(vhds.baothanhhoa.vn) - Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều trường học ở các huyện miền núi tỉnh ta đã và đang chủ động có những cách làm thiết thực, tạo hứng thú cho cả học sinh (HS) và giáo viên.

Gìn giữ giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong trường học

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều trường học ở các huyện miền núi tỉnh ta đã và đang chủ động có những cách làm thiết thực, tạo hứng thú cho cả học sinh (HS) và giáo viên.

Gìn giữ giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong trường họcHọc sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Bá Thước biểu diễn khua luống.

Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân có 240 HS, hầu hết là đồng bào dân tộc Thái. Thời gian qua, ngoài việc giảng dạy, học tập theo chương trình chính khóa, nhà trường đã lồng ghép truyền dạy kiến thức về các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trong các bài giảng, như: Kiến trúc nhà cửa, trang phục truyền thống DTTS; những điệu dân ca, trò chơi dân gian, nông cụ, nhạc cụ. Nhà trường còn tổ chức đa dạng chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp, như sân khấu hóa, tham quan thực tế, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống tại thôn, bản, khu di tích lịch sử. Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng tới việc giới thiệu các món ăn của đồng bào dân tộc, như: cơm nếp tam sắc, ngũ sắc, cơm lam, bánh ú, gà nướng, cá nướng, canh đắng... của đồng bào các dân tộc trong các hoạt động của nhà trường vào các ngày lễ lớn như: Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày Nhà giáo Việt Nam, chuẩn bị đón tết nguyên đán...

Em Lang Thị Hoàng Yến, HS lớp 6B, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân, chia sẻ: “Là người dân tộc Thái nhưng trước khi vào trường em chưa thể nói được một câu tiếng Thái. Chính vì thế, ngoài việc học các môn văn hóa, điều may mắn nhất là chúng em được các thầy cô truyền tải, lồng ghép trong những bài giảng về các phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào Thái. Hàng tuần nhà trường còn tổ chức dạy chữ Thái, giúp em không chỉ biết đọc mà còn biết viết chữ của dân tộc mình”.

Cô giáo Cầm Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân, cho biết: Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, nhà trường đã có những việc làm thiết thực, trong đó có quy định các em mặc trang phục dân tộc mình vào ngày thứ 2 hàng tuần và những ngày nhà trường có các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm.

Tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Bá Thước, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được đặc biệt quan tâm. Vào những ngày lễ, tết, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, thu hút đông đảo HS tham gia. Tiêu biểu như: Thi làm các món ăn dân tộc; biểu diễn trang phục dân tộc Mường, Thái; thi đánh mảng, ném còn... “Thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, việc truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống DTTS đã giúp HS nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng nét đẹp truyền thống của dân tộc và nỗ lực học tập” - thầy giáo Trần Văn Thuần, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Bá Thước khẳng định.

Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn của đơn vị mình, cũng như sự chỉ đạo của phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện, nhiều trường học ở miền núi có những hoạt động thiết thực để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Thanh Hóa. Tại huyện Thường Xuân, ông Lâm Anh Tuấn, trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Những năm gần đây, cùng với việc chỉ đạo các trường học nâng cao chất lượng dạy học, Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân đã khuyến khích các nhà trường đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực, giúp các em hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, huyện Thường Xuân đã chỉ đạo Trường THCS Dân tộc nội trú huyện dạy thử nghiệm chữ Thái cho các em HS. Từ việc dạy thử nghiệm nếu thấy hiệu quả, huyện Thường Xuân sẽ đưa chữ Thái vào dạy ở các trường dân tộc bán trú của huyện.

Trong thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước đã chỉ đạo các trường học phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, mời người có uy tín, nghệ nhân dân gian nói chuyện, truyền đạt các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS cho HS trong các buổi học ngoại khóa. “Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước khuyến khích các trường học phối hợp với hội cha mẹ HS tổ chức cho HS ít nhất 1 lần/khóa học các hoạt động vui chơi, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa, danh thắng của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, tỉnh. Qua đó, giúp các em được hòa mình vào không gian văn hóa các DTTS. Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước đã ban hành Chỉ thị số 02CT/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giảng dạy truyền thống, lịch sử văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh của huyện Bá Thước trong các trường học trên địa bàn huyện”, đây là cơ sở để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong các trường học đạt được kết quả cao”, ông Hà Tự Nhiên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước cho biết.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT đã đề nghị các địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện để các nhà trường đưa văn hóa của đồng bào DTTS vào giảng dạy và bước đầu có hiệu quả tích cực. Thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, giúp cho HS nhận thức sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, từ đó, có ý thức gìn giữ và phát huy. Từ năm 2018 đến năm 2020, Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND 11 huyện miền núi mở 63 lớp học chữ Thái cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở vùng dân tộc, miền núi, trong đó, học viên là cán bộ, giáo viên chiếm số lượng lớn. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện nội dung giáo dục văn hóa hóa truyền thống DTTS cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của các trường học trên địa bàn các huyện miền núi. Chỉ đạo các trường học quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, thông qua việc tích hợp các nội dung giáo dục truyền thống về lịch sử, văn hóa DTTS trong các môn học, các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, tham quan, hoạt động đoàn, đội. Hiện nay, chưa có bộ tài liệu giáo dục văn hóa truyền thống DTTS để giảng dạy cho HS, vì vậy Sở GD&ĐT đề nghị các cấp, các ngành xây dựng bộ tài liệu giáo dục văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS để các trường học áp dụng.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]