(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với quá nhiều khó khăn thiếu thốn về nơi ăn ở sinh hoạt đến đồng lương ít ỏi để trang trải cuộc sống, vì thế nhiều gia đình công nhân đã chọn cách gửi con về quê ở với ông bà, dẫu biết rằng con mình có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phập phồng nỗi lo xa con của những bà mẹ công nhân

(VH&ĐS) Với quá nhiều khó khăn thiếu thốn về nơi ăn ở sinh hoạt đến đồng lương ít ỏi để trang trải cuộc sống, vì thế nhiều gia đình công nhân đã chọn cách gửi con về quê ở với ông bà, dẫu biết rằng con mình có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng, nhất là ở vùng nông thôn như sự việc em P.T.V.T (13 tuổi, đang học lớp 7, xã Thúy Sơn, Ngọc Lặc) bị xâm hại tình dục đến mang thai, khiến cho nhiều chị em công nhân phải xa con, gửi con về quê lo lắng không yên.

Gặp chúng tôi trong giờ nghỉ giữa ca, chị Nguyễn Thị Vân (Thạch Thành), công nhân KCN Hoàng Long tỏ ra lo lắng khi hay tin đứa con gái thứ hai của mình phải nghỉ học vì ốm nặng. Vợ chồng chị Vân đã chia tay được mấy năm, để có tiền lo cho cuộc sống của 3 mẹ con, chị phải bươn trải nhiều nghề, rồi khi xin đi làm công nhân chị buộc phải nhờ ông bà ngoại lo chuyện chăm sóc, học hành cho 2 đứa nhỏ. Còn bản thân chị không quản tăng ca ngày đêm, tiết kiệm từng đồng gửi về quê lo chuyện học hành cho con. Chị Vân buồn rầu tâm sự: “Ông bà chỉ có thể trông nom, lo ăn uống cho các cháu, còn chuyện dạy dỗ, bảo ban cho chúng học hành, chăm lo những lúc ốm đau thì là trách nhiệm của cha mẹ, nhưng...”, chị nghẹn ngào không nói được hết câu.

Ngoài chuyện con cái ốm đau, thì cậu trai cả học lớp 9 đang là lứa tuổi dễ “nổi loạn”, dễ bị bạn xấu lôi kéo cũng khiến chị thấp thỏm không yên. “Mỗi lần nghe điện thoại từ gia đình nói cháu có những biểu hiện khác lạ, không nghe lời người lớn là tôi chỉ muốn chạy về ngay để tâm sự với con, phân tích cho con những điều phải trái”, chị Vân cho biết.

Tuy nhiên, chị Vân vẫn có thể một tuần về với các con một lần vào dịp cuối tuần, còn với những gia đình ly hương, “Nam tiến” thì chỉ biết khóc thầm khi mỗi năm mới về quê thăm con một lần, thậm chí vì chi phí về quê dịp tết đắt đỏ nên nhiều gia đình 2, 3 năm mới về một lần.

Chị Vân luôn lo lắng cho những đứa con ở quê nhà.

Còn chị Phạm Lan Phương (Lang Chánh), công nhân Công ty Hồng Mỹ 2 đang rất lo lắng khi chị đã hết thời hạn nghỉ thai sản phải đi làm trở lại. Tuy nhiên, con còn quá nhỏ để có thể để lại cho ông bà, còn nếu mang con theo thì chị buộc phải thuê thêm phòng trọ, thuê người trông cháu bởi, ông bà nội ngoại đều có công việc riêng, không thể bỏ nhà đi chăm cháu hàng tháng trời.

Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH, Thanh Hóa có gần 2,4 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó 83,9% là lao động ở khu vực nông thôn. Nhiều địa phương có số lao động ly hương đi làm ăn nơi khác chiếm khoảng 40 - 50% tổng số lao động. Điển hình như xã Thiệu Vân có 1.596 hộ với 6.396 khẩu, trong đó số trẻ từ 16 tuổi trở xuống là 1.900 cháu thì có tới 800 cháu có bố mẹ đi làm ăn xa; xã Thiệu Giao có 2.160 hộ, 7.780 khẩu, lao động đi làm ăn xa chiếm tới 60%...

Dẫu biết rằng những đứa trẻ không có cha mẹ ở bên có thể đối mặt với nhiều nguy cơ, nhưng vì miếng cơm manh áo nên nhiều bậc phụ huynh vẫn phải ly hương, ly con. Cũng chính vì thực trạng này mà rất nhiều người yêu nhau nhưng không dám cưới hoặc cưới rồi lại không dám sinh con. Từ đó, nảy sinh những hiện tượng tiêu cực khác như: sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai trước hôn nhân và tình trạng sống độc thân ngày càng nhiều. Đặc biệt, tình trạng lao động nữ đẻ con, nuôi con một mình hoặc có con nhưng không đăng ký kết hôn... chiếm tỉ lệ cao.

V.A



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]