(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hiện nay, hầu hết các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Thanh Hóa đều chưa có nhà trẻ, trường mầm non đáp ứng nhu cầu gửi con của đông đảo công nhân, lao động (CNLĐ).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Loay hoay bài toán nhà trẻ tại các khu công nghiệp

(VH&ĐS) Hiện nay, hầu hết các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Thanh Hóa đều chưa có nhà trẻ, trường mầm non đáp ứng nhu cầu gửi con của đông đảo công nhân, lao động (CNLĐ).

Chị Nguyễn Thị Minh, làm việc tại KCN Lễ Môn, cứ sau giờ tăng ca chiều, lại mua vội ít thức ăn rồi tất bật về nhà vớiđứa con nhỏ mới gần 10 tháng tuổi. Chị chia sẻ, cả hai đứa con của chị đều đang nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc. Cháu lớn 3 tuổi được gửi về quê ở Yên Định để đi học mầm non, bởi quanh đây không có nơi gửi trẻ, trường tư học phí cao, lương công nhân không kham nổi.

Trong số công nhân đang làm việc ở các KCN có nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ. Với những cặp vợ chồng có con chưa đầy 25 tháng tuổi thì việc gửi trẻ tại các trường mầm non vô cùng khó khăn do chưa đến tuổi để các nhà trường nhận chăm sóc. Trong khi đó, với đồng lương ít ỏi lại gánh nhiều chi phí sinh hoạt nên việc gửi các cháu đến nhà trẻ tư thục là rất khó khăn.

Theo số liệu thống kê, hiện nay Thanh Hóa có hơn 120.000 công nhân, lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp (KCN). Trong đó, lao động nữ chiếm chủ yếu nên nhu cầu gửi con là rất lớn. Song, hiện nay toàn tỉnh chưa KCN nào có nhà trẻ, trường mầm non bảo đảm, đáp ứng nhu cầu gửi con của đông đảo CNLĐ. Với các lao động nhập cư, điều lo lắng nhất chính là tìm nơi để gửi con em mình, nhất là trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, mầm non.

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp đại diện một số DN trên địa bàn tỉnh. Hầu hết họ lý giải: Trước kia, khi quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp các DN thường không dành quỹ đất để xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân. Những năm gần đây, do nhu cầu gửi trẻ của công nhân tăng cao, nhiều công ty đã có kế hoạch xây dựng nhà trẻ, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc...

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng vì tình trạng nữ công nhân làm một thời gian rồi nghỉ để chăm con, nhất là doanh nghiệp mà số lượng lao động nữ chiếm khá nhiều như Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam, KCN Hoàng Long (TP Thanh Hóa), KCN Lễ Môn.

Việc xây dựng nhà trẻ đảm bảo cả việc học và chơi hiện đang là vấn đề nan giải của nhiều KCN trên địa bàn tỉnh.

Tại Điều 153, Bộ luật Lao động quy định: Nhà nước có kế hoạch tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và Điều 154 về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ quy định: Người sử dụng lao động giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ. Nhưng hiện nay, tại các KCN trong tỉnh với số lượng lớn CNLĐ làm việc như KCN Hoàng Long, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, KCN Lễ Môn... nhưng việc xây dựng nhà trẻ, trường mầm non vẫn chưa được quan tâm, một số ít đơn vị có nhưng lại không bảo đảm theo yêu cầu. Tại nhiều doanh nghiệp dù đã có trợ cấp gửi trẻ cho công nhân, song số tiền hỗ trợ quá ít (50.000 đồng/tháng).

Để tháo gỡ khó khăn này, tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất đến năm 2020”. Kèm theo đó, một cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy xã hội hóa các cơ sở trông trẻ tư thục đã kịp thời được ban hành. Thế nhưng sau hơn 3 năm ra đời, việc thực thi đề án lại quá chậm chạp. Hiện nay, hầu hết các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh mới đang xây dựng kế hoạch để thực hiện.

Việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân lao động đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Có nhà trẻ, mẫu giáo an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]