(vhds.baothanhhoa.vn) - “Điều tôi mong muốn ở cuộc họp phụ huynh này là bố mẹ hãy hạ vị trí của bản thân xuống thấp một chút để làm bạn cùng con. Lúc nào cũng đứng trên cương vị là bố mẹ, là thầy, là người lớn thì sẽ không bao giờ hiểu được con mình, học trò mình...”, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung) Nguyễn Danh Hoàng chia sẻ về cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới. Một cuộc họp mà ở đó, phần nội dung do ông lên ý tưởng.

Hiệu ứng từ cuộc họp phụ huynh - “Làm bạn cùng con”

“Điều tôi mong muốn ở cuộc họp phụ huynh này là bố mẹ hãy hạ vị trí của bản thân xuống thấp một chút để làm bạn cùng con. Lúc nào cũng đứng trên cương vị là bố mẹ, là thầy, là người lớn thì sẽ không bao giờ hiểu được con mình, học trò mình...”, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung) Nguyễn Danh Hoàng chia sẻ về cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới. Một cuộc họp mà ở đó, phần nội dung do ông lên ý tưởng.

Hiệu ứng từ cuộc họp phụ huynh - “Làm bạn cùng con”

Điều chỉnh bản thân, ứng xử chuẩn mực hơn với con

Lần đầu tiên, Trường THCS Lý Thường Kiệt có một cuộc họp phụ huynh không liên quan đến các khoản thu - chi. Cuộc họp đặc biệt này chỉ diễn ra ở 2 lớp 6, tập trung trao đổi, tìm hiểu về những mong muốn của con với bố mẹ, thầy cô. Với chủ đề: “Làm bạn cùng con”, cuộc họp đã tạo hiệu ứng tích cực và có sức lan tỏa lớn đến tất cả các khối lớp còn lại.

Sau hơn 2 tháng, kể từ khi cuộc họp được tổ chức, chị Nguyễn Thị Minh, phụ huynh lớp 6B vẫn còn nguyên cảm xúc. Cuộc họp này đã giúp chị có những thay đổi bản thân để làm bạn cùng con. “Tôi đã hiểu thêm tâm tư, tình cảm cũng như mong muốn của con. Từ sau cuộc họp, tôi và con luôn có những tâm sự về vấn đề học tập ở lớp, những vấn đề khó khăn mà con thường gặp... Tôi nhận ra, bận bịu, lo toan cho cuộc sống bao nhiêu thì vẫn phải cố gắng dành thời gian bên con để hiểu và chia sẻ”, chị Minh cho biết.

“Một cuộc họp của cảm xúc và ý nghĩa”. Đó là cảm nhận của anh Nguyễn Văn Tòng, phụ huynh lớp 6A. Theo anh Tòng, chủ đề “Làm bạn cùng con” đã tạo sự kết nối, gắn bó hơn giữa thầy và trò, giữa con và bố mẹ, giữa nhà trường và phụ huynh. Anh nói: “Cuộc họp rất hữu ích. Có thể lâu nay, trong vai trò là người bố, người mẹ, có đôi khi chúng ta tự cho mình một cái quyền, nói gì con cái cũng phải nghe hoặc khi có một sự việc nào đó xảy ra thì không cho con giải thích mà vẫn khẳng định việc làm đó của con sai... Vì vậy, cuộc họp là dịp để phụ huynh cùng ngồi lại điều chỉnh bản thân, có cách ứng xử chuẩn mực hơn với con cái”.

2 lớp 6 với hơn 70 học sinh là hơn 70 tiếng lòng gửi đến bố mẹ, thầy cô giáo. “Làm bạn cùng con” đã giúp các em giải quyết điều quan trọng nhất đó là được thẳng thắn và được sẻ chia như lời bộc bạch của em Ngọc Anh, học sinh lớp 6B, rằng: “Em rất vui và cảm thấy tự tin khi được tham gia vào cuộc họp này. Ở đó, em được nói lên những mong muốn, suy nghĩ của bản thân, được bộc lộ những cảm xúc của mình...”. Còn Bảo Thu, thành viên lớp 6A, một học sinh luôn yêu thích các hoạt động mang tính nghệ thuật nhưng đôi khi hay thụ động, không thực sự tự tin trong các phong trào, bày tỏ: “Em rất thích chủ đề này. Khi làm bạn cùng con thì khoảng cách giữa bố mẹ và con cái sẽ được rút ngắn lại. Em có thể trò chuyện, tâm sự một cách dễ dàng hơn với bố mẹ khi gặp một vấn đề gì đó...”.

Cần thiết phải ngồi lại, nhìn lại...

Sau khi năm học mới 2022-2023 bước vào tuần thứ 3, cuộc họp phụ huynh với chủ đề “Làm bạn cùng con” được tổ chức. Người đầu tiên đưa ra ý tưởng này là thầy giáo Nguyễn Danh Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt. Cuộc họp chỉ được tổ chức ở 2 lớp 6 của nhà trường. Xuất phát từ việc, khi học sinh lớp 5 lên lớp 6 với sự thay đổi về môi trường học, chương trình học, yêu cầu học sẽ khiến các em bỡ ngỡ, khó khăn trong đáp ứng, tiếp cận. Đồng thời là sự thay đổi về tâm sinh lý nên cuộc họp là dịp để bố mẹ ngồi ở vị trí ngang bằng như các con để hiểu con hơn.

Trước khi diễn ra cuộc họp phụ huynh “Làm bạn cùng con”, nhà trường phát cho học sinh những mẩu giấy nhỏ để thu thập ý kiến của học sinh, ở đó là mong muốn của bản thân với thầy cô, bố mẹ, những khó khăn các em gặp phải... Sau đó, tập hợp lại những ý kiến chung nhất và viết lên bản giấy to, dán lên bảng khi cuộc họp phụ huynh được tổ chức. “Tôi không muốn làm cái gì nổi bật hay khác biệt. Chỉ đơn giản đó là sự kết nối mà sau cuộc họp này thì sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh tốt hơn, bớt được sự căng thẳng của học sinh khi học cũng như của phụ huynh khi giúp đỡ con học. Rất mừng, cuộc họp thu được nhiều kết quả hữu ích”, hiệu trưởng Nguyễn Danh Hoàng chia sẻ.

Hiệu ứng từ cuộc họp phụ huynh - “Làm bạn cùng con”Một trong những mong muốn của học sinh là thầy, cô nên giảm bớt bài tập về nhà. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Thầy giáo Nguyễn Thành Long, giáo viên chủ nhiệm lớp 6B không khỏi phấn chấn khi lần đầu tiên sau nhiều năm trong nghề, anh tham gia một cuộc họp phụ huynh đặc biệt. Ở cuộc họp này, theo thầy Long, có hai nội dung lớn mà học sinh muốn gửi gắm tới bố mẹ, thầy cô. Thứ nhất là mong bố mẹ đừng quát con nhiều. Thứ 2 là mong muốn thầy cô bớt tạo áp lực cho các em. Thầy Long cho biết: “Nhiều phụ huynh công nhận, rằng đôi khi gây áp lực cho con, như khi con chưa hoàn thành công việc sẽ gây ức chế cho phụ huynh nên thường la mắng con. Còn áp lực của thầy cô không phải là điểm số mà chủ yếu là số lượng bài tập phải hoàn thành. Vì thực tế, khi giáo viên giảng xong một chương trình kiến thức thì bất kỳ thầy cô nào cũng muốn học sinh phải nắm trọn kiến thức, học lơ mơ, thầy cô cũng rất căng thẳng vì bây giờ mảng kiến thức là học đâu cuốn chiếu đấy. Nếu không có cuộc họp này, người lớn vẫn luôn nghĩ mình đúng, bố mẹ sẽ khó hiểu con, thầy cũng khó hiểu trò... Nên cần thiết phải ngồi lại, nhìn lại”.

VIỆT ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]