi, số còn lại là học sinh khá. Nhà trường cũng luôn dẫn đầu toàn huyện trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và huyện. Tuy số giải trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh của trường chưa được cải thiện đáng kể, thế nhưng đề án này đã tạo ra những tiền đề quan trọng để phát triển giáo dục lên tầm cao lớn hơn.

Theo thầy hiệu trưởng Lê Đình Hòa, tiền đề vững chắc để Trường THCS thị trấn Thường Xuân phát triển đó là: Đề án đã nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự nghiệp phát triển giáo dục, coi giáo dục là hàng đầu. Đó còn về nhận thức muốn phát triển chất lượng giáo dục, việc đầu tiên phải làm là xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu… Việc thực hiện đề án xây dựng trường chất lượng cao cũng đã tạo ra phong trào thi đua dạy và học sôi nổi trong mỗi lớp, trường học ở Thường Xuân.

Trong thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Thường Xuân đã chú trọng công tác giáo dục ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử.

Điểm sáng của Giáo dục Thường Xuân còn phải kể đến những địa phương như: Ngọc Phụng, Xuân Dương, Xuân Cao, Luận Thành, Vạn Xuân… Mỗi một thành công trong những ngôi trường ấy đều thấm đẫm công sức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và sự chung tay của người dân. Thực hiện Nghị quyết số 29 (Hội nghị Trung ương 8, khóa XI) về đổi mới giáo dục và đào tạo, cả hệ thống chính trị huyện Thường Xuân đã khẳng định quyết tâm phát triển giáo dục bằng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu rà soát đánh giá chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên để đào tạo, bồi dưỡng, điều động, thuyên chuyển, sắp xếp phù hợp. Qua đó đã góp phần ngăn chặn việc tái diễn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các nhà trường. Đồng thời huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, khuyến khích cán bộ, giáo viên tự học, tự rèn luyện.

Qua đó đến nay đã có 100% cán bộ giáo viên toàn ngành có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn (trên chuẩn là 80.5%). Đây là con số thuộc diện hiếm hoi trong các huyện miền núi.

Cùng với đó, Phòng GD&ĐT Thường Xuân tham mưu xây dựng Đề án bố trí, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay huyện đã giảm được 29 điểm trường lẻ. Đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đưa học sinh về khu trung tâm học tập.

Một cách làm hay mà Thường Xuân đã tiến hành và cho hiệu quả cao là ban hành chủ trương quy hoạch xây dựng khuôn viên các nhà trường theo hướng chuẩn quốc gia, gắn với xây dựng nông thôn mới. Gần như toàn bộ các nhà trường đã hoàn thành quy hoạch khuôn viên, và nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Song song với những biện pháp đó, Phòng GD&ĐT huyện đã thực hiện nghiêm túc, triệt để và hiệu quả các phong trào, cuộc vận động do Bộ GD&ĐT phát động. Cùng với sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của đội ngũ quản lý và giáo viên trong huyện, chất lượng giáo dục của huyện đã không ngừng được nâng lên cả mũi nhọn và đại trà. Phong trào xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập được chú trọng thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Nói đến một huyện miền núi thuộc diện 30a Chính phủ, khỏi phải bàn về khó khăn, thiếu thốn trong phát triển, không riêng gì ở lĩnh vực giáo dục. Đó là điều kiện giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt khiến huyện phải khắc phục bằng cách mở điểm trường lẻ. Nguồn ngân sách để phát triển giáo dục không nhiều, nguồn vốn xã hội hóa cũng hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều... Để đạt được những thành tựu trên là cả một sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị huyện Thường Xuân.

Với những thành tựu đạt được, trong những năm qua ngành Giáo dục huyện Thường Xuân đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước các cấp. Nhiều trường học được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều giáo viên được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh;...

Thường Xuân hôm nay đã có những ngôi trường tầng kiên cố, là mái ấm thắp lên niềm tin chiến thắng đói nghèo trong mỗi em thơ cắp sách tới trường. Dẫu rằng khó khăn phía trước còn nhiều, nhưng với những cách làm hay, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ những nhà giáo, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, sự học trên quê hương quế ngọc Châu Thường sẽ ngày càng khởi sắc.

Phong Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]