(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ làm công tác quản lý, ban giám hiệu còn tham gia giảng dạy tại trường học. Điều này sẽ giúp cho lãnh đạo nhà trường hiểu được học sinh, hiểu được giáo viên để cùng chia sẻ những khó khăn đồng thời chỉ đạo chuyên môn một cách sát sao, đúng hướng...

Khi hiệu trưởng, hiệu phó đứng lớp

Không chỉ làm công tác quản lý, ban giám hiệu còn tham gia giảng dạy tại trường học. Điều này sẽ giúp cho lãnh đạo nhà trường hiểu được học sinh, hiểu được giáo viên để cùng chia sẻ những khó khăn đồng thời chỉ đạo chuyên môn một cách sát sao, đúng hướng...

Khi hiệu trưởng, hiệu phó đứng lớpTiết dạy Toán tại lớp 8A của hiệu trưởng Lê Thị Hương.

Ngoài một tuần dạy 2 tiết Toán, cô giáo Lê Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Yến Sơn (Hà Trung) còn trong vai trò là người đứng đội tuyển Toán của nhà trường. Việc chồng việc, đặc biệt vừa làm quản lý vừa phải đứng lớp, bận bịu, vất vả nhiều hơn, tuy nhiên, với hiệu trưởng Hương, được đứng trên bục giảng, luôn mang lại cho chị có cảm giác như thuở ban đầu đến với nghề dạy học.

Theo quy định, nội dung giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (PHT) theo đúng chuyên môn đào tạo (các môn học/chủ đề tự chọn) hoặc tham gia dạy học môn đạo đức (đối với chương trình giáo dục tiểu học) hoặc thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Là giáo viên dạy môn Ngữ văn nhưng PHT Trường THPT Triệu Sơn 5 (Triệu Sơn), thầy giáo Ngô Quang Trung với 4 tiết/tuần dạy Hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Trong chương trình phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm tuy không phải là một môn học nhưng là hoạt động giáo dục thực hiện bắt buộc. Theo PHT Ngô Quang Trung, dù ở cương vị lãnh đạo hay giáo viên, dù lên lớp dạy học theo đúng chuyên môn đào tạo hoặc thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thì quan trọng là phải luôn tạo không khí thoải mái cho học sinh. Thầy giáo Ngô Quang Trung cho rằng: Nắm bắt tâm lý của học sinh, biết được lực học của học sinh ở đâu để từ đó có giải pháp phù hợp đồng thời thông qua học sinh, biết thầy cô dạy thế nào, tình hình lớp học ra sao, lúc đó là ở cương vị quản lý. Còn khi tôi dạy môn được giao, ở cương vị của giáo viên bộ môn thì việc tìm hiểu học sinh sẽ dễ hơn”.

Khi hiệu trưởng, hiệu phó đứng lớpBuổi dạy học của Phó Hiệu trưởng Đàm Thị Lan.

Ở huyện miền núi Như Thanh, ở bậc tiểu học có những PHT kiêm luôn giáo viên chủ nhiệm. Câu chuyện ở Trường Tiểu học Xuân Du, cô giáo Đàm Thị Lan là ví dụ. Năm 2023, đánh dấu 8 năm, cô giáo Đàm Thị Lan được bổ nhiệm làm PHT. Trong 8 năm ấy thì có 6 năm, PHT Đàm Thị Lan đứng lớp. Nếu theo quy định, PHT tham gia dạy học 4 tiết/tuần nhưng với Như Thanh, một số năm gần đây do tình trạng thiếu giáo viên nên có những trường, PHT đồng thời là giáo viên chủ nhiệm. “Trong vai trò vừa quản lý lớp học, truyền thụ kiến thức cho học sinh, vừa làm công tác quản lý chuyên môn, rất khó khăn nhưng cũng phải cố gắng để làm tròn vai. Tuy nhiên, trong số những công việc đấy, vẫn phải ưu tiên cho việc giảng dạy học sinh”, PHT Đàm Thị Lan cho biết.

Ngày 9-6-2017, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT được ban hành, sửa đổi Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng được tính bằng 2 tiết/tuần và đối với hiệu phó là 4 tiết/tuần. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-8-2017.

Quy định ban giám hiệu tham gia dạy học vì ban giám hiệu là người trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn của trường học, theo đó không thể xa rời thực tế giảng dạy. Hơn nữa, có trực tiếp đứng lớp thì những người làm quản lý mới hiểu được học sinh, hiểu được giáo viên, nắm bắt những ưu, khuyết điểm... Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo chuyên môn sát sao, đúng hướng hơn. Theo ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hà Trung, trên địa bàn, 100% cán bộ quản lý trường học từ cấp tiểu học đến THPT đều thực hiện nghiêm quy định. Ông nhấn mạnh: “Không có chuyện làm cán bộ quản lý mà không tuân thủ điều lệ trường học, không đứng lớp mà vẫn hưởng chế độ phụ cấp. Hiệu trưởng, PHT đứng lớp để khẳng định năng lực chuyên môn của mình trước hội đồng sư phạm nhà trường, từ đó việc chỉ đạo chuyên môn phù hợp, khoa học, hợp lý hơn...”.

Cũng theo bà Lê Thúy Lan, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Thanh, trong số 46 trường công lập của địa phương, từ trước đến nay, quan điểm chỉ đạo của ngành là cán bộ quản lý phải thực hiện đúng điều lệ trường học, có thể dạy bộ môn hoặc dạy phân môn theo quy định của nhà trường. Ở Như Thanh, hiệu trưởng và PHT còn trực tiếp ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện. Riêng với tiểu học, do thiếu giáo viên nên điều động hơn 10 PHT làm chủ nhiệm lớp”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]