(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Xứ Thanh từ xa xưa đã có truyền thống hiếu học và khuyến học. Truyền thống văn hóa đó đã hình thành nên những vùng đất học, những dòng họ khoa bảng, những danh nhân, những hiền tài của đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khuyến học xứ Thanh qua một công trình khoa học

(VH&ĐS) Xứ Thanh từ xa xưa đã có truyền thống hiếu học và khuyến học. Truyền thống văn hóa đó đã hình thành nên những vùng đất học, những dòng họ khoa bảng, những danh nhân, những hiền tài của đất nước.

Ngày nay phong trào khuyến học, hiếu học xứ Thanh đang phát huy mạnh mẽ. Phong trào này đang có một động lực mới, đó là cả nước xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời theo gương Bác Hồ, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mấy năm nay đã có những hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào khuyến họcnhằm đánh giá phong trào. Song việc đó cũng mới mang tính chất công tác, hành chính, chưa có tính chất khoa học thực sự. Mừng thay trên tay chúng ta đã có tác phẩm “Khuyến học và văn hóa dòng họ xứ Thanh” của Tiến sĩ Nguyễn Đình Mạnh, Nhà Xuất bản Văn học - Hà Nội - 2014. Tác phẩm này rút ra từ luận án Tiến sĩ bảo vệ thành công tại Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Phong trào khuyến học xứ Thanh đang phát triển rộng lớn so với xưa, trong một bối cảnh xã hội động không tĩnh như xưa. Nên phát huy truyền thống như thế nào để không ngừng đưa phong trào đi lên ở các dòng họ, các địa bàn dân cư trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Trong cái mênh mông đó nên chọn vấn đề gìđể nghiên cứu? Ở đây ta thấy tác giả đã lựa chọn “Khuyến học và văn hóa dòng họ xứ Thanh”. Đó là cái tinh và cái khéo, cái chuyên nghiệp của người chọn đề tài và thực hiện đề tài khoa học.

Bởi vì khi nói tới dòng họ, tất phải nói đến gia đình. Và như vậy cũng phải nói tới làng xóm thôn bản. Xem ra vấn đề tưởng như cụ thể mà cũng mang tính khái quát. Đúng như một ý của ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã ghi ở lời tựa của tác phẩm “… tác giả mặc dù chỉ đề cập đến xứ Thanh nhưng thực tế có nhiều điểm chung đối với các dòng họ trong cả nước”.

Tác giả rất có ý thức trong việc chọn đề tài có tính “đột phá khẩu” này. Tác giả giải thích: “…Nghiên cứu Khuyến học qua văn hóa dòng họ là nghiên cứu cách thức, biện pháp khuyến khích việc học của các dòng họ như một nét văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác”. Theo tác giả chọn đề tài này còn là vì: “Khuyến học dòng họ là một mô hình một nét văn hóa tinh thần tiêu biểu của dòng họ Khuyến học xứ Thanh. Sự cố kết huyết thống trong mỗi dòng họ được thể hiện như một cây phả hệ với các thế hệ lịch đại từ tổ tiên xuống cho đến ngày nay với các chi nhánh là các thứ tự đương đại”.

Trong tác phẩm, tác giả đã đi sâu vào nội dung và cách thức vận hành văn hóa Khuyến học ở các dòng họ trên các địa bàn. Tác giả đã khảo tả, thống kê khá tỷ mỉ, nhất là ở các vùng “Đất học” của 4 “cổ”: Cổ Đằng (Hoằng Hóa), Cổ Đôi (Nông Cống), Cổ Định (Triệu Sơn), Cổ Bôn (Đông Sơn).

Ở các dòng họ có các nhà đại khoa tính từ tiến sĩ đến trạng nguyên gồm 204 vị. Tác phẩm đã đề cập tới 29 dòng họ khoa bảng như họ Nguyễn, họ Lê, họ Đỗ, họ Lương… Đáng chú ý trong tác phẩm đã đề cập đến một số dòng họ mới tạo dựng được văn hóa dòng họ trong phong trào khuyến học của xứ Thanh những năm gần đây như họ Triệu (người Dao) ở Ngọc Lặc. Họ Hà (người Thái) ở Bá Thước. Và dòng họ Lê (người công giáo) ở vùng bãi ngang ở xã Nga Phú, Nga Sơn.

Khuyến học xưa đã trở thành truyền thống văn hóa các dòng họ, các thôn làng đã đạt được những thành tựu lớn. Nhiều vùng đất học được hình thành, nhiều dòng họ khoa bảng. Quan trọng hơn là đã có nhiều người con xứ Thanh thành danh góp phần xây dựng đất nước. Từ truyền thống hiếu học được phát huy, lại được ngọn gió lành khuyến học của thời đại mới thổi tới, đã tạo dựng được nhiều dòng họ khuyến học, gia đình làng thôn khuyến học. Phong trào khuyến học đã thúc đẩy, tạo điều kiện chắp cánh cho biết bao những tài năng trẻ.

Nối tiếp cha ông xưa, ngày nay xứ Thanh có gấp trăm lần cử nhân, tiến sĩ, giáo sư so với xưa đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực trên địa bàn trong tỉnh và các vùng miền của đất nước. Tiến sĩ Nguyễn Đình Mạnh trong tác phẩm của mình đã cố gắng lý giải vì sao xứ Thanh là một vùng nghèo, xa trung tâm văn hóa của đất nước lại có thể có được hiếu học, khuyến học trở thành một truyền thống văn hóa bộc lộ nhiều thành tựu đáng tự hào? Theo tác giả ấy là vì:

Điều kiện tự nhiên của quê hương vốn là vùng địa linh nhân kiệt hun đúc nên truyền thống. Điều đó cũng đúng thôi. Xứ Thanh là nơi non kỳ thủy tú, là chốn "Chung linh dục tú, hiền tài sinh tụ”. Địa linh sinh nhân kiệt, nhân kiệt bồi bổ địa linh.

Điều kiện lịch sử của xứ Thanh. Suốt trong chiều dài lịch sử của đất nước, xứ Thanh là đất “thang mộc” nơi phát tích và làm nên lịch sử của các triều đại Việt Nam mà ít nơi có được, là nơi có “Tứ vương nhị chúa”. Theo đó cũng hình thành nên những hiền tài, những văn quan võ tướng. Người xứ Thanh lẽ nào không tự hào háo hức vươn lên trên con đường học hành để có công danh hộ quốc trợ dân.

Học hành thành danh xưa là niềm khát khao, là mơ ước của người cắp sách đến trường hoặc tự học. “Khoa bảng đề danh”, “nối được nghiệp nhà”, “vinh quy bái tổ”, được đổi đời, thay phận là động lực lớn của học trò, kẻ sĩ. Cho nên dù giàu hay nghèo ai cũng háo hức ước mong. Bây giờ đất nước ta còn thiếu nhiều thứ, nhưng cái thiếu lớn nhất vẫn là thiếu nhân tài. Đất nước thiếu người tài giỏi sẽ kìm hãm sự phát triển. Bởi như người xưa nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Không đủ hiền tài thì nguyên khí không vượng lên được.

Tác phẩm “Khuyến học và văn hóa dòng họ xứ Thanh” có sự đóng góp quan trọng vào phong trào khuyến học khuyến tài của xứ Thanh. Đúng như Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã viết: “Cống hiến quan trọng của tác giả là từ công trình nghiên cứu của mình đưa ra những kết luận có giá trị không chỉ đúng với thời trước mà đúng cả với thời nay…”.

Cao Sơn Hải



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]