(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày nay, một bộ phận học sinh (HS) yêu đương khá sớm, rồi tô son, đánh phấn, nhuộm tóc. Đó là câu chuyện không chỉ khiến phụ huynh lo lắng mà nhà trường phải thường xuyên sâu sát. Trong khi quy định cấm HS nữ trang điểm đến trường nhận được sự đồng tình lớn của phụ huynh (PH) thì các em lại có phản ứng. Nên chăng cần cởi mở hơn cho nhu cầu làm đẹp của HS?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi học sinh THCS, THPT trang điểm đến trường

Ngày nay, một bộ phận học sinh (HS) yêu đương khá sớm, rồi tô son, đánh phấn, nhuộm tóc. Đó là câu chuyện không chỉ khiến phụ huynh lo lắng mà nhà trường phải thường xuyên sâu sát. Trong khi quy định cấm HS nữ trang điểm đến trường nhận được sự đồng tình lớn của phụ huynh (PH) thì các em lại có phản ứng. Nên chăng cần cởi mở hơn cho nhu cầu làm đẹp của HS?

Khi học sinh THCS, THPT trang điểm đến trường

Giữ nét thanh tân, hồn nhiên của học sinh dưới mái trường. Ảnh: Hiệp Sơn

Các em không phải là học sinh... tiểu học

Không ít lần tôi từng chứng kiến ở quán xôi buổi sáng, vài cô bé tô son rất sành điệu, chu miệng to để đút thìa xôi cho không bị lem môi. Lúc ấy tôi bật cười, và nghĩ thầm: Sao phải khổ thế?

Chỉ ngồi chờ đón con vài ba bữa ở trước cổng trường THPT, thậm chí THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa sẽ thấy không ít hình ảnh HS nữ trang điểm đến trường.

Lý giải về điều này, chắc chắn trong đó có nguyên nhân từ việc phát triển sớm ở các em, dẫn đến việc nhìn nhau, để ý nhau. Ngay trong các bạn nữ đã không muốn mình thua kém so với bạn học về nhan sắc, ngoại hình; nhiều bạn ngại ngùng vì có đôi mắt một mí hay đôi môi nhợt nhạt, mặt nhiều mụn... Ngoài ra, không ít em cũng thích được bạn khác giới để ý, dù chỉ là ánh mắt. Và rất tự nhiên, các em tìm đến mỹ phẩm như là một cách để chứng tỏ mình đã bắt đầu trưởng thành, mình đã là người lớn, và mình có quyền được xinh đẹp hơn, tự tin hơn.

Khi được chúng tôi hỏi: Bằng tuổi này mà trang điểm đến trường, em có thấy mình lớn so với tuổi không? Em H, học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP Thanh Hóa, cho rằng: Chúng em không phải là HS tiểu học, các em THCS còn dùng đến son, sao HS THPT không có quyền hoàn thiện vẻ đẹp của bản thân? Hay ý kiến của em B.A: “Sao lại cấm nhỉ, một chút son môi có sao đâu. Lớp em mùa lạnh phần lớn bạn nữ đều sử dụng son dưỡng môi có màu hồng vừa dưỡng môi, vừa tươi tắn”.

Có thể khẳng định độ tuổi cuối cấp THCS đầu cấp thPT là giai đoạn rất nhạy cảm, đặc biệt là HS nữ. Lứa tuổi thích theo trào lưu và cũng dễ “cảm nắng”. Chính vì thế, nhiều bậc cha mẹ cũng thực sự bất ngờ vì sự thay đổi “chóng mặt” của con, nói gì các con cũng dễ tổn thương và dễ cáu. Các thầy, cô giáo tuy nắm rất rõ tâm lý học trò, song đôi khi vẫn phải lựa lời.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Liên - Tổng phụ trách đội Trường THCS Tân Sơn, TP Thanh Hóa: Nhu cầu làm đẹp của trẻ giờ khác rồi. Nhiều khi để tránh sự nhắc nhở của cô giáo, các con uống nước rồng đỏ, nước Sting rồi bậm môi lại để tạo làn môi đỏ. Còn với các anh chị THPT, không chỉ là dùng son, phấn, có HS còn xăm, hay sử dụng hình xăm rất kín đáo.

Và những hệ lụy

Hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều có nội quy cấm HS không được trang điểm, nhuộm tóc, sơn móng... nhưng tình trạng HS trang điểm không hề ít. Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Cúc – giáo viên Trường THCS Lê Lợi, TP Thanh Hóa cho biết: Từ việc đỏm dáng, quá quan tâm đến hình thức mà nhiều thói hư tật xấu xuất hiện. Có HS lớp 6 đã sử dụng son môi, còn lớp 8 nhiều em đã trang điểm như những thiếu nữ thực sự. Đây cũng là nguyên nhân mà HS yêu đương sớm, và cũng chính từ việc các em trang điểm sớm mà các bạn nam để ý đến bạn nữ nhiều hơn. Thực tế, các em sống dung dị, đơn giản, không đua đòi son phấn, quần áo sẽ có kết quả học tập tốt, còn những em mải nhìn về hình thức, ngắm vuốt, trang điểm thì đa phần học yếu hơn so với chính mình và các bạn cùng lớp.

Là giáo viên dạy Văn, cô giáo Lê Thị Thanh, Trường THPT Như Thanh, cho biết: May mắn là mình dạy lớp chọn, đa phần HS ngoan, song thỉnh thoảng vẫn có bạn lén lút trang điểm, nếu giám hiệu đi kiểm tra thì vội vàng lau, sau đó trang điểm lại. Riêng với lớp chọn Toán hầu hết các em là con em cán bộ, công chức nên có ý thức tốt, lại thêm sự quản lý chặt chẽ của gia đình nên hoàn toàn không có hiện tượng trang điểm.

Trường THCS Tân Sơn có tổng số 312 HS, vì sĩ số HS ở các lớp không lớn nên việc quản lý nền nếp HS dễ hơn so với các trường trên địa bàn TP Thanh Hóa. Theo cô tổng phụ trách đội Nguyễn Thị Liên: “Chỉ đưa mắt là đủ nắm bắt được tình hình của HS, nhiều em lén lút đánh son, thấy cô giáo vào lớp là cúi mặt xuống, thậm chí xõa tóc để tránh bị phát hiện, nhưng khi bị nhắc nhở, thường các em lau ngay. Rồi nhiều khi các bạn còn mách cô giáo bạn này, bạn kia vẫn sử dụng son. Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng nhìn chung HS nào chú ý nhiều tới hình thức bên ngoài thì kết quả học tập kém hơn, sớm cảm mến bạn nam hơn”.

Cần phải dứt khoát, nghiêm khắc?

Trong rất nhiều nguyên nhân đưa ra để giải thích cho tình trạng HS trang điểm đến trường, lý do cơ bản nhất theo cô giáo Cúc đó là sự buông lỏng, nuông chiều của PH đối với con gái, mà hơn hết là vai trò của người mẹ. “Vì thế, theo tôi, đừng giao hết trách nhiệm cho nhà trường và cô giáo, vấn đề là bố mẹ phải biết khi nào tế nhị, khi nào cần dứt khoát với con trẻ” - cô giáo Cúc chia sẻ.

Ông N. Hà, - đường Lê Nhân Tông, phường Đông Vệ cho biết: “Tôi có con gái đang học lớp 10, thỉnh thoảng vẫn thấy con dùng son nhưng tôi cho là chấp nhận được. Nếu con học THCS, tôi sẽ ngăn cản nhưng giờ con đã lớn hơn, có ý thức nhiều hơn về vẻ ngoài của mình cũng là cái tốt, còn hơn là con gái mà xuề xòa. Quan trọng là gia đình tôi vẫn sát sao con và thấy việc học tập, ý thức của cháu ổn chưa thấy gì đáng phàn nàn”.

Mỗi trường có cách khác nhau để tuyên truyền cho HS. Đặc biệt là phát huy vai trò của ban nữ công nhà trường hoặc hội đồng đội trường xây dựng, kế hoạch hàng tháng nhắc nhở HS, giao Cờ đỏ chấm điểm nền nếp, nếu không thực hiện được có thể trừ điểm của lớp, nhưng “quan trọng hơn là nhắc nhở, lựa lời khuyên nhủ các con, thực sự việc trang điểm ở lứa tuổi này là chưa cần thiết. Nếu các con đi đám cưới, lễ hội, sinh nhật, làm đẹp một chút cũng được, cô giáo không cấm nhưng rõ ràng nét đẹp của lứa tuổi này chính là sự trong sáng, mộc mạc; đặc biệt, vẻ đẹp hơn hết của HS chính là kết quả học tập chứ không phải hình thức bên ngoài” - cô giáo Nguyễn Thị Cúc trao đổi với chúng tôi.

Hầu hết các cô giáo chủ nhiệm đều cho biết: Trong giờ sinh hoạt lớp, vẫn thường xuyên nhắc nhở chuyện ăn mặc, trang điểm sao cho hài hòa khi tới trường, nhưng chủ yếu là nhắc chung chứ không cụ thể bạn nào, tránh việc làm tổn thương hay làm các con kém tự tin.

Độ tuổi teen từ 15 đến 18 là thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời mỗi người. Để trẻ hiểu được sự tự nhiên, mộc mạc đáng yêu là nét thanh tân chỉ có ở lứa tuổi ấy, từ đó không dành thời gian quá nhiều để tập làm người lớn, rất cần gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là gia đình quan tâm nhiều hơn, dành thời gian trao đổi, chia sẻ giúp các em có cơ hội tìm hiểu thêm những kiến thức thực tiễn, các kỹ năng mềm để phát triển hài hòa, hợp lý, tránh sự lệch lạc.

THƯ NGUYỄN


THƯ NGUYỄN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]