(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, từ năm học 2022 - 2023, Lịch sử trở thành môn học tự chọn đối với bậc THPT. Nhiều quan điểm, ý kiến xoay quanh vấn đề này đã được đưa ra. Thế nhưng, dù là môn học tự chọn hay bắt buộc cũng cần phải có sự thay đổi lớn về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy.

Khi lịch sử là môn học tự chọn: Cần trả lại cho môn Lịch sử vị thế xứng đáng

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, từ năm học 2022 - 2023, Lịch sử trở thành môn học tự chọn đối với bậc THPT. Nhiều quan điểm, ý kiến xoay quanh vấn đề này đã được đưa ra. Thế nhưng, dù là môn học tự chọn hay bắt buộc cũng cần phải có sự thay đổi lớn về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy.

Khi lịch sử là môn học tự chọn: Cần trả lại cho môn Lịch sử vị thế xứng đáng

Giờ học Lịch sử của học sinh lớp 12B11, Trường THPT Quảng Xương II- Ảnh nhà trường cung cấp

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vậy nên, nếu Lịch sử là môn tự chọn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường, đáng lo ngại nhất là quá khứ hào hùng của dân tộc sẽ dần bị lãng quên.

Nếu là môn chính khóa sẽ tốt hơn

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, giáo viên môn Lịch sử Tống Thanh Thủy, Trường THCS Lê Đình Chinh (Ngọc Lặc) không khỏi bất ngờ khi Lịch sử là môn tự chọn ở bậc THPT kể từ năm học 2022 - 2023. Bởi xét ở mọi phương diện thì môn Lịch sử chính là cái hồn cốt của lòng yêu nước, của truyền thống văn hóa dân tộc, là cội nguồn để hiểu những gì trong quá khứ. Từ những gì xảy ra trong quá khứ để có nhận định, bài học kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai.

Ở lớp 9A, nơi cô giáo Thủy làm chủ nhiệm, vừa qua khi học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn, ở phần đăng ký 5 môn học tự chọn, có tới 8/11 học sinh đăng ký học môn Lịch sử. Điều đó chứng tỏ, môn Lịch sử có ý nghĩa rất lớn và có sự yêu thích đối với học sinh Trường THCS Lê Đình Chinh. “Quá bất ngờ. Tôi mong môn Lịch sử trở thành môn học chính chứ không phải tự chọn, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân cũng như mục tiêu xây dựng nền tảng về lòng yêu nước, về truyền thống, ý chí, về giá trị lịch sử dân tộc, đặc biệt cho sự phát triển tương lai đất nước”, cô giáo Thủy cho biết.

Hơn 30 năm vừa làm giáo viên dạy Lịch sử vừa là cán bộ quản lý, đặc biệt đã từng có học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) Hoàng Thị Hải mang tâm trạng của người trong nghề khi biết đây là môn học tự chọn vào năm học tới. Cô Hải chia sẻ: “Dư luận chung, nhất là đội ngũ giáo viên dạy bộ môn Lịch sử như chúng tôi, ai cũng buồn. Theo tôi được biết, hầu hết các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến bao giờ họ cũng chú trọng môn Lịch sử và là môn bắt buộc vì đó là cội nguồn, là nhịp cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất nhiên, dù chính khóa hay tự chọn, đều dựa vào cách thức, phương pháp chuyển tải lịch sử nhưng nếu là môn chính thống sẽ tốt hơn trong việc truyền lửa cho thế hệ sau”.

Còn theo cô giáo Trần Thị Thu, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa): “Tôi thiết nghĩ, cần trả lại cho môn Lịch sử vị thế xứng đáng trong Chương trình Giáo dục phổ thông. Lịch sử phải là môn bắt buộc dù biết rằng, môn học nào cũng quan trọng nhưng môn Lịch sử có đặc thù rất riêng, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Bản thân mỗi con người Việt Nam, mỗi học sinh Việt Nam đều nồng nàn yêu nước thì các em có nhu cầu để tìm hiểu về cội nguồn dân tộc. Có điều là cách giảng dạy, cách tiếp cận chương trình của chúng ta như thế nào thôi”.

Tạo một khoảng trống về kiến thức

Ở cấp THCS, môn Lịch sử được dạy từ lớp 6 đến 9, trang bị cho học sinh kiến thức cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp khoa học xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử là những nội dung chuyên sâu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, Lịch sử là môn tự chọn thì khi không được chọn, điều gì sẽ xảy ra? Cô giáo Hoàng Thị Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thiệu Hóa, cho rằng: “Nếu là môn tự chọn mà các em học môn tự nhiên không chọn môn Lịch sử thì xem như trong 3 năm học THPT, các em sẽ không cần đến môn học này và ngay những sự kiện như ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh,... liệu các em có còn nhớ và hiểu được ý nghĩa”.

Điều này đồng nghĩa với việc, nếu trang bị kiến thức lịch sử ở cấp THCS là đủ kiến thức nền tảng cho học sinh và ở cấp THPT là phân luồng định hướng phát triển năng lực thì sẽ dẫn đến việc không có sự liên tục và tạo một khoảng trống về kiến thức. Theo thầy giáo Nguyễn Anh Tú, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Quảng Xương II (Quảng Xương) thì: “Ở cấp THPT, học sinh đang có sự trưởng thành về nhận thức, là giai đoạn hình thành định hướng giá trị của con người thì việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT rất cần thiết. Không lựa chọn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường, đáng lo ngại nhất các em sẽ lãng quên đi quá khứ hào hùng của dân tộc”.

Khi lịch sử là môn học tự chọn: Cần trả lại cho môn Lịch sử vị thế xứng đáng

Giờ học Lịch sử của cô và trò Trường THPT Thiệu Hóa.

“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý: Lịch sử nước nhà phải được biết, được dạy một cách tường tận, rõ ràng, nếu không thì có lỗi với lịch sử. Cũng mới đây, tại phiên họp toàn thể thảo luận chương trình dạy Lịch sử ở bậc THPT, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho biết: Đa số thành viên Ủy ban không đồng tình việc đưa Lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn. Ủy ban đánh giá, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng với thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử. Môn học này còn bồi dưỡng cho học sinh năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội.

Bài và ảnh: Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]