(vhds.baothanhhoa.vn) - Hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi nghe câu “học giỏi mà không gian nan”, bởi thực tế học sinh đang phải chịu áp lực rất lớn từ việc học. Vậy, học giỏi mà không gian nan là học như thế nào? Hãy lắng nghe câu chuyện của những học sinh giỏi tại các trường.

Học giỏi mà không gian nan

Hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi nghe câu “học giỏi mà không gian nan”, bởi thực tế học sinh đang phải chịu áp lực rất lớn từ việc học. Vậy, học giỏi mà không gian nan là học như thế nào? Hãy lắng nghe câu chuyện của những học sinh giỏi tại các trường.

Học giỏi mà không gian nan

Em Dương Anh Đức và thầy Nguyễn Văn Quang thực hiện thí nghiệm tại Câu lạc bộ Khoa học - kỹ thuật Trường THCS Xuân Bình (Như Xuân). Ảnh: Vân Quang

Em Trương Khánh Linh, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền. Đặc biệt, ở môn Văn, năm học 2020 - 2021 em đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ước mơ của Khánh Linh là đỗ Khoa Sư phạm Văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trở thành giáo viên dạy Văn. Với Khánh Linh, văn học không phải chỉ là học thuộc tác phẩm, ghi nhớ đề cương, mà cần phải tư duy như các môn khoa học tự nhiên. Theo em, tư duy trong môn Văn sẽ giúp chính bản thân lĩnh hội được “cốt lõi” của tác phẩm mà không bị phụ thuộc vào những bài văn mẫu, bài phân tích của người khác. Linh chia sẻ: “Với mỗi tác phẩm, tác giả mới trước hết phải đọc hiểu tác phẩm để có cái nhìn toàn diện nội dung bao trùm, sau đó mới tìm hiểu sâu về chi tiết, hàm ý mà tác giả ẩn sau từng câu chữ. Trong thời đại hiện nay, học văn không nhất thiết phải ngồi vào bàn đọc sách vở mà em có thể học từ các diễn đàn, hội nhóm, hoặc từ những bản tin thời sự có đưa thông tin mới về tác phẩm, tác giả đó. Vì vậy, một ngày em chỉ dành khoảng 1 tiếng đồng hồ tự nghiên cứu, thời gian còn lại em học môn khác, hoặc tìm hiểu thêm kiến thức, thông tin trên internet”.

Khi được hỏi, "Để học giỏi môn Văn, em có vất vả, gian nan không?”, Linh cười: “Em chưa bao giờ thấy học văn là gian nan cả, đây là môn học em đam mê từ nhỏ. Không chỉ em mà các bạn trong đội tuyển cũng thấy học văn không hề vất vả, bởi chúng em đều yêu thích môn học này. Em nghĩ điều quan trọng nhất để học giỏi mà không cảm thấy gian nan là phải có niềm đam mê đối với môn học đó. Có đam mê thì em không ngại để dành thời gian, công sức nghiên cứu, học tập. Khi em chủ động học thì luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ, nhanh hiểu bài, còn nhiều thời gian để vui chơi, giải trí”. Xuất phát từ niềm đam mê nên việc học được em chủ động hoàn toàn, xây dựng kế hoạch thực hiện và quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch đó. Khánh Linh không đi học thêm nhiều, mà tập trung học và mạnh dạn trao đổi thắc mắc, vấn đề chưa hiểu với thầy, cô giáo ngay trong tiết học tại lớp.

Còn đối với em Dương Anh Đức, học sinh Trường THPT Như Xuân 2 (Như Xuân) thì niềm đam mê môn Vật lý đã giúp em trở thành “nhà sáng chế học đường” với mô hình “Thiết bị vớt, bóc tách, xử lý dầu mỡ thải ô nhiễm trong nguồn nước” từ khi còn học lớp 9, Trường THCS Xuân Bình. Mô hình này đạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2020, và giải Ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16. Theo Dương Anh Đức, niềm đam mê và sự khích lệ từ gia đình giúp cho em đắm mình hơn với môn Vật lý. Chia sẻ bí quyết học để thành công, em tâm sự: “Vật lý ứng dụng là một trong những môn học đòi hỏi phải có sự đam mê, yêu thích. Em tự chủ động tìm tòi, nghiên cứu phần ứng dụng của vật lý phục vụ cuộc sống con người qua các thiết bị điện tử... Càng nghiên cứu, em càng thấy sự kỳ diệu của môn học, nó thực sự có thể giúp con người giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống như biến đổi khí hậu, giải phóng sức lao động, hiện đại hóa sản xuất... Vì vậy, học vật lý không hề gian nan mà như một thử thách cần nhiều động lực để vượt qua bằng niềm đam mê, chủ động học tập, xây dựng kế hoạch và quyết tâm thực hiện kế hoạch đó"...

Học giỏi mà không gian nanEm Trương Khánh Linh, lớp 12A6 Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Và “thử thách" đã đến khi Đức và các bạn đề xuất ý tưởng “Thiết bị vớt, bóc tách, xử lý dầu mỡ thải ô nhiễm trong nguồn nước”. Nhận thấy, chất thải dầu mỡ từ các nhà máy, xí nghiệp... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, em nhiều lần suy nghĩ, tìm biện pháp để có thể kiểm soát và xử lý triệt để nguồn ô nhiễm ngay tại chỗ. Đức đã cùng với các bạn của mình tự nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo mô hình, thực nghiệm lắp đặt thiết bị tại cống xả nước của các tiệm rửa xe, cơ khí, nhà hàng... Nguyên lý hoạt động của mô hình giúp dầu mỡ trong nước thải được tách biệt và dẫn đến thùng chứa riêng. Thiết kế được đánh giá cao bởi lợi ích thiết thực, chống biến đổi khí hậu, hạn chế ô nhiễm môi trường nước tại các sông, hồ. Chi phí tạo nên mỗi sản phẩm chỉ khoảng 500 nghìn đồng, chủ yếu bằng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Thầy Nguyễn Văn Quang, giáo viên Trường THCS Xuân Bình, người hướng dẫn đề tài khoa học cho em Dương Anh Đức, bày tỏ quan điểm: “Quá trình hướng dẫn các em, tôi nhận thấy kết quả học tập không tỷ lệ thuận với thời gian học. Nó có phụ thuộc, nhưng không phải học càng nhiều càng giỏi. Học nhiều mà học nhồi nhét, học thụ động không thể bằng tự học dưới sự hướng dẫn, giải thích, gỡ rối của thầy. Bất kỳ một học sinh nào cũng có thế mạnh ở một lĩnh vực nhất định. Dễ nhận thấy nhất là những em thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhưng vẫn có những em chỉ giỏi một khía cạnh của môn học. Vì vậy, nhiệm vụ của thầy, cô giáo và phụ huynh là tìm được điểm mạnh đó và khơi dậy niềm đam mê, bởi bắt đầu học với niềm đam mê thì mới tạo nên động lực, sự chủ động tìm kiếm kiến thức của môn học, từ đó mới mang đến kết quả như mong muốn”.

Thêm một ví dụ khác, em Nguyễn Công Phong, học sinh giỏi môn Toán Trường THPT Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa). Phong có mô hình “Xe đẩy xúc hạt đa năng” đạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh năm 2019. Em chia sẻ: “Với môn Toán, em thường tư duy ngược vấn đề, như để giải quyết bài toán khó này thì cần có những cách nào? Theo mỗi cách thì cần phương pháp giải nào? Kiến thức bắt buộc của phương pháp đó là gì, và muốn làm như vậy thì phải nắm rõ kiến thức nền tảng, nghĩa là học đến đâu nắm chắc tới đó. Em nhận thấy điều quan trọng để học tốt và giảm bớt áp lực trong học tập, là tự khơi dậy niềm đam mê học tập cho bản thân, nếu không sẽ bị phụ thuộc kiến thức mà thầy cô cung cấp, không tự tìm tòi được kiến thức mới”.

Qua những chia sẻ trên có thể thấy, việc học sẽ đỡ vất vả và gian nan hơn nếu bản thân mỗi học sinh tự tìm niềm đam mê và phương pháp học tập phù hợp. Nuôi dưỡng niềm đam mê trong học tập bên cạnh sự tự khám phá bản thân của học sinh, cần có sự định hướng và khơi dậy đam mê của thầy, cô giáo cùng phụ huynh học sinh.

Phong Vân


Phong Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]