(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh viên tốt nghiệp từ Đề án “Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức” được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên trung học phổ thông (THPT) chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030.

Kỳ vọng vào một đề án đào tạo nguồn nhân lực

Sinh viên tốt nghiệp từ Đề án “Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức” được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên trung học phổ thông (THPT) chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030.

Kỳ vọng vào một đề án đào tạo nguồn nhân lựcSinh viên chất lượng cao ngành sư phạm Vật lý của Trường Đại học Hồng Đức đạt giải Nhì toàn đoàn trong Kỳ thi Olympic Vật lý toàn quốc lần thứ XXIII - năm 2021. (Ảnh: Trường Đại học Hồng Đức)

Từ một đề án

Với mục tiêu đào tạo giáo viên THPT chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, Trường Đại học Hồng Đức đã chủ trì xây dựng Đề án Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm. Thực hiện Đề án, Trường Đại học Hồng Đức đặt ra những mục tiêu cụ thể, như: Tổ chức đào tạo để sinh viên ra trường đạt được chuẩn đầu ra, đảm bảo năng lực, tiêu chuẩn theo đúng Khung trình độ Quốc gia Việt Nam (ban hành kèm Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ), đáp ứng Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, ngày 22-8-2018 của Bộ GD&ĐT) có năng lực chuyên môn giỏi, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp; đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD&ĐT, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Hình thành và phát triển được 5 nhóm năng lực chính: năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; năng lực dạy học; năng lực giáo dục; năng lực hoạt động chính trị, xã hội; năng lực phát triển nghề nghiệp...

Đối với các ngành sư phạm không chuyên ngoại ngữ, sử dụng có hiệu quả tiếng Anh trong giao tiếp, học tập và giảng dạy chuyên môn. Đồng thời, có thể sử dụng tốt ngoại ngữ trong những công việc khác có sử dụng tiếng Anh khi chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng với đó, kỹ năng tin học của sinh viên đạt chuẩn trình độ tin học quốc tế IC3, vận dụng được trong quá trình học và hoạt động chuyên môn sau khi tốt nghiệp.

Những sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi từ đề án sẽ được sử dụng có hiệu quả, làm nòng cốt đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2030.

Đề án “Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức” được Bộ GD&ĐT xác nhận (Công văn số 867/BGDĐT-GDĐH, ngày 8-3-2018) cho phép đào tạo 4 ngành sư phạm chất lượng cao, gồm: Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử.

Để Đề án được triển khai hiệu quả, tại Văn bản số 3421 ngày 2-4-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến: “Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đề án nêu trên, kịp thời bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh”. Trong văn bản nêu rõ, ứng viên phải đảm bảo các điều kiện: tốt nghiệp đại học loại khá trở lên theo chương trình đào tạo; có phẩm chất đạo đức tốt, sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập lâu dài; có điểm thi đầu vào đại học từ 24 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn thi xét tuyển đại học (không tính điểm nhân hệ số (nếu có) của từng môn thi, trong đó không có môn nào dưới 5,0 điểm và môn chủ chốt của ngành đào tạo phải đạt từ 8,0 điểm trở lên), hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Chỉ tiêu tuyển dụng mỗi ngành là 20 chỉ tiêu/năm.

Kỳ vọng những thay đổi

Sau khi Đề án “Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức” được phê duyệt, năm 2018 nhà trường bắt đầu tuyển sinh. Đến nay, sau 3 năm tổng số sinh viên 4 ngành sư phạm đào tạo chất lượng cao theo học tại trường là 114 sinh viên. Trong đó, năm 2018 có 22 sinh viên; 2019 có 48 sinh viên; và 2020 có 44 sinh viên. Kỳ tuyển sinh năm 2021, nhóm 4 ngành sư phạm chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức có tổng 60 chỉ tiêu.

Tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với số điểm 3 môn (Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân) đạt 29,5 (trong đó có 2,75 điểm ưu tiên) cô gái dân tộc Thái - Hà Thị Dung nhà ở bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành sư phạm Ngữ văn thuộc Đề án “Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức”. May mắn là 1 trong 14 sinh viên trúng tuyển, sau một năm theo học, Hà Thị Dung chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở bản Sa Ná, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khi học THPT em đã ước mơ sẽ làm cô giáo, trở về bản làng dạy học cho những em nhỏ vùng cao khó khăn. Hy vọng, sau khi tốt nghiệp em sẽ thực hiện được ước mơ “gieo mầm tri thức” nơi vùng cao quê hương mình”. Tuy nhiên, cũng theo Hà Thị Dung: “Việc học đại học, đặc biệt học theo chương trình của đề án đối với bản thân em có nhiều áp lực. Trong đó, ngoại ngữ là một trong những “điểm yếu” với những sinh viên ở khu vực miền núi như em. Nhưng em tin mình sẽ nỗ lực để vượt qua”.

Chuẩn bị là sinh viên năm thứ 3 ngành sư phạm Toán thuộc Đề án, Hoàng Kim Anh ở thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa), cho biết: “Với tổ hợp 3 môn thi đạt 25,4 điểm, năm 2019 em quyết định nộp nguyện vọng 1 vào trường. Sau 2 năm học, những khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu đã cơ bản vượt qua. Riêng môn ngoại ngữ, ngoài học với thầy cô trên trường thì về nhà tự học là quan trọng. Khác chương trình học ngoại ngữ ở bậc phổ thông, ở đại học chú trọng các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, thực hành. Thông qua việc lồng ghép các hoạt động không chỉ giúp sinh viên năng động hơn, qua đó tăng khả năng sử dụng tiếng Anh ngoài giờ học… Thầy cô giảng dạy vô cùng tâm huyết, gần gũi, tận tình, hỗ trợ sinh viên học tập". Và nhờ sự nỗ lực bản thân, 2 năm vừa qua, Hoàng Kim Anh liên tục nhận được học bổng của nhà trường.

Ông Đậu Bá Thìn, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: “Sinh viên sư phạm thuộc Đề án được miễn phí ở ký túc xá. Những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, giỏi được cấp học bổng gấp 1,5 lần so với các bạn sinh viên lớp đại trà. Sinh viên lớp chất lượng cao được học số lượng tín chỉ nhiều hơn (137 tín chỉ, hệ thường 120 tín chỉ), thời lượng học tiếng Anh là 4 kỳ (12 tín chỉ), 20% khối lượng kiến thức chuyên môn được giảng dạy bằng tiếng Anh và trực tiếp đứng lớp là các giảng viên có trình độ, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, tâm huyết với nghề. Ngoài học kiến thức chuyên ngành, sinh viên được chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm. Ngay từ năm thứ 2, sinh viên đã được tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học; được rèn nghề thông qua việc dự giờ tại các trường THPT trên địa bàn TP Thanh Hóa… Sinh viên thuộc Đề án sau khi tốt nghiệp được kỳ vọng sẽ nhanh thích ứng với môi trường làm việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của tỉnh”.

Cũng theo ông Đậu Bá Thìn, những năm qua, do chưa có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ trong quá trình đào tạo và sau tốt nghiệp, dẫn đến thực tế nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trường đại học trong cả nước chưa thu hút được sinh viên khá, giỏi. Đề án “Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức” với nhiều chính sách quan tâm của tỉnh, hy vọng sẽ thu hút được những sinh viên thực sự giỏi, tâm huyết, đam mê với sự nghiệp “trồng người”.

Năm 2022, Trường Đại học Hồng Đức sẽ có 22 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp từ Đề án. Được biết, Trường Đại học Hồng Đức đang đề nghị với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng cơ chế để tuyển dụng - sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo từ Đề án.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]