(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở trường vùng khó, năm học này tiếp tục bộn bề những trăn trở... Không chỉ là câu chuyện thiếu giáo viên mà ở đó điều kiện cơ sở vật chất cũng là những vấn đề đặt ra...

Học sinh vùng khó với năm học mới

Ở trường vùng khó, năm học này tiếp tục bộn bề những trăn trở... Không chỉ là câu chuyện thiếu giáo viên mà ở đó điều kiện cơ sở vật chất cũng là những vấn đề đặt ra...

Học sinh vùng khó với năm học mớiHọc sinh Trường TH Thành Yên (điểm lẻ Thành Tân) uống nước tại văn phòng nhà trường.

Khoảng trống

Thành Yên là xã còn lại duy nhất của huyện Thạch Thành thuộc khu vực II (xã còn khó khăn) và cũng là xã duy nhất chưa có trường học đạt chuẩn quốc gia. Khó chồng khó. Năm học 2022 - 2023 này, những câu chuyện khó, đã cũ, được lặp lại đối với thầy và trò ở các nhà trường, đặc biệt đối với Trường Tiểu học (TH) Thành Yên. Ngôi trường gồm 1 điểm chính và 1 điểm lẻ Thành Tân. Điểm lẻ cách điểm chính gần 10 km. Trong khi đó, điểm lẻ còn 3,5 km đường đất.

Nói về câu chuyện của năm học mới, thầy giáo Lê Huy Tiễn, Hiệu trưởng Trường TH Thành Yên với tâm trạng vui ít, buồn nhiều. Vui vì năm học này, theo lộ trình trường sẽ được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1. Theo đó, tại điểm trường chính, 8 phòng học do huyện Thạch Thành đầu tư hơn 5 tỷ đồng chuẩn bị được bàn giao, 6 phòng học cũ cũng đang trong quá trình tu sửa. Tuy nhiên, với 15 lớp của năm học này, Trường TH Thành Yên chỉ có 9 giáo viên, như vậy sẽ còn thiếu 13,5 giáo viên. “Trăn trở của người quản lý giáo dục ở vùng cao, năm học mới làm sao để đổi mới chất lượng chương trình 2018 là vấn đề nan giải. Chúng tôi mong muốn có giáo viên tăng cường để có 1 giáo viên/lớp, đáp ứng được việc đủ giáo viên cũng như đảm bảo chất lượng giảng dạy”, hiệu trưởng Lê Huy Tiễn bộc bạch.

Tương tự, ở xã Thành Sơn, xã 135 duy nhất còn lại của huyện Bá Thước, năm học mới này, các trường học tại đây cũng bộn bề những trăn trở. Điển hình là Trường TH&THCS Thành Sơn. Không chỉ là tình trạng thiếu giáo viên mà điều kiện cơ sở vật chất ở đây cũng vô cùng nan giải. Các phòng học xuống cấp trầm trọng. Nhà trường hiện vẫn thiếu nhà văn phòng, phòng chức năng, phòng học bộ môn... Tại 3 điểm trường lẻ, không tường rào, thiếu nước sạch... Điểm lẻ cách điểm chính gần 10 km. Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước cho biết: “Năm học này có sự thay đổi, tức ghép trường TH và THCS thành trường liên cấp. Tuy nhiên, ghép lại nhưng cơ sở vật chất vẫn chưa thay đổi. Năm học tới, xã cùng huyện đầu tư thì mới có thêm các phòng mới để chuyển toàn bộ điểm trường TH sang điểm trường THCS. Hiện tại với cơ sở vật chất của Thành Sơn vẫn phải tồn tại các điểm lẻ vì khoảng cách quá xa...”.

Chỉ mong có một giếng nước khoan

Không chỉ thiếu giáo viên hay khó khăn về cơ sở vật chất, 2 Trường TH Thành Yên (Thạch Thành) và Trường TH&THCS Thành Sơn (Bá Thước) nói trên còn chung tình trạng, hạn chế cả về nguồn nước uống cho cả cô và trò.

Hơn 10 năm về dạy học ở Trường TH Thành Yên, tại điểm trường lẻ Thành Tân, cô giáo Trương Thị Lộc cũng như nhiều giáo viên khác vẫn luôn mong chờ có một giếng nước khoan để đáp ứng nhu cầu nước uống của giáo viên, học sinh. Nhiều năm nay, điểm lẻ này vẫn phải đi xin nước uống của người dân. “Nhà trường phải nối dây dẫn nước từ trên đồi xuống để dùng. Giáo viên nấu nước, cô và trò cùng uống nhưng không thể đủ nước, nhất là vào mùa khô. Khi thiếu nước, học sinh lại chạy vào nhà dân để xin... Thực sự rất vất vả, chúng tôi chỉ mong có một giếng nước khoan”, cô giáo Trương Thị Lộc tâm sự.

Tương tự, ở xã Thành Sơn, một số điểm trường luôn trong tình trạng thiếu nước uống. Trường TH&THCS Thành Sơn gồm 1 điểm chính và 3 điểm lẻ là khu Kho Mường, khu Pà Ban và khu Báng. Nhiều năm nay, ở khu Kho Mường, khu Báng học sinh phải mang nước đi uống và giáo viên cũng phải nấu thêm nước cho học sinh nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Cô giáo Vi Thị Luyện, khu Báng cho biết: “Ở điểm trường này, phải kéo nước trên đồi về, lọc qua máy lọc. Nếu giáo viên nào trống tiết lại xuống nấu nước nhưng cũng không thể đủ cho học sinh uống, dù đã dặn học sinh mang nước ở nhà theo nhưng không phải tất cả các em đều làm được việc này”.

Còn ở khu Pà Ban, đường vào điểm trường phải đi qua một con suối nhỏ. Có một điều đặc biệt, như chia sẻ của cô giáo Ngân Thị Lư: “Nhà trường cũng có nấu nước để học sinh uống nhưng không thể đủ. Những lúc học sinh chơi xong, nóng lại thiếu nước, một số em vẫn chạy ra con suối nhỏ này để uống...”.

Khoan hãy bàn đến nước hợp vệ sinh hay nước sạch ở đây, thực tế, ở những điểm trường nói trên, học sinh vẫn chưa được cung cấp đủ lượng nước theo quy định, đó là 0,5 lít về mùa hè, 0,3 lít về mùa đông cho một học sinh trong buổi học. Năm học mới này, cả cô và trò lại vẫn nỗi lo khát... nước.

Không chỉ là câu chuyện về nước uống, riêng đối với Trường TH&THCS Thành Sơn (Bá Thước) trong năm học mới này, ở điểm lẻ Pà Ban đã có công trình nhà vệ sinh mới do Trung ương Đoàn hỗ trợ. Trước đó, “nhà vệ sinh” ở điểm lẻ Pà Ban cũng chỉ có mái cọ, đào hố như “nhà vệ sinh” hiện tại ở điểm lẻ Kho Mường...

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]