(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm học 2021- 2022, đánh dấu 10 năm thực hiện mô hình VNEN tại Thanh Hóa. Đây là mô hình được đánh giá cao về đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt giúp giáo viên tự tin hơn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiệu quả mô hình VNEN đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018

Năm học 2021- 2022, đánh dấu 10 năm thực hiện mô hình VNEN tại Thanh Hóa. Đây là mô hình được đánh giá cao về đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt giúp giáo viên tự tin hơn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiệu quả mô hình VNEN đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018Giờ học chuyên đề: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực của HS tại lớp 5A, Trường TH Đông Cương (TP Thanh Hóa), năm học 2020 - 2021. (Ảnh do nhà trường cung cấp).

Từ ưu điểm đến tiếp tục duy trì mô hình

Năm học 2021 - 2022 tới đây, Trường Tiểu học (TH) Đông Cương (TP Thanh Hóa) tiếp tục với mô hình VNEN. Sau một thời gian dài tiếp cận, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã nỗ lực vượt khó để hiểu đúng bản chất, quy trình của mô hình. Mô hình VNEN kết thúc từ năm học 2015 - 2016 nhưng từ hiệu quả mang lại, nên nhà trường vẫn duy trì thực hiện. Hiệu trưởng Nguyễn Thúy Hòa, cho biết: “Mô hình rất thành công, được sự đồng tình, ủng hộ cao từ phụ huynh. Giáo viên đã có phương pháp dạy học đồng bộ và thống nhất, học sinh (HS) tự tin hơn. Quan điểm của Trường TH Đông Cương là đã làm cho ra làm, không làm thì thôi".

Trong quá trình thực hiện mô hình, Trường TH Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) nơi có gần 30% HS dân tộc Mường, đã gặp không ít khó khăn. Theo cô giáo Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường: “Chúng tôi không quá máy móc khi thực hiện mà căn cứ vào điều kiện thực tế. Khi dừng dự án, chúng tôi vẫn thấy nhiều ưu điểm của mô hình, đó là giáo viên không truyền thụ kiến thức một chiều mà phải là người tổ chức các hoạt động học tập cho HS tìm tòi, khám phá. Tinh thần tự giác, sự tự tin của HS được nâng lên rõ rệt… Vì vậy, mô hình vẫn được nhà trường tiếp tục thực hiện”.

Mô hình VNEN với phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và học theo nhóm là chủ yếu, giúp các em phát huy tốt các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác… Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình VNEN là sự cố gắng, nỗ lực và tâm huyết không chỉ của cán bộ, giáo viên mà còn là sự đồng thuận, ủng hộ từ phía phụ huynh và cộng đồng. Đặc biệt, sự đồng thuận của phụ huynh đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xã hội hóa mua sắm đồ dùng, trang thiết bị dạy học, tiếp tục duy trì mô hình VNEN khi không còn tài trợ.

Giáo viên tự tin khi dạy chương trình mới

Thời điểm này, các địa phương đang tiến hành bồi dưỡng cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018. Như vậy, từ năm học 2021 - 2022, lớp 2 sẽ không còn dạy theo mô hình VNEN (mô hình VNEN, chỉ áp dụng từ lớp 2 đến lớp 5).

Theo mô hình VNEN, quá trình dạy và học có 5 hoạt động chính là: Khởi động, Hình thành kiến thức, Luyện tập, Vận dụng và Tìm tòi mở rộng. CTGDPT 2018 cũng được triển khai bằng 5 hoạt động chính: Khởi động, Khám phá kiến thức, Luyện tập, Vận dụng và Tìm tòi mở rộng. So với mô hình VNEN, thì chương trình mới đổi tên gọi ở hoạt động thứ 2.

VNEN được xem là mô hình tiếp cận gần nhất với hướng đi của CTGDPT 2018. Theo cô giáo Lê Thị Diệp, giáo viên lớp 2, Trường TH Đông Cương: “Tôi không bỡ ngỡ khi tham gia CTGDPT 2018 vì giữa mô hình VNEN và CTGDPT 2018 có sự tương đồng. Ví như trong mục hoạt động ở CTGDPT 2018, nhóm trưởng thu thập kiến thức của nhóm mình để báo cáo với cô giáo. Còn ở mô hình VNEN thì nhóm trưởng thu thập kiến thức, báo cáo với trưởng ban học tập hoặc chủ tịch hội đồng tự quản, sau đó khó khăn mới báo cáo giáo viên”. Chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên lớp 2, Trường TH Vĩnh Hùng: “Điểm mạnh của VNEN là phát huy được kỹ năng giao tiếp, tương tác rất hiệu quả. Hiện chúng tôi đang được bồi dưỡng CTGDPT 2018. Sách chưa về đến tay nhưng qua sách điện tử, tôi thấy tương tự VNEN, giúp giáo viên rất tự tin”.

Trong khi một số tỉnh đã dừng dạy mô hình VNEN từ vài năm về trước do gặp những khó khăn, bất cập, quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa là không nhân rộng mô hình nhưng động viên các nhà trường tiếp tục mô hình cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình thay sách giáo khoa. Năm học 2021 - 2022, là năm học thứ 10 đối với những trường còn dạy mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh. Từ năm học này, mô hình VNEN sẽ dần thay thế bằng CTGDPT 2018.

Từ 91 trường tham gia mô hình VNEN trong năm học 2012 - 2013, đến nay còn 53 trường duy trì, là cả hành trình vượt khó đáng khích lệ. Ngay thời điểm hiện tại, diện tích phòng học ở nhiều trường vẫn chưa đáp ứng đủ việc xếp lớp học theo nhóm; do sách giáo khoa VNEN giá thành cao nên để tiết kiệm cho phụ huynh, sau một năm học, các nhà trường lại đưa sách giáo khoa cũ về thư viện để dùng trong năm học mới… Ông Trịnh Vinh Long, Trưởng phòng Giáo dục TH, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Với mô hình VNEN, kết quả học tập của HS có nhiều tiến bộ. Ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp chuyển biến rõ rệt, nhất là ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số… Giáo viên và HS rất thích mô hình này. Mô hình tạo tiền đề để triển khai CTGDPT 2018, trong đó tập trung đổi mới phương pháp dạy học, cách thức tổ chức lớp học”...

Mô hình VNEN thuộc Dự án về Giáo dục TH do Quỹ Giáo dục toàn cầu tài trợ kinh phí. Mô hình được thực hiện từ năm học 2012-2013, kết thúc trong năm học 2015-2016. Khi triển khai, thực hiện, Thanh Hóa có 91 trường TH với hơn 1.000 lớp tham gia. Sau khi dự án kết thúc, dù không còn kinh phí hỗ trợ nhưng đến hết năm học 2020 - 2021 vẫn còn 53 trường với 741 lớp học duy trì mô hình này. Mô hình VNEN thuộc Dự án về Giáo dục TH do Quỹ Giáo dục toàn cầu tài trợ kinh phí. Mô hình được thực hiện từ năm học 2012-2013, kết thúc trong năm học 2015-2016. Khi triển khai, thực hiện, Thanh Hóa có 91 trường TH với hơn 1.000 lớp tham gia. Sau khi dự án kết thúc, dù không còn kinh phí hỗ trợ nhưng đến hết năm học 2020 - 2021 vẫn còn 53 trường với 741 lớp học duy trì mô hình này.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]