(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu năm học là các trường lại tổ chức họp phụ huynh để thông qua các khoản đóng góp trong năm. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Họp phụ huynh và nỗi lo đóng góp đầu năm

Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu năm học là các trường lại tổ chức họp phụ huynh để thông qua các khoản đóng góp trong năm.

Họp phụ huynh và nỗi lo đóng góp đầu năm

Nhiều phụ huynh lo lắng khi nghe cô giáo thông báo các khoản đóng góp đầu năm học. (Ảnh minh họa)

Nhìn chung, các khoản thu không tăng so với năm học trước, chỉ là thay vì “có lúc nào đóng lúc đó” thì năm học này, nhà trường sẽ thu theo từng tháng để phòng ngừa dịch bệnh có thể quay trở lại. Những người có điều kiện thì “sao cũng được”, nhưng với các bậc phụ huynh thuộc diện nghèo hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì đó lại là cả vấn đề cần suy nghĩ.

Chị Nguyễn Thị Lan ở phố 4, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa bày tỏ: “Anh nhà tôi chẳng may mất sớm, một mình tôi phải nuôi 2 cháu, đứa học lớp 4, đứa học lớp 8. Tổng tiền phải đóng cho các cháu cả năm là gần 8 triệu. Trước kia thu nhập đều mà phải cuối năm tôi mới đóng hết được. Nay dịch bệnh, công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều nên nếu đóng theo tháng, tôi sợ khó để cân đối, vì ngoài khoản tiền cứng đó, còn tiền ăn, tiền quần áo, sách vở và tiền học thêm cho các cháu nữa, trong khi công việc của tôi vào mùa dịch này cũng không được ổn định”.

Đó cũng chính là lý do mà trong danh sách các dịch vụ của nhà trường, tôi thấy chị Lan bỏ qua một số mục, trong đó có mục ăn bán trú mà mọi năm chị vẫn đăng ký, dù chính chị cũng chưa biết phải lo bữa trưa cho các con như thế nào khi mà công việc lại sáng đi, tối mới về nhà.

Là phụ huynh có hai con học lớp 4 và 12, chị Hồ Thị Hằng ở phố 7, phường Quảng Hưng cũng tỏ ra cân nhắc rất kỹ trước khi đặt bút đăng ký các dịch vụ. Chị còn hỏi cô giáo chi tiết số tiền của từng mục để có thể đi đến quyết định cuối cùng.

Chị phân trần: "Nếu tính theo mỗi buổi học thì số tiền không đáng kể, nhưng khi cộng lại cả tuần, cả năm thì thấy đó lại là một số tiền không nhỏ. Ví dụ như khoản “Gửi trẻ tiết 8 (từ 16h10 - 16h45) vào các buổi chiều trong tuần chỉ có 3.000 đồng/buổi, nhưng tổng cả năm là hơn 500.0000 đồng. Nếu không đăng ký mà cho con về giữa chừng thì vợ chồng tôi cũng không đón sớm được. Còn nếu cứ mua tất cả thì sẽ là một gánh nặng trên vai những người làm cha mẹ. Người khỏe mạnh và có công việc ổn định thì còn đỡ, chứ như tôi đây mắc bệnh hiểm nghèo mấy năm nay, làm được bao nhiêu cũng phải dành ra một khoản để ra Hà Nội khám và lấy thuốc uống định kỳ nên không thể không lo được”.

Lo là vậy, nhưng để cho con được bằng bạn, bằng bè, chị Hằng cũng không bỏ qua một dịch vụ nào vì sau khi tìm hiểu, chị thấy dịch vụ nào cũng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ và thuận lợi cho cả phụ huynh chứ không riêng gì giáo viên như nhiều người vẫn nghĩ.

Trong khi đó, bác Phạm Thị Dung ở phố 5, phường Quảng Hưng là bà nội có cháu học cùng con gái tôi thì lại chỉ chọn 3 dịch vụ là: Gửi xe, Tiếng Anh tăng cường, thuê người dọn vệ sinh hộ. Còn lại 5 dịch vụ là: Bán trú, giáo dục kỹ năng sống; gửi trẻ tiết 8; sổ liên lạc điện tử; nước uống tinh khiết thì đều… bỏ qua. Tôi hỏi thì được bác cho biết: “Bố mẹ cháu đi xuất khẩu lao động, tôi thì không thông thạo điện thoại nên đăng ký sổ liên lạc điện tử cũng không biết cập nhật. Tôi nghĩ cho cháu mang bình nước đi học sẽ an toàn hơn trong mùa dịch này. Việc gửi trẻ tiết 8 cũng không cần thiết vì các cháu lớn rồi, có thể đạp xe tự đi, tự về bất cứ lúc nào. Thời buổi khó khăn này, tiết kiệm được bao nhiêu thì quý bấy nhiêu”.

Mỗi người một nỗi lo và cách giải quyết riêng, nhưng những câu chuyện ấy cứ khiến tôi băn khoăn mãi. Tôi không biết học sinh sẽ nghĩ gì trước sự lựa chọn của phụ huynh, nhưng có một điều chắc chắn rằng các con sẽ không vui khi không bằng bạn.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]