(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải nhớ rằng dân là chủ, dân như nước, quân như cá”. Mối quan hệ cá nước ấy đến ngày nay vẫn được cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam khắc ghi.

Giữ vững an ninh vùng biên: “Tình quân dân cá nước” ở thời bình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải nhớ rằng dân là chủ, dân như nước, quân như cá”. Mối quan hệ cá nước ấy đến ngày nay vẫn được cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam khắc ghi.

Giữ vững an ninh vùng biên: “Tình quân dân cá nước” ở thời bìnhThượng tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung trao quà cho các cháu đang là con nuôi của đồn và được đồn giúp đỡ nhân dịp khai giảng năm học mới.

Đến Đồn Biên phòng (ĐBP) Pù Nhi (Mường Lát), đón chúng tôi, Trung tá Dương Thế Anh, Chính trị viên, cho biết: "Gần 3 tháng nay, nhiều chiến sĩ không được về với gia đình. Đồn duy trì 1 trạm liên hợp, 3 chốt cố định và 1 tổ kiểm soát lưu động bảo đảm nhiệm vụ trực gác kiểm soát nơi có đường mòn, lối mở giáp ranh biên giới để kiểm soát tình hình, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới an toàn, bảo đảm kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt”.

Cùng với đó, đồn đã thực hiện nhiều giải pháp, việc làm cụ thể để giúp Nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Theo chia sẻ của Trung tá Dương Thế Anh: Trong quá trình bộ đội biên phòng giúp dân phát triển kinh tế, khó khăn nhất là thay đổi nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu, lại thêm sự bất đồng ngôn ngữ. Tuy nhiên, đồn hiện có 5 chiến sĩ người dân tộc Mông, nên mọi hoạt động tuyên truyền đã dễ dàng hơn.

Đưa chúng tôi đến bản Pù Ngùa (xã Pù Nhi), Thượng úy Hơ Văn Trẻ giới thiệu về mô hình trồng cây táo mèo: “Mô hình trồng táo mèo được ĐBP Pù Nhi triển khai từ năm 2018 với mục tiêu tạo sinh kế ổn định cho dân bản, khắc phục tình trạng du canh du cư, phát nương làm rẫy. Triển khai mô hình, ĐBP Pù Nhi đã đầu tư mua giống táo mèo, vận động bà con trồng trong khu vực rừng phòng hộ. Hiện, 6ha táo mèo trồng thí điểm đang sinh trưởng và phát triển tốt, khoảng 1 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Đồn sẽ căn cứ trên hiệu quả thực tế để nhân rộng mô hình trên địa bàn”.

Gặp ông Thao Nọ Gia - người hiện đang được giao bảo vệ biển báo vành đai 22 và mốc 305, ông cho biết: “Trước đây, người Mông có thói quen làm chuồng trâu, chuồng lợn, khu vệ sinh "lộ thiên” ngay sát nhà; có gia đình còn đem phân trâu, phân bò phơi ngay trước cửa, để mỗi khi qua lại giẫm cho tơi nên rất mất vệ sinh, dễ gây dịch bệnh... Khi bộ đội biên phòng xuống tuyên truyền, họ nhất định không nghe mà còn nói rằng, sợ làm chuồng trâu, chuồng lợn ra xa nhà ở thì con ma rừng sẽ bắt mất. Nhờ có bộ đội biên phòng, người Mông chúng tôi đã thay đổi nếp sống, thay đổi tư duy trong sản xuất, tạo bước tiến đáng kể trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn ở Pù Nhi”.

Ngoài ra, để chia sẻ những khó khăn và nâng cao đời sống cho bà con, ĐBP Pù Nhi cũng vận động các cá nhân trong đơn vị và các tổ chức khác phối hợp xây dựng các công trình công cộng, nhà tình nghĩa. Năm 2020, đồn đã xây dựng 2 căn nhà, trong đó có ngôi nhà của Hơ Văn Xó. Sinh năm 1999, mẹ mất sớm, bố mất tích, Hơ Văn Xó ở một mình trong ngôi nhà tranh tre, đến cái ghế cũng không có. Vật dụng duy nhất là chiếc máy khâu cũ của mẹ em để lại. Sau cơn lốc năm 2019, căn nhà sập hẳn. Ban đầu, chỉ huy đơn vị trực tiếp xuống kiểm tra và điều động cán bộ, chiến sĩ xuống để sửa sang lại ngôi nhà. Trên tinh thần tự nguyện, mỗi chiến sĩ góp một chút tiền và kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, tổng cộng được 120 triệu đồng. Trong quá trình xây dựng căn nhà, đơn vị phải mua thêm xi măng và một số vật liệu khác, tính đến khi hoàn thành, tổng chi phí xây dựng ngôi nhà là 140 triệu đồng, chưa kể công lao động của cán bộ, chiến sĩ.

Chính nhờ vai trò của cấp ủy, chính quyền, sự góp sức phối hợp của những “người lính mang quân hàm xanh” mà xã Pù Nhi vốn trước đây là “thủ phủ” của cây thuốc phiện và các tệ nạn buôn bán chất ma túy..., đã từng bước đổi thay, cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngược phía thượng nguồn sông Mã, chúng tôi lên ĐBP Tam Chung đóng chân trên địa bàn xã Tam Chung (Mường Lát). Đây là nơi đã nhận nuôi 2 cháu: Hoàng Văn Tuất và Vi Văn Thắng từ năm 2014, tức là trước 3 năm mô hình “Con nuôi Biên phòng” của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời. Hoàn cảnh của 2 cháu rất đáng thương. Bố của Vi Văn Thắng mất khi cháu còn nhỏ, mẹ bỏ đi, cháu phải ở với ông bà nội và gia đình bác trai. Bác trai mất, ông bà nội phải nuôi cả con dâu và 4 đứa cháu. Vi Văn Tuất thì có bố mắc phải “căn bệnh thế kỷ”, qua đời năm 2012, mẹ vì sự kỳ thị, xa lánh của người dân nên phải khăn gói đi làm ăn xa, lâu lâu mới về. Cháu sống cùng chị gái và bà nội già yếu, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào các cô, các bác. Từ ngày Thắng, Tuất lên làm “con nuôi” của đồn, gia đình 2 cháu đỡ vất vả hơn và quan trọng hơn cả là các cháu trưởng thành, ngoan ngoãn. Vi Văn Thắng, tâm sự: “Cháu thích ở trên đồn lắm. Sáng dậy theo các chú tập thể dục, được các chú dạy võ, hướng dẫn trồng rau, nuôi gà. Ngoài giờ học, cháu phụ giúp các chú quét sân, cho gà ăn và tưới rau. Cháu sẽ cố gắng học để sau này trở thành người chiến sĩ biên phòng, cùng bảo vệ biên cương như các chú”.

Chia sẻ với những khó khăn của đồng bào nói chung và 2 cháu Hoàng Văn Tuất, Vi Văn Thắng nói riêng, Thượng tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên ĐBP Tam Chung, cho biết thêm: “Ngoài chương trình “Con nuôi Biên phòng”, chúng tôi còn đỡ đầu 2 cháu trong chương trình “Nâng bước em tới trường” là Hà Quang Minh (sinh năm 2006) và Thào Chà Giang (sinh năm 2008). Cán bộ, chiến sĩ của đồn coi các cháu như con cái trong nhà. Ở đây các cháu nhỏ không chỉ nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc trực tiếp từ những người lính biên phòng, mà còn được rèn luyện đức tính gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Việc nhận các cháu làm con nuôi ĐBP cũng chính là việc chăm lo, đào tạo thế hệ tiếp bước cha anh trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc, đồng thời, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ở khu vực biên giới, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc”.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay ở các ĐBP trong tỉnh đang đỡ đầu và nhận nuôi 95 cháu có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tại các ĐBP ở 5 huyện miền núi còn nhận nuôi 11 cháu người Lào.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]