(vhds.baothanhhoa.vn) - Số trẻ em bị trầm cảm, gặp các vấn đề về tâm lý đang ngày càng nhiều. Nếu có người đồng hành, sẻ chia thì chuyện sẽ qua nhanh, nhưng có những em không thể vượt qua và chọn cách kết thúc. Câu chuyện tưởng chừng như đã cũ nhưng hệ lụy mà nó để lại đầy xót xa.

Hồi chuông cảnh báo về bất ổn tâm lý ở học sinh: Áp lực trên đôi vai học sinh

Số trẻ em bị trầm cảm, gặp các vấn đề về tâm lý đang ngày càng nhiều. Nếu có người đồng hành, sẻ chia thì chuyện sẽ qua nhanh, nhưng có những em không thể vượt qua và chọn cách kết thúc. Câu chuyện tưởng chừng như đã cũ nhưng hệ lụy mà nó để lại đầy xót xa.

Hồi chuông cảnh báo về bất ổn tâm lý ở học sinh: Áp lực trên đôi vai học sinhKhông ít học sinh đang chịu nhiều áp lực và không biết cách giải tỏa nó.

Theo “Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe của học sinh phổ thông toàn cầu tại Việt Nam” năm 2019 của Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội do tổ chức WHO tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật khảo sát với sự tham gia của gần 8.000 học sinh (HS) thuộc 81 trường tại 20 tỉnh, thành phố, cho thấy: 9,6% HS lớp 8, 9 và 16,3% ở HS cấp THPT luôn luôn hoặc phần lớn thời gian cảm thấy cô đơn trong vòng 12 tháng trước khảo sát; chỉ có 28,5% HS nói rằng bố mẹ hoặc người thân hiểu được những khó khăn và lo lắng của các em trong vòng 30 ngày trước khảo sát; 54,7% các em cho rằng bố mẹ luôn đặt kỳ vọng quá nhiều vào các em. Đặc biệt, trong số 6 -7 trẻ có 1 trẻ nghĩ đến việc tự tử trong 1 năm qua. Báo cáo này được thực hiện trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, là cuộc khảo sát về hành vi sức khỏe của HS gần đây nhất. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng hiện tại, tỷ lệ trẻ có cảm xúc tiêu cực chắc chắn sẽ cao hơn do thời gian ở nhà nhiều, trẻ giảm giao tiếp với bạn bè, thầy cô và áp lực hơn khi học trực tuyến...

Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, cho biết: “Qua trao đổi và số liệu từ các bác sĩ tâm lý bệnh viện cho thấy, tỷ lệ HS có những biểu hiện bất thường về tâm lý tăng cao. Nhưng tỷ lệ trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện lại không tăng, điều này là do đa phần phụ huynh có cái nhìn sai lầm, né tránh nên không đưa trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện”.

Thầy Lê Hữu Đông, thuộc Tổ Tư vấn tâm lý của Trường TH&THCS Lương Chí (thị xã Nghi Sơn) cho rằng, HS đang gặp rất nhiều áp lực: “Tôi thường xuyên được các em tìm đến chia sẻ, tư vấn về các vấn đề học tập, tình cảm, giới tính, gia đình... Rất nhiều áp lực chúng tôi nhìn thấy trong khi cha mẹ nhìn nhận áp lực đó là trẻ con, thời bằng con bố mẹ cũng thế, việc gì đâu”.

Và thực tế, trong cả nước liên tiếp những vụ việc đau lòng đưa tin về HS tự tử trên mặt báo. Tại Thanh Hóa, tháng 4 vừa qua đã có 1 HS (Trường TH&THCS Lương Chí, thị xã Nghi Sơn) tự tử, 1 HS (Trường THCS Điện Biên, TP Thanh Hóa) nghi có ý định tự tử. Trước đó năm 2018, 1 HS Trường THCS Trần Mai Ninh (TP Thanh Hóa) nhảy lầu tự tử.

Chúng tôi cũng đã có cuộc khảo sát nhỏ với HS một số trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn... hầu hết các em đều trả lời “có” cho câu hỏi “Em có cảm thấy thường xuyên bị áp lực trong cuộc sống?”. “Em thấy áp lực nhất đến từ đâu”, trên 90% câu trả lời chọn “học tập”. Cũng đúng thôi, vì với HS, việc học là quan trọng nhất, là thước đo cho kỳ vọng của cha mẹ, là thành tích của nhà trường và là quy chuẩn đánh giá của xã hội.

Hồi chuông cảnh báo về bất ổn tâm lý ở học sinh: Áp lực trên đôi vai học sinhBác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa khám, tư vấn bệnh nhi có biểu hiện bất thường về tâm lý.

Em Nguyễn Phương Mai (Hoằng Hóa) không thể thuyết phục bố mẹ cho học Trường THPT Lương Đắc Bằng, nơi có rất nhiều bạn bè thân của em. Bố mẹ nhất quyết yêu cầu em thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn, bởi “ngôi trường đó là môi trường học tập tốt nhất trong tỉnh”. Mai đã thi đỗ, nhưng không thấy vui bởi em biết bố mẹ sẽ tiếp tục đưa ra những yêu cầu cao hơn. Còn với em Lê Văn Thông, Trường THCS Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Em không hiểu vì sao mẹ chọn giáo viên Toán cách nhà tận 20km. Những hôm nắng nóng cũng như trời mưa, hai mẹ con đi xe máy rất vất vả mới đến lớp kịp. Em đã nhiều lần nói rằng không cần thiết, học trên trường là được rồi, nhưng mẹ vẫn một mực không nghe, và cho rằng tỷ lệ HS học với thầy đỗ trường chuyên rất cao. Những ngày phải đi học thêm Toán em luôn thấy khó chịu”.

Đây chỉ 2 trong rất nhiều câu chuyện của HS mà chúng tôi được nghe. Phần nhiều áp lực của HS trong những câu chuyện ấy không phải thiếu thốn vật chất mà chủ yếu là không được thấu hiểu và lắng nghe. Trong khi nhiều phụ huynh vẫn nghĩ quan trọng nhất là tạo cho con vật chất đầy đủ.

Bên cạnh đó, môi trường học tập của HS không chỉ toàn màu hồng. Đặc biệt, tệ nạn học đường như bạo lực, chất kích thích... luôn bủa vây và chực chờ xâm lấn vào tâm hồn các em. Có em cho rằng “nếu không muốn bị bắt nạt thì phải trở thành kẻ bắt nạt!”.

Năm học 2021 - 2022 chuẩn bị kết thúc, đồng nghĩa những kỳ vượt cấp quan trọng cận kề thì áp lực đối với HS trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Và nếu không được quan tâm, giải tỏa kịp thời, những áp lực này sẽ “tích tụ”, có thể trở thành nguồn cơn cho những bi kịch.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]