(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù là bạo lực học đường hay bạo lực ngoài xã hội thì sau mỗi vụ bạo lực, điều còn lại vẫn là nỗi đau. Thậm chí, có những nỗi đau trở nên dai dẳng về tinh thần, hoặc mang trên mình những thương tật suốt đời... Khi con là nạn nhân của bạo lực, phụ huynh nên làm gì?

Làm gì khi con là nạn nhân của bạo lực

Dù là bạo lực học đường hay bạo lực ngoài xã hội thì sau mỗi vụ bạo lực, điều còn lại vẫn là nỗi đau. Thậm chí, có những nỗi đau trở nên dai dẳng về tinh thần, hoặc mang trên mình những thương tật suốt đời... Khi con là nạn nhân của bạo lực, phụ huynh nên làm gì?

Làm gì khi con là nạn nhân của bạo lựcTrường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa), nơi Đ.L.V đang theo học.

Vết thương... nỗi lòng

Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày con gái là Đ.L.V hiện là học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) bị đánh “hội đồng”, nhưng chị L.T.H là mẹ của cháu vẫn chưa hết bàng hoàng. Không muốn nhắc lại chuyện cũ nhưng trong lòng người mẹ vẫn rưng rưng nỗi niềm. Ngay khi con bị các bạn học đánh gây thương tích, dù đau lòng nhưng chị H phải cố nén cảm xúc để chăm lo sức khỏe cho con. Sau hơn 1 tháng điều trị, những vết thương trên người Đ.L.V đỡ hơn, cháu đi học trở lại. Là giáo viên nên chị H có những cảm thông, chia sẻ với hành vi, ứng xử của những học sinh đã dùng bạo lực với con mình. Chị nói: “Trong hoàn cảnh như vậy, không bố mẹ nào lại không thương con. Nhưng điều này không có nghĩa là quay sang tạo áp lực cho những người đã làm tổn thương con mình. Các cháu còn nông nổi, chưa nhìn nhận rõ vấn đề nên dễ có hành động tự phát. Khi con tôi trở lại trường học, được thầy cô, bạn bè động viên, yêu thương nhiều hơn. Sự mâu thuẫn của nhóm bạn và cháu cũng được hóa giải. Nhưng sự việc ấy như một vết thương". Vết thương ấy là nỗi lòng của cha mẹ. Và vết thương da thịt đã được chữa khỏi, nhưng vết thương tinh thần trong Đ.L.V vẫn còn ở lại.

Làm gì khi con là nạn nhân của bạo lựcChị L.T.B vẫn chưa hết bàng hoàng, chua xót kể lại việc con gái V.T.T.M bị chủ shop quần áo đánh đập, làm nhục.

Hơn 1 tháng nay, chị L.T.B, thôn Quang Minh, phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn) luôn sống trong tâm trạng bàng hoàng, chua xót khi con gái là cháu V.T.T.M bị chủ shop quần áo đánh đập, làm nhục nhằm đe dọa, gây áp lực để cưỡng đoạt tài sản. Giọng chua xót, chị cho biết: “Tôi biết việc con lấy trộm cái chân váy ở shop quần áo là sai và tôi cũng không dung túng cho hành vi đó. Cháu biết mình đã sai, lên xin lỗi và trả lại chân váy. Giá như lúc đó, chủ cửa hàng thay vì đánh đập, làm nhục mà báo công an, hay gọi điện cho tôi để cùng phối hợp giáo dục thêm cháu thì tốt biết mấy”. Rồi chị trần tình: “Thú thật, việc cháu trót dại, tôi cũng không biết và cháu cũng không nói với tôi. Chỉ đến khi công an phường thông báo đến gia đình, tôi mới biết. Nghe câu chuyện, tôi vừa giận, vừa thương. Giận con vì bồng bột, nông nổi mà hành động sai, nhưng tôi thương cháu sống trong gia cảnh nghèo nên chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn”.

"Nhận thấy con mình đã sai, tôi lên tận nơi gặp chủ cửa hàng xin lỗi và xin họ được giảm mức tiền phạt, nhưng họ chỉ giảm cho 5 triệu, yêu cầu phải đóng 10 triệu đồng. Tôi khất họ 2 tuần nhưng chủ shop không đồng ý. Quả thật, tôi chưa biết xoay xở ở đâu ra khoản tiền lớn như vậy, chồng lại mới mất do tai nạn giao thông, một mình phải bươn chải, lo chạy ăn từng bữa nuôi 4 đứa con ăn học. Do chưa lo được số tiền như thời gian quy định nên chủ shop đã tung clip quay cảnh đánh đập, làm nhục con tôi lên mạng. Cũng nghĩ bình thường con sai, họ bắt nộp phạt thì lên xin. Ai ngờ thấy con bị đánh đập đưa lên mạng xã hội mà xót xa. Sao họ lại tàn nhẫn như vậy chứ”, chị B. nói trong nước mắt.

Phụ huynh cần làm gì?

Nói về vai trò của phụ huynh khi con là nạn nhân của bạo lực, giảng viên Lê Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Tâm lý, Trường Đại học Hồng Đức, chia sẻ: “Khi bạo lực xảy ra đối với con mình, với vai trò vừa là người mẹ vừa là người bạn luôn cận kề, động viên, sẵn sàng lắng nghe tâm sự của con, giúp con hiểu gia đình là chỗ dựa đáng tin cậy. Từ đó, con mới sẵn sàng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và thậm chí là những băn khoăn, lo lắng của mình cho bố mẹ. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ con trước bạo lực học đường, hay bạo lực ngoài xã hội. Bên cạnh đó, ngay khi phát hiện con bị bắt nạt tại trường, hay ngoài xã hội, các bậc phụ huynh cần có hành động sớm để giúp con nhanh chóng hòa nhập với môi trường lớp học và bạn bè. Riêng đối với trường hợp bé V.T.T.M trong vụ shop Mai Hường, phụ huynh ngoài quan tâm, động viên, chia sẻ để em hòa nhập với các bạn và quan trọng để em hoàn thành tốt chương trình phổ thông, cũng phải giáo dục con, chỉ ra cái lỗi của con một cách nhẹ nhàng mang tính khuyên bảo và coi đó là bài học cho bản thân. Khi phụ huynh không quan tâm đến tư tưởng, tình cảm của con, sẽ dễ xảy ra tư tưởng tiêu cực, việc làm sai trái như bỏ nhà hoặc tự tử. Vì vậy, gia đình lúc này cần giang rộng vòng tay thay vì bỏ mặc hay quát mắng các con, cần tìm phương pháp giải quyết vấn đề khéo léo, triệt để và hiệu quả”.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]